
NASA cảnh báo băng biển toàn cầu chạm mức thấp kỷ lục
Băng biển mùa đông ở Bắc Cực đạt mức diện tích thấp nhất từng ghi nhận vào thời điểm cao nhất hàng năm vào ngày 22-3-2025, trong khi diện tích băng toàn cầu cũng giảm xuống mức thấp nhất vào giữa tháng 2.
Theo NASA và Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia (NSIDC) thuộc Đại học Colorado Boulder, diện tích băng vào ngày 22-3-2025 được ghi nhận ở mức 14,33 triệu km², thấp hơn mức thấp kỷ lục trước đó là 14,41 triệu km² được thiết lập vào cùng ngày năm 2017.
Thông thường, băng biển Bắc Cực mở rộng trong những tháng mùa đông lạnh giá và tối tăm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lượng băng mới hình thành ít hơn, và băng lâu năm cũng suy giảm. Mùa đông năm nay tiếp tục xu hướng giảm dài hạn đã được quan sát trong nhiều thập kỷ qua. Mức băng năm 2025 thấp hơn trung bình giai đoạn 1981–2010 khoảng 1,32 triệu km².
Ở Nam Cực, băng mùa hè đã rút xuống còn 1,98 triệu km² vào ngày 1-3-2025, bằng với mức thấp thứ hai từng được ghi nhận. Con số này thấp hơn 30% so với mức trung bình 2,84 triệu km² của Nam Cực trước năm 2010. Diện tích băng biển được xác định là tổng diện tích đại dương có ít nhất 15% mật độ băng.
Hậu quả và thách thức trong việc theo dõi
Sự suy giảm băng ở cả hai cực đã dẫn đến một cột mốc khác — tổng lượng băng biển trên toàn cầu đạt mức thấp nhất trong lịch sử. Vào giữa tháng 2 năm nay, diện tích băng toàn cầu đã giảm hơn 2,5 triệu km² so với mức trung bình trước năm 2010.
“Chúng ta sẽ bước vào mùa hè sắp tới với lượng băng ít hơn ngay từ đầu,” Linette Boisvert, nhà khoa học nghiên cứu băng tại Trung tâm Chuyến bay Vũ trụ Goddard của NASA ở Greenbelt, Maryland, cho biết. “Đây không phải là dấu hiệu tốt cho tương lai.”
Các nhà khoa học chủ yếu dựa vào vệ tinh thuộc Chương trình Vệ tinh Khí tượng Quốc phòng (DMSP), vốn đo bức xạ Trái Đất trong dải vi sóng. Sự khác biệt tự nhiên giữa nước biển và băng biển giúp băng xuất hiện rõ ràng trong các hình ảnh vệ tinh dựa trên vi sóng. Các máy quét vi sóng cũng có thể xuyên qua lớp mây, cho phép quan sát toàn cầu hàng ngày.
Dữ liệu từ DMSP được bổ sung bằng các nguồn lịch sử, bao gồm dữ liệu thu thập từ năm 1978 đến 1985 bởi vệ tinh Nimbus-7, do NASA và Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia đồng vận hành.
“Vẫn chưa rõ liệu bán cầu Nam đã bước vào một trạng thái mới với mức băng biển thấp kéo dài hay đây chỉ là một giai đoạn tạm thời và Nam Cực sẽ phục hồi trong những năm tới,” Walt Meier, nhà khoa học nghiên cứu băng thuộc NSIDC, nhận định.
Vào tháng 3 năm 2025, băng biển mùa đông ở Bắc Cực đạt mức thấp nhất từ trước đến nay, tiếp tục xu hướng suy giảm kéo dài hàng thập kỷ. Băng mùa hè ở Nam Cực cũng chạm mức thấp thứ hai từng ghi nhận, khiến tổng diện tích băng biển toàn cầu giảm xuống mức thấp kỷ lục. Ảnh: NASA
Bài viết này như một lời nhắc nhở rằng biến đổi khí hậu không còn là vấn đề của tương lai – nó đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta. Hy vọng chúng ta sẽ có thêm nhiều hành động cụ thể để đảo ngược xu hướng này.
The drop in sea ice levels isn’t just a statistic—it signals real shifts in our climate system. I wonder how these changes are already influencing global ocean currents and coastal communities.