
Các startup Nhật Bản, Ấn Độ nghiên cứu vệ tinh xử lý rác thải không gian
Các startup không gian tại Nhật Bản và Ấn Độ cho biết hôm thứ Ba rằng họ đã đồng ý cùng nghiên cứu việc sử dụng vệ tinh gắn laser để loại bỏ rác thải không gian, một phương pháp thử nghiệm nhằm giải quyết vấn đề tắc nghẽn quỹ đạo ngày càng cấp bách.
Orbital Lasers, có trụ sở tại Tokyo, và công ty robot InspeCity của Ấn Độ cho biết họ sẽ nghiên cứu các cơ hội kinh doanh cho các dịch vụ không gian như đưa vệ tinh không hoạt động (defunct satellite) ra khỏi quỹ đạo và kéo dài tuổi thọ của tàu vũ trụ.
Tách ra từ tập đoàn vệ tinh lớn của Nhật Bản SKY Perfect JSAT vào năm nay, Orbital Lasers đang xây dựng một hệ thống sử dụng năng lượng laser để dừng vòng quay của rác thải không gian bằng cách làm bốc hơi một phần nhỏ bề mặt của nó, giúp tàu vũ trụ dịch vụ dễ dàng tiếp cận.
Orbital Lasers dự định trình diễn hệ thống này trong không gian và cung cấp cho các nhà khai thác sau năm 2027, theo ông Aditya Baraskar, lãnh đạo mảng kinh doanh toàn cầu của công ty. Hệ thống này có thể được gắn trên các vệ tinh của InspeCity nếu các công ty đáp ứng các yêu cầu pháp lý tại Ấn Độ và Nhật Bản, ông Baraskar cho biết thêm.
Hai công ty cho biết họ đã ký một thỏa thuận sơ bộ để khởi động hợp tác này. InspeCity được thành lập năm 2022 và huy động được 1,5 triệu USD vào năm ngoái, trong khi Orbital Lasers đã huy động được 900 triệu yen (5,8 triệu USD) kể từ khi được thành lập vào tháng 1.
Một ủy ban của Liên Hợp Quốc về điều phối giao thông không gian vào cuối tháng 10 đã kêu gọi hành động khẩn cấp để theo dõi và quản lý các vật thể trong quỹ đạo Trái Đất thấp do sự gia tăng nhanh chóng của các vệ tinh và rác thải không gian.
Hiện đã có hơn 100 công ty trên thị trường dịch vụ không gian khi các chòm sao vệ tinh tiếp tục mở rộng, ông Nobu Okada, Giám đốc điều hành Astroscale, một công ty tiên phong Nhật Bản về giảm thiểu rác thải không gian, cho biết vào đầu năm nay.
Dự án này là một ví dụ mới nhất về sự hợp tác giữa Nhật Bản và Ấn Độ, khi chính phủ hai nước đang cùng làm việc trong sứ mệnh Thám hiểm Cực Mặt Trăng (LUPEX), có thể được phóng sớm nhất vào năm 2026.
Nhà sản xuất tên lửa Ấn Độ Skyroot và nhà chế tạo vệ tinh HEX20 cũng đang hợp tác với công ty thám hiểm mặt trăng của Nhật Bản ispace trong một sứ mệnh vệ tinh quỹ đạo mặt trăng trong tương lai.
Sự hợp tác thương mại không gian giữa hai nước được thúc đẩy bởi các giải pháp dữ liệu vệ tinh của Nhật Bản phục vụ quản lý thảm họa và nông nghiệp ở Ấn Độ, và có thể mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như sản xuất, theo ông Masayasu Ishida, Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận SPACETIDE tại Tokyo.
Một mô hình vệ tinh được đặt trên tấm ảnh Trái Đất. Ảnh: Reuters