
Băng tan ở Bắc Cực có thể giải phóng các mầm bệnh chết người cổ đại
Biến đổi khí hậu đang mở ra những con đường mới cho sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm như brucellosis, tularemia và E. coli ở Bắc Cực, theo cảnh báo từ một nhóm nhà khoa học quốc tế có chuyên môn về sức khỏe con người, động vật và môi trường tại vùng cực Bắc.
Những phát hiện này được công bố trên tạp chí Science of the Total Environment, cho thấy băng tan đang làm cho nhiều khu vực trước đây bị cô lập trở nên dễ tiếp cận hơn với các hoạt động du lịch và công nghiệp, đưa con người vào tiếp xúc gần hơn với các hệ sinh thái Bắc Cực vốn trước đây bị tách biệt.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng việc tan băng và lớp đất từng bị đóng băng hàng nghìn năm (tầng đất đóng băng vĩnh cửu) có thể giải phóng các vi sinh vật từng bị vùi lấp trong xác động vật và sinh vật cổ đại, làm tăng nguy cơ bùng phát các dịch bệnh có khả năng trở thành đại dịch.
Các tác giả khuyến nghị cần có những hành động “nâng cao nhận thức và quản lý các bệnh truyền nhiễm từ động vật có nguy cơ bùng phát dịch và đại dịch, đồng thời tập trung vào tác động của các yếu tố môi trường và lối sống đến những bệnh này tại Bắc Cực.”
Hoạt động công nghiệp và vi khuẩn cổ đại
Khi băng ở Bắc Cực tan chảy, ngày càng có nhiều ngành công nghiệp và con người đổ về khu vực này, làm gia tăng khả năng lây lan bệnh truyền nhiễm, theo Tiến sĩ Khaled Megahed Abass từ Đại học Sharjah – đồng tác giả của nghiên cứu – nhấn mạnh rằng “việc tan băng tầng đất vĩnh cửu có thể giải phóng các vi khuẩn hoặc virus cổ đại đã bị đóng băng hàng ngàn năm.”
Trong bài tổng quan của mình, nhóm tác giả đã phân tích các tài liệu khoa học và văn bản của chính phủ từ Bắc Cực, đặc biệt tập trung vào Canada, Alaska, Greenland và Bắc Âu.
“Mục tiêu của nghiên cứu là rút ra những bài học từ quá khứ để giúp các cộng đồng Bắc Cực chuẩn bị tốt hơn trước các nguy cơ sức khỏe trong tương lai,” Tiến sĩ Abass nói. “Biến đổi khí hậu và ô nhiễm đang ảnh hưởng đến cả sức khỏe con người và động vật – chúng tôi đã nghiên cứu mối liên hệ giữa hai yếu tố này. Khi Bắc Cực nóng lên nhanh hơn hầu hết các khu vực khác trên thế giới, chúng ta đang chứng kiến những thay đổi trong môi trường – như tầng đất đóng băng tan chảy và hệ sinh thái biến đổi – có thể thúc đẩy sự lây lan bệnh từ động vật sang người.”
Về mặt khoa học, những căn bệnh này được gọi là mầm bệnh lây truyền từ động vật (zoonotic pathogens), có khả năng lây từ động vật hoang dã sang người, đặc biệt khi hoạt động của con người làm xáo trộn sự cân bằng môi trường. Các mầm bệnh này có thể là ký sinh trùng, virus hoặc vi khuẩn, thậm chí là các tác nhân bất thường, có thể lây qua nước, thực phẩm hoặc môi trường.
Sự ấm lên của Trái Đất là nguyên nhân gây ra hiện tượng tan tầng đất đóng băng (thawing permafrost) – quá trình lớp đất bị đóng băng vĩnh cửu ở các khu vực Bắc Cực bị tan chảy. Việc tan băng tầng đất này có thể để lại hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường và cư dân nơi đây.
Theo Tiến sĩ Abass, nghiên cứu chỉ ra rằng “nhiều cộng đồng địa phương và các nhà nghiên cứu đã sớm nhận thấy các dấu hiệu thay đổi, và một số đang thích nghi – nhưng nhiều nguy cơ vẫn chưa được hiểu rõ.”
Ông cảnh báo rằng những gì đang xảy ra “ở Bắc Cực sẽ không chỉ dừng lại ở Bắc Cực. Những tác động môi trường mà chúng tôi nghiên cứu có hiệu ứng lan tỏa vượt xa khu vực cực.”
Nhu cầu cấp thiết về giám sát và hợp tác
“Biến đổi khí hậu không chỉ làm tan băng – nó đang làm tan ranh giới giữa các hệ sinh thái, động vật và con người. Nghiên cứu này cho thấy cách mà sự gián đoạn môi trường có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.”
Các tác giả tái khẳng định sự cần thiết “nâng cao nhận thức và quản lý các bệnh truyền nhiễm từ động vật ở Bắc Cực có nguy cơ thành đại dịch,” đồng thời nhấn mạnh rằng “khoảng ba phần tư các bệnh truyền nhiễm ở người đều có nguồn gốc từ động vật, bao gồm cả các bệnh ở Bắc Cực” trong bối cảnh “ô nhiễm, biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học đang làm trầm trọng thêm sự lây truyền.”
Tiến sĩ Abass cho biết nghiên cứu đã thu hút sự quan tâm từ ngoài giới học thuật. “Các tổ chức y tế công cộng, cơ quan môi trường, và thậm chí cả các ngành công nghiệp phương Bắc (như khai khoáng và vận tải biển) đang bắt đầu nhận thấy sự cần thiết phải giám sát các rủi ro sức khỏe liên quan đến điều kiện Bắc Cực thay đổi. Điều này bao gồm cả các nhà hoạch định chính sách lo ngại về phòng ngừa đại dịch và an toàn thực phẩm ở các khu vực hẻo lánh.
Các tác giả coi bản tổng quan toàn diện này là một lời cảnh báo cho “chính phủ và cộng đồng phải hành động sớm – trước khi các đợt bùng phát xảy ra. Nó hỗ trợ phát triển hệ thống giám sát dịch bệnh tốt hơn, giám sát môi trường chặt chẽ hơn và hệ thống y tế công cộng có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu cũng cho thấy tầm quan trọng của tri thức bản địa trong việc phát hiện sớm các thay đổi của hệ sinh thái và sức khỏe.”
Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế kết hợp với nghiên cứu liên ngành. Việc các phát hiện đến từ một liên minh khoa học quốc tế gồm hơn 15 tổ chức tại châu Âu và Canada, theo Tiến sĩ Abass, là dấu hiệu cho thấy “tầm quan trọng của trao đổi tri thức đa chiều, mạng lưới chuyên đề và quốc tế hóa trong giải quyết các vấn đề khí hậu tại Bắc Cực.”
Băng tan ở Bắc Cực đang làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh khi con người và động vật hoang dã tiếp xúc gần hơn. Các nhà khoa học cảnh báo về vi khuẩn cổ đại và kêu gọi hợp tác toàn cầu để ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai. Ảnh: SciTechDaily.com