Một nghiên cứu cho thấy làm vườn giúp duy trì chức năng nhận thức, từ đó giúp bạn sống khỏe lâu dài. Giờ đây, bệnh nhân sa sút trí tuệ đang gặt hái lợi ích từ những đơn thuốc đặc biệt – các “nông trại chăm sóc”.

Bà Marianne Rogstad, một bà ngoại đã nghỉ hưu đến từ Na Uy, là người yêu thích việc học suốt đời. Bà từng làm nhân viên lễ tân tại Thụy Sĩ trong suốt năm thập kỷ, nơi bà đắm mình trong những ngôn ngữ và nền văn hóa mới.

Nhưng khi trở về Na Uy, bà Rogstad được chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ. Bà dần trở nên cô độc và mất đi những kích thích tinh thần trước đó. Mọi thứ chỉ thay đổi khi bà tham gia Impulssenter – một “nông trại chăm sóc” nhỏ nằm bên ngoài thủ đô Oslo. Tên của trang trại được lấy cảm hứng từ việc nơi đây đáp ứng các xung lực tự nhiên của con người – nhu cầu làm việc và kết nối, theo lời bà Henriette Bringsjord, con gái của cặp vợ chồng sáng lập trang trại.

Chỉ năm phút để trẻ lâu

Việc đọc một trang sách mỗi ngày cùng với thực hiện các bài tập giúp đầu gối khỏe hơn là những thay đổi đơn giản trong lối sống mà mọi người có thể áp dụng ngay để có tác động tích cực đến quá trình lão hóa. Điều tuyệt vời nhất? Tất cả chỉ mất chưa đến năm phút.

“Mẹ và cha tôi rất yêu công việc nông trại, và họ nghĩ đến việc mọi chuyện trở nên khó khăn ra sao khi người ta mắc chứng sa sút trí tuệ phải ngừng làm việc và mất đi đời sống xã hội. Vì vậy, cha mẹ tôi muốn giúp những người này tái hòa nhập cuộc sống,” Bringsjord, hiện là đồng quản lý trang trại, chia sẻ.

Năm 2015, Na Uy trở thành một trong những quốc gia đầu tiên xây dựng kế hoạch chăm sóc người sa sút trí tuệ toàn quốc, trong đó bao gồm dịch vụ chăm sóc ban ngày do chính phủ tài trợ, như các nông trại chăm sóc. Giờ đây, khi các nhà nghiên cứu công nhận lợi ích nhận thức sâu rộng từ việc làm đất trồng cây, nhiều cộng đồng đang tích hợp làm vườn vào y tế – điều trị các vấn đề sức khỏe thông qua hoạt động “kê đơn xã hội” trong thiên nhiên, hay còn gọi là “đơn thuốc xanh”.

Bác sĩ Melissa Lem, chuyên gia y học gia đình tại Vancouver và là nhà nghiên cứu tại Đại học British Columbia (Canada), nơi bà nghiên cứu các cơ hội và rào cản liên quan đến đơn thuốc thiên nhiên, cho biết: “Đơn thuốc thiên nhiên có thể gia tăng hoạt động thể chất và sự kết nối xã hội, đồng thời giảm căng thẳng – điều này mang lại nhiều hiệu ứng tích cực như hạ huyết áp, kiểm soát đường huyết và duy trì cân nặng khỏe mạnh, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh dẫn đến sa sút trí tuệ.”

“Chúng ta đều biết rằng vận động nhiều giúp cải thiện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, nhưng làm vườn còn tăng cường các lợi ích ấy lên nhiều lần,” Lem nói thêm.

Dữ liệu mới cho thấy lợi ích của việc làm vườn. Trong một nghiên cứu đầu tiên thuộc loại này, các nhà nghiên cứu tại Đại học Edinburgh đã điều tra mối liên hệ giữa làm vườn và sự thay đổi trí thông minh suốt đời. Nghiên cứu so sánh điểm số kiểm tra trí tuệ của người tham gia ở tuổi 11 và tuổi 79. Kết quả cho thấy những người làm vườn thường xuyên có sự cải thiện nhận thức suốt đời vượt trội hơn so với những người hiếm khi hoặc chưa từng làm.

Tiến sĩ Janie Corley, người chủ trì nghiên cứu, cho biết: “Tham gia các dự án làm vườn, học về cây cối và bảo dưỡng vườn đòi hỏi các quá trình nhận thức phức tạp như ghi nhớ và chức năng điều hành.”

Corley cho rằng một phần của những lợi ích đó đến từ lý thuyết “dùng thì giữ được, bỏ thì mất” – cho rằng sức mạnh nhận thức ở tuổi già phụ thuộc vào mức độ sử dụng thường xuyên. Nếu ta bỏ bê những hoạt động kích thích một vùng não bộ nào đó, vùng ấy sẽ dần mất chức năng. Ngược lại, duy trì các hoạt động như giải quyết vấn đề, học kỹ năng mới hay sáng tạo sẽ giúp làm chậm quá trình suy giảm nhận thức.

Một nghiên cứu năm 2002 về hơn 800 nữ tu ở Mỹ cho thấy, thường xuyên tham gia các hoạt động kích thích trí tuệ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Một nghiên cứu mới hơn ở Nhật cho thấy, tham gia các hoạt động có ý nghĩa sẽ giúp bảo vệ trí nhớ. Các nghiên cứu khác cũng phát hiện rằng những người được can thiệp bằng hoạt động trí tuệ trong môi trường xã hội có cải thiện về nhận thức, tâm trạng, giao tiếp và tương tác xã hội.

Làm vườn còn đem lại lợi ích cụ thể cho não bộ. Ví dụ, những người làm vườn có mức tăng protein BDNF (yếu tố dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não), giúp tế bào thần kinh phát triển và tồn tại. Họ cũng có mức tăng của VEGF – một protein giúp cải thiện chức năng nhận thức.

Một nghiên cứu năm 2006 tại Đại học New South Wales (Úc) theo dõi những người ở độ tuổi 60 phát hiện rằng những ai làm vườn hàng ngày có nguy cơ mắc sa sút trí tuệ thấp hơn 36% so với người không làm. Làm vườn cũng giúp cải thiện sự tập trung, giảm căng thẳng, giảm ngã và giảm sự phụ thuộc vào thuốc.

Chỉ cần ở trong thiên nhiên cũng đủ tốt cho não bộ. Roger Ulrich, chuyên gia hàng đầu về thiết kế hệ thống y tế và giáo sư kiến trúc tại Đại học Chalmers (Thụy Điển), là một trong những người đầu tiên kết nối thiên nhiên với khả năng giảm stress. Trong thập niên 1980-1990, ông thực hiện hàng loạt nghiên cứu cho thấy chỉ cần nhìn cây xanh qua cửa sổ cũng giúp giảm đau, tăng cảm xúc tích cực và nâng cao khả năng tập trung.

Ulrich cho rằng phản ứng này bắt nguồn từ tiến hóa – khả năng hồi phục sau căng thẳng giúp sinh tồn, nên xu hướng tìm thấy sự bình yên trong tự nhiên trở thành lợi thế di truyền qua nhiều thế hệ. Do đó, chỉ cần một lượng nhỏ thiên nhiên cũng đã đủ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần của con người hiện đại.

Lem đồng tình và cho rằng bộ não chúng ta bị hấp dẫn bởi môi trường đa dạng sinh học – bởi đó là môi trường tối ưu để sinh tồn. “Tác động của thiên nhiên mạnh đến mức ngay cả những yếu tố riêng lẻ như hình ảnh, âm thanh hay mùi hương cũng có thể cải thiện sức khỏe,” Lem nói. Gần đây, bà đã triển khai thử nghiệm một chương trình đơn thuốc thiên nhiên kết hợp cùng viện nghệ thuật tại Canada.

Lem cũng lưu ý rằng làm vườn giúp tạo điều kiện cho các hành vi có lợi cho sức khỏe khác, như vận động thể chất. Bà dẫn hai nghiên cứu ở Mỹ – một nghiên cứu cho thấy người làm vườn hơn một giờ mỗi tuần có nguy cơ đau tim thấp hơn 66%, và nghiên cứu khác cho thấy làm vườn là “chỉ dấu rõ rang về mật độ xương tốt”. Làm vườn giúp tăng độ linh hoạt bàn tay, khối cơ và sức bền, đồng thời nâng cao khả năng vận động.

Ngay cả với người đã bị sa sút trí tuệ, nghiên cứu cho thấy làm vườn mang lại giá trị lớn – cải thiện tâm trạng, hành vi, giao tiếp và khả năng hoạt động tốt hơn. Hiện nay, các nông trại chăm sóc dành riêng cho người sa sút trí tuệ đang mọc lên khắp châu Âu và Anh.

Bringsjord tin rằng làm vườn tại các nông trại này mang lại cảm giác chủ động và độc lập. “Họ yêu thích vì có thể thấy thành quả công việc,” bà nói, và cho biết thêm rằng vì công việc làm vườn thường diễn ra trong nhóm, người hay quên có thể dễ dàng quan sát người khác và làm theo. “Nếu họ quên cách làm điều gì đó nhưng nhìn thấy người khác làm, họ sẽ nhớ lại.”

Ngay cả khi tất cả những lợi ích nhận thức kể trên chưa đủ, Bringsjord vẫn nhấn mạnh giá trị của việc tạo ra môi trường tích cực – đầy người và cây xanh – cho những người như bà Rogstad. “Họ có thể về nhà trong tâm trạng rất vui, nhưng khi chồng hỏi: ‘Hôm nay bà làm gì?’, họ có thể không nhớ gì – ngoài việc biết rằng mình đã có một ngày thật tuyệt,” bà nói.

Điều đó đúng với bà Rogstad, người hiện dành ba ngày mỗi tuần ở nông trại – trồng rau, cho bò ăn và chăm gà – và yêu thích sự giản dị của công việc. “Thật tuyệt khi được ra ngoài thiên nhiên. Tốt hơn nhiều so với ngồi nhà.”


Bệnh nhân sa sút trí tuệ tại nông trại chăm sóc Impulssenter ở Oslo đang ép táo cùng nhau. Ảnh: Henriette Bringsjord


Làm vườn hàng ngày, theo nghiên cứu, có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc sa sút trí tuệ trong tuổi già. Ảnh: Getty Images

 

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts