Ngày 28-4, Tây Ban Nha đã trải qua một trong những sự cố mất điện diện rộng nhất trong nhiều thập niên qua. Hàng triệu người dân và doanh nghiệp bất ngờ bị cắt điện, phơi bày sự thiếu chuẩn bị của ngay cả các quốc gia phát triển trước những sự cố hạ tầng quy mô lớn. Dù nguyên nhân của sự cố vẫn đang được điều tra, hậu quả là tức thì: các bệnh viện phải vận hành trong chế độ khẩn cấp, hệ thống giao thông đình trệ và đặc biệt là viễn thông tê liệt. Khoảnh khắc này đã làm bùng lên một cuộc tranh luận cấp bách — không còn là về tốc độ mạng, mà là về khả năng chống chịu của nó.

Mạng lưới mặt đất không còn đủ nữa

Trong nhiều năm qua, các chuyên gia đã cảnh báo về sự mong manh của các mạng viễn thông mặt đất. Thiên tai, tấn công mạng hoặc sự cố rã lưới điện có thể khiến các trạm thu phát sóng, trung tâm dữ liệu và cáp quang sụp đổ chỉ trong vài phút, thậm chí vài giây, như trong trường hợp Tây Ban Nha. Khi đó, các dịch vụ thiết yếu — từ ứng phó khẩn cấp đến hậu cần công nghiệp — có nguy cơ ngừng trệ hoàn toàn.

Công nghệ vệ tinh mang lại một phao cứu sinh — một lớp bảo vệ từ không gian. Ưu điểm lớn nhất của nó là không phụ thuộc vào hạ tầng trên mặt đất. Khi các thành phố chìm trong bóng tối, vệ tinh vẫn hoạt động ổn định, vẫn quay quanh Trái đất và sẵn sàng truyền tải dữ liệu.

Nếu Tây Ban Nha có hệ thống dự phòng dựa trên vệ tinh, khả năng duy trì liên lạc trong sự cố mất điện hồi tháng Tư hoàn toàn có thể đạt được. Đây không phải là chuyện thay thế mạng mặt đất, mà là bổ sung cho nó. Tương lai là mô hình lai: các hệ thống linh hoạt có thể chuyển đổi tự động giữa mạng mặt đất và mạng vệ tinh mà không cần sự can thiệp của con người.

Các chòm sao vệ tinh ở quỹ đạo thấp (LEO) có thể hiện thực hóa mô hình lai này. Một số tập đoàn đã phát triển công nghệ có khả năng tương tác qua lại, cho phép các thiết bị kết nối internet (IoT) tiêu chuẩn kết nối liền mạch với mạng 5G mặt đất hoặc qua vệ tinh mà không cần thay đổi phần cứng.

Tuy nhiên, không phải tất cả các chòm sao vệ tinh đều hoạt động theo cùng một cách. Cung cấp băng thông rộng cho các thiết bị đầu cuối của người tiêu dùng đòi hỏi một kiến trúc khác so với việc kết nối hàng tỷ thiết bị IoT tiêu thụ điện năng thấp.

Nhiều nhà khai thác vệ tinh hiện phụ thuộc vào các cổng liên lạc đặt tại một quốc gia duy nhất, và điều này tạo ra điểm yếu nếu hạ tầng địa phương gặp sự cố. Một chiến lược vững chắc hơn là xây dựng mạng mặt đất phân tán về mặt địa lý và dịch vụ đám mây dự phòng, đảm bảo vùng phủ sóng toàn cầu và tránh phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào.

Vì vậy, cần phát triển phương pháp mới gọi là “lưu và chuyển tiếp” (store-and-forward) — vệ tinh tạm thời lưu trữ dữ liệu IoT và chỉ truyền xuống khi bay qua trạm mặt đất. Cách tiếp cận này giúp tăng cường tính dự phòng cho mạng lưới và đảm bảo dữ liệu vẫn được chuyển tiếp ngay cả khi không có kết nối mặt đất liên tục.

Khi mất điện, pin sẽ thay thế

Một lợi thế quan trọng khác của IoT sử dụng vệ tinh là khả năng độc lập về năng lượng. Phần lớn thiết bị IoT hoạt động bằng pin, được thiết kế để vận hành tự động trong nhiều năm mà không cần điện từ bên ngoài hay bảo trì thủ công. Ngày nay, các thiết bị này hiện diện ở gần như mọi mặt của đời sống hiện đại: quản lý tưới tiêu ở các trang trại xa xôi, theo dõi hàng hóa trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giám sát chất lượng không khí đô thị, điều khiển đèn giao thông và hỗ trợ lưới điện thông minh. Trong kịch bản mất điện, khả năng hoạt động độc lập của chúng giúp duy trì vận hành ngay cả khi hạ tầng mặt đất ngừng hoạt động.

Sự tự chủ nhờ pin này, kết hợp với dự phòng tự động qua vệ tinh, tạo nên một lớp thông tin liên lạc không chỉ có tính dự phòng mà còn tự duy trì — một yếu tố then chốt trong bất kỳ chiến lược chuẩn bị thảm họa hiện đại nào.

Và đây mới chỉ là khởi đầu. Dù các điện thoại di động kết nối vệ tinh đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường, chúng vẫn chưa được sử dụng rộng rãi. Trong tương lai gần, những thiết bị này sẽ hỗ trợ gọi thoại và nhắn tin văn bản qua vệ tinh, cho phép người dùng duy trì kết nối ngay cả khi mạng mặt đất không khả dụng. Bước tiến này sẽ tăng cường đáng kể an toàn công cộng, đảm bảo rằng cả người bị cô lập và lực lượng phản ứng khẩn cấp vẫn có thể liên lạc khi cần thiết nhất.

Điều còn thiếu là gì?

Mặc dù đã sẵn sàng về mặt công nghệ, hiện vẫn chưa có một khuôn khổ rõ ràng nào cho việc tự động chuyển đổi sang kết nối vệ tinh. Chúng ta cần những chính sách được xác định rõ ràng về thời điểm và cách thức kích hoạt mạng vệ tinh khi có sự cố, được hỗ trợ bởi các giao thức kích hoạt đảm bảo cơ chế dự phòng vận hành trơn tru — không cần can thiệp thủ công hay bị trì hoãn do thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, chỉ chính sách thôi là chưa đủ. Sự chống chịu thực sự đòi hỏi hợp tác chủ động giữa khu vực công và tư. Chính phủ, cơ quan quản lý, nhà khai thác mạng và nhà cung cấp vệ tinh phải phối hợp để tích hợp các giải pháp này vào chiến lược kết nối quốc gia. Một bước đi then chốt trong quá trình này là thiết lập các tiêu chuẩn tương thích, đảm bảo rằng mạng mặt đất và mạng vệ tinh vận hành như một hệ thống thống nhất và tin cậy khi xảy ra khủng hoảng.

Những gì Tây Ban Nha trải qua ngày 28-4 là một lời cảnh tỉnh. Chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội này.

Hình ảnh chụp ngày 29-4-2025 từ thiết bị VIIRS trên vệ tinh NOAA-20 cho thấy tình trạng cúp điện ban đêm tại Tây Ban Nha do sự cố rã lưới điện. Ảnh: NASA Worldview

 

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts