
Jensen Huang và câu chuyện truyền cảm hứng ở Nvidia
Cuộc cách mạng trí thông minh nhân tạo (AI) đã trở thành câu chuyện lớn nhất trong ngành công nghệ năm qua, khi những thứ thuộc về khoa học viễn tưởng (the stuff of science fiction) nay đã trở thành hiện thực một cách bất ngờ. Đằng sau sự chuyển mình này là Nvidia, một công ty mà cho đến vài năm trước đây vẫn chủ yếu được biết đến với đồ họa trò chơi điện tử.
Một thập kỷ trước khi ChatGPT ra mắt, Nvidia dưới sự dẫn dắt của CEO Huang đã chuẩn bị để thúc đẩy tiềm năng tính toán của AI, và việc chuẩn bị này của Nvidia là một trong những biến chuyển kinh doanh đáng chú ý nhất trong lịch sử. Vì sao nhà sáng lập kiêm CEO Huang lại có thể làm được điều đó? Câu chuyện đằng sau thành công này thật sự gây cảm hứng cho giới doanh nhân cũng như đại chúng.
Tiểu sử nhiều thăng trầm của Jensen Huang
Jensen Huang đã giữ vị trí CEO trong công ty của chính mình suốt hơn 30 năm liên tiếp, và hiện có khối tài sản cá nhân lên đến 126 tỷ USD, đứng thứ 11 trong danh sách những người giàu nhất thế giới, là một nhà từ thiện và đặc biệt là một người hâm mộ cuồng nhiệt của… áo khoác da!
Huang sinh ngày 17-2-1963 tại Đài Loan, và sau đó cùng gia đình chuyển đến Thái Lan trước khi cuối cùng định cư tại Hoa Kỳ. Trong những năm đầu đời, ông học tại một trường dành cho những trẻ em “cá biệt” và thậm chí được giao nhiệm vụ dọn dẹp nhà vệ sinh của ký túc xá khi mới 9 tuổi.
Nếu bạn nghĩ rằng điều này làm ông nhụt chí hoặc thất vọng với cuộc sống – bạn đã nhầm. Ngược lại, trải nghiệm này đã giúp ông phát triển ý chí kiên cường và sự bền bỉ.
Huang đã hoàn tất chương trình Cử nhân Kỹ thuật Điện tại Đại học Bang Oregon vào năm 1984 và sau đó lấy bằng Thạc sĩ Kỹ thuật Điện tại Đại học Stanford vào năm 1992. Khi là sinh viên, ông phải đi làm việc bán thời gian tại một quán ăn, ban đầu là người rửa chén và sau đó được thăng chức lên “trợ lý bồi bàn” (busboy), tức phụ trách dọn dẹp bàn sau khi khách dùng bữa.
Sau khi hoàn thành bằng thạc sĩ, Jensen Huang bắt đầu sự nghiệp của mình trong ngành công nghệ. Ông làm việc tại một vài công ty, bao gồm AMD và LSI Logic, nơi ông tích lũy được những kinh nghiệm và chuyên môn quý giá trong lĩnh vực công nghệ. Trong thời gian làm việc ngắn ngủi tại những công ty này, ông đã đạt được sự hiểu biết sâu sắc về thiết kế chip, phát triển công nghệ, và bối cảnh cạnh tranh trong ngành. Những trải nghiệm thực tế này đã trang bị cho ông kiến thức và kỹ năng cần thiết làm nền móng cho thành công trong tương lai.
Khởi nghiệp và phát triển
Như thường thấy ở những người tài năng và chăm chỉ, thời điểm để bắt đầu hành trình khởi nghiệp riêng cuối cùng cũng đến, và đối với Jensen Huang, khoảnh khắc đó đã đến.
Trong thời gian làm việc tại LSI Logic, Jensen Huang đã có được một cơ hội lớn khi hai đồng nghiệp là Chris Malachowsky và Curtis Priem đưa ra một đề xuất khởi nghiệp. Jensen cảm nhận được một tiếng gọi bên trong (an inner calling) — khao khát tìm kiếm sự thỏa mãn lớn hơn.
Jensen, Chris và Curtis thường tụ tập tại Denny’s, một chuỗi nhà hàng kiểu quán ăn phổ biến ở Mỹ (nơi Jensen từng làm rửa chén), để thảo luận về tầm nhìn của họ đối với bộ vi xử lý mới mà họ tin rằng sẽ cách mạng hóa ngành công nghiệp. Bộ ba này hình dung về việc thành lập một công ty tận dụng các công nghệ mới nổi như bộ vi xử lý để giải quyết những thách thức vượt xa khả năng của điện toán truyền thống, mở ra những vùng đất chưa được khám phá và tạo tiền đề cho các đổi mới đột phá.
“Thẳng thắn mà nói, tôi không biết cách làm điều đó, và họ cũng vậy. Không ai trong chúng tôi biết làm bất cứ điều gì,” Huang chia sẻ trong chương trình truyền hình “60 Minutes” của hãng CBS khi nói về khởi đầu của công ty.
Khi Nvidia được thành lập, Huang chỉ mới 30 tuổi. Các nhà đồng sáng lập chưa từng điều hành doanh nghiệp, nhưng Huang — một nhà thiết kế vi xử lý — tin rằng họ có thể phát triển một bộ xử lý đồ họa (GPU) có khả năng cách mạng hóa ngành trò chơi video và đồ họa máy tính.
Sự hấp dẫn của việc thành lập công ty và khám phá những miền đất mới là không thể cưỡng lại. Với tầm nhìn chung và sự quyết tâm, Nvidia đã ra đời vào tháng 4 năm 1993, tức là chỉ một năm sau khi Jensen tốt nghiệp và một thời gian cực ngắn sau khi ông có việc. Quyết định bước chân vào con đường khởi nghiệp không hề dễ dàng cho chàng trai 30 tuổi do thiếu kiến thức về việc thành lập và điều hành một công ty; tuy nhiên, đó là một bước nhảy niềm tin (a leap of faith) được thúc đẩy bởi sự tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh biến đổi của đổi mới.
Tuy nhiên, để thành lập một công ty, bạn không chỉ cần kiến thức, niềm tin vào bản thân mà còn cần tiền. Trong trường hợp của Nvidia, họ đã nhận được đầu tư từ Don Valentine, một nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng, người sáng lập Sequoia Capital – được coi là “ông tổ của đầu tư mạo hiểm tại Thung lũng Silicon.”
Thời gian làm việc ngắn ngủi của Jensen Huang tại LSI Logic cũng đã giúp ông kịp khẳng định mình là một trong những nhân viên xuất sắc nhất của công ty, thu hút sự chú ý của Wilfred Corrigan, người sáng lập LSI Logic. Chính Corrigan đã thu xếp một cuộc gặp giữa Huang và Don Valentine, người đã quyết định đầu tư vào startup mới này sau khi nhận thấy tiềm năng lớn trong tầm nhìn và khả năng lãnh đạo của Huang.
Hành trình phát triển của Nvidia đã đánh dấu bằng nhiều khoảnh khắc đổi mới và thích nghi. Nhận ra nhu cầu cần có một ứng dụng đặc biệt, Huang và nhóm của ông quyết định tập trung vào đồ họa 3D, đặc biệt là cho trò chơi điện tử — một thị trường ngách vào thời điểm đó. Quyết định này, được hỗ trợ bởi quỹ đầu tư từ Sequoia, đã định hình lộ trình phát triển của Nvidia.
Tuy nhiên, con đường không hề dễ dàng. Công nghệ cần thiết để hiện thực hóa tầm nhìn của họ rất tốn kém và phức tạp, trong khi thị trường cho những đổi mới như vậy gần như không tồn tại. Dù vậy, Nvidia vẫn kiên trì, tiên phong các phương pháp mới về đồ họa máy tính và không ngừng theo đuổi việc tạo ra thị trường. Ý tưởng không ngừng theo đuổi việc tạo ra thị trường có thể xem là một ý tưởng rất điên rồ, vì hầu hết mọi doanh nghiệp được thành lập với mục tiêu khai thác thị trường, nhưng với Huang, cam kết này đã trở thành triết lý cốt lõi của công ty, và là thương hiệu của một người sau này trở thành “siêu doanh nhân”.
Khi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Nvidia đối mặt với một bước ngoặt khi Microsoft giới thiệu tiêu chuẩn mới, Direct3D, gây ra thách thức về khả năng tương thích với công nghệ hiện có của họ. Đứng trước nguy cơ lỗi thời, đội ngũ Nvidia đã tìm đến OpenGL, một tài liệu mà Huang phát hiện tại một thư viện, để tái xác định cách tiếp cận của mình. Tận dụng sự sáng tạo và chuyên môn, họ đã thành công trong việc triển khai đường dẫn OpenGL, một lần nữa đưa Nvidia lên vị trí dẫn đầu ngành.
Một thử thách khác mà Huang đối mặt là sự sụt giảm 80% vốn hóa thị trường của công ty trong cuộc khủng hoảng tài chính do Wall Street không tin tưởng vào khoản đầu tư của họ vào học máy. Dù áp lực và sự bối rối lớn, Huang đã vượt qua cuộc khủng hoảng này bằng cách giữ vững sự tập trung vào các nguyên tắc cốt lõi của công ty.
Bằng cách liên tục đánh giá lại niềm tin và các nguyên lý cơ bản hướng dẫn quyết định của công ty, Huang đảm bảo rằng họ vẫn trung thành với tầm nhìn và mục tiêu của mình. Ông khuyến khích đội ngũ làm điều tương tự, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các giá trị và mục tiêu cốt lõi bất kể biến động bên ngoài như giá cổ phiếu.
Thông qua sự kiên trì, quyết tâm và niềm tin không lay chuyển vào sứ mệnh của mình, Huang đã dẫn dắt công ty vượt qua giai đoạn khó khăn này, nổi lên mạnh mẽ hơn và tập trung hơn vào các mục tiêu dài hạn.
Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường đã qua, Huang cho rằng nếu có thể quay lại năm 1993 để làm lại từ đầu, ông có lẽ đã bỏ cuộc, vì có quá nhiều thất bại đau đớn và tủi nhục.
“Vào thời điểm đó (khi khởi nghiệp), nếu chúng tôi thấy trước được nỗi đau và sự khổ sở, sự dễ tổn thương mà bạn sẽ phải đối mặt, những thách thức mà bạn sẽ chịu đựng, sự xấu hổ và nhục nhã, và danh sách những điều sai sót xảy ra, tôi nghĩ không ai sẽ khởi nghiệp,” ông chia sẻ trong podcast “Acquired” vào tháng 10 năm 2023. “Không ai tỉnh táo mà lại làm điều đó,” ông nói.
Nói cách khác, trong lĩnh vực khởi nghiệp, sự thiếu hiểu biết không chỉ mang lại hạnh phúc mà còn là điều cần thiết, Huang dí dỏm
Hiện nay, Nvidia đã nhanh chóng vươn lên hàng ngũ các công ty giá trị nhất thế giới và trở thành công ty thứ tư trên thế giới có giá trị hơn 2 nghìn tỷ USD, sánh vai với những gã khổng lồ như Microsoft, Apple và Alphabet.
Triết lý kinh doanh…
Như trên đã đề cập, Huang trong giai đoạn đầu tập trung vào mảng đồ họa 3D, đặc biệt là cho trò chơi điện tử — một thị trường ngách vào thời điểm đó, vì ông tin vào giá trị của việc kiến tạo thay vì chỉ khai thác thị trường.
Nhưng những thất bại xuất hiện từ rất sớm. Bộ xử lý đồ họa (GPU) đầu tiên của công ty đã thất bại, suýt khiến Nvidia phá sản vào năm 1996. Huang phải cắt giảm hơn một nửa số nhân viên và cầu xin các đối tác tại công ty trò chơi Sega thanh toán hợp đồng của họ, mặc dù Nvidia đã cung cấp một con chip “kém về mặt kỹ thuật,” theo lời ông.
Với số tiền từ Sega, Nvidia dồn toàn lực phát triển một con chip mới, RIVA 128. Đây trở thành sản phẩm đột phá đầu tiên của Nvidia, bán được hơn 1 triệu sản phẩm chỉ trong 4 tháng vào năm 1997. Thành công này đã cứu Nvidia khỏi bờ vực phá sản và đặt nền tảng để trở thành một doanh nghiệp trị giá hàng nghìn tỷ đô la.
Khi Huang và nhóm của ông nghe ngóng thấy các nhà nghiên cứu đang sử dụng GPU trò chơi của họ cho các loại tính toán khác, họ đã nắm bắt được điều đó và chuyển hướng toàn bộ công ty sang hỗ trợ AI. Huang kể lại: “Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng bằng cách mua một card đồ họa trò chơi tên GeForce, thêm nó vào máy tính của mình, bạn sẽ có một siêu máy tính cá nhân.”
GPU của Nvidia hiện là chip máy tính nhanh nhất thế giới. Khác với chip thông thường xử lý từng phép tính một, GPU có thể thực hiện đồng thời một lượng lớn phép tính, là động lực thúc đẩy công nghệ AI của Nvidia, cho phép xử lý nhanh chóng lượng dữ liệu khổng lồ và thực hiện hàng nghìn tỷ phép tính mỗi giây.
Công nghệ của Nvidia hỗ trợ các ứng dụng AI trên nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, xe tự lái, robot, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, dự báo thời tiết và nhiều lĩnh vực khác, bao gồm cả việc tạo video AI, định hình thực tế mới và cách mạng hóa việc sáng tạo nội dung. Đặc biệt, Nvidia phát triển các siêu máy tính AI, ví dụ như chiếc được cung cấp cho OpenAI vào năm 2016. Những siêu máy tính này cung cấp sức mạnh tính toán cần thiết để huấn luyện các mô hình AI tiên tiến và đẩy nhanh nghiên cứu về AI.
Những bước ngoặt lớn nhất của Nvidia — từ đồ họa 3D cho PC đến AI — đều là nhở Huang dám đặt cược vào những thị trường chưa tồn tại, tức là công ty sẽ phải xây dựng và phát triển thị trường thay vì chỉ khai thác. Thành viên hội đồng quản trị Mark Stevens của tập đoàn kể lại rằng Jensen luôn thích nói rằng, bạn biết đấy, “Chúng tôi đang đầu tư vào các thị trường trị giá 0 tỷ USD,” tức là thị trường chưa có. Sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro có tính toán trên các thị trường chưa được chứng minh này là chìa khóa cho thành công của Nvidia.
Nếu các nguyên tắc cơ bản cho thấy là bạn đúng trước một một quan điểm dù mọi người không đồng thuận (non-consensus view) về cách tương lai sẽ vận hành, hãy đặt cược vào nó, Huang nói. Ông và các đồng sáng lập đã từng lập luận rằng tốc độ tính toán sẽ vượt xa khả năng của CPU, khiến GPU của họ trở thành điều tất yếu. Huang khuyên: “Nếu bạn tin rằng điều này sẽ thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp tính toán, thì có lý do gì để không thực hiện bước đi đầu tiên? Hãy bắt đầu.”
“Bạn có thể thành công trong việc làm điều gì đó, phát minh ra một tương lai, ngay cả khi bạn hoàn toàn không có được thông tin về nó. Và đây chính là thái độ của tôi đối với mọi việc. Khi ai đó kể cho tôi về điều gì đó mà tôi chưa bao giờ nghe đến, hoặc nếu tôi đã nghe nhưng không hiểu, suy nghĩ đầu tiên của tôi luôn là, việc đó khó đến mức nào,” ông nói.
Triết lý của Huang về việc đối mặt với thách thức bằng câu hỏi “Việc này khó đến mức nào?” đã thể hiện triết lý đổi mới liên tục (ethos of continuous innovation) và thích nghi của Nvidia. Bằng cách liên tục đánh giá lại và tái sáng tạo chính mình, Nvidia tiếp tục định hình tương lai của điện toán, được dẫn dắt bởi nguyên tắc vượt qua giới hạn và thách thức hiện trạng (pushing boundaries and challenging the status quo).
… và phong cách làm việc
Vị CEO của tập đoàn luôn duy trì một phong cách làm việc rất riêng.
Huang luôn bắt đầu ngày mới một cách đầy cảm hứng. Trong khi nhiều nhà lãnh đạo cảm thấy choáng ngợp với danh sách công việc dài vô tận (endless to-do lists), Huang đảm bảo rằng các ưu tiên của mình được giải quyết trước khi bắt đầu ngày làm việc.
“Tôi bắt đầu mỗi buổi sáng bằng cách chọn làm các việc có ưu tiên cao nhất trước,” Huang chia sẻ. “Trước khi tôi đến công ty, ngày làm việc của tôi đã được coi là thành công.”
Phong cách của Huang đơn giản nhưng mạnh mẽ: hoàn tất những nhiệm vụ quan trọng nhất đầu tiên, bất kể hoàn cảnh. Điều này mang lại cho ông cảm giác hoàn thành (sense of completion) ngay cả trước khi ngày làm việc chính thức bắt đầu.
Huang tiếp cận công việc với sự kiên trì, kỷ luật và hào phóng. Ông đặt ra các ưu tiên hợp lý, dành thời gian cho người khác và tập trung vào bức tranh tổng thể.
Lời khuyên của ông dành cho mọi người là hãy tìm một lĩnh vực mà bạn muốn cống hiến, kiên cường trước những trở ngại và ưu tiên những điều quan trọng nhất. “Khi bạn làm điều đó, bạn sẽ có rất nhiều thời gian,” Huang nói, gợi ý rằng thời gian được dùng tốt nhất (time is best spent on) khi dành cho những gì thực sự quan trọng.
Huang không chỉ là CEO của một công ty trị giá hàng ngàn tỷ đô la mà còn là một nhà thiện nguyện. Năm 2022, Huang thể hiện sự gắn bó sâu sắc với ngôi trường cũ (alma mater) của mình bằng cách đóng góp 50 triệu đô la cho Đại học Bang Oregon nhằm thành lập một viện siêu máy tính tiên tiến tại khuôn viên trường.
Tương tự, Đại học Stanford – nơi ông từng theo học – cũng nhận được khoản quyên góp lớn trị giá 30 triệu đô la từ ông, giúp xây dựng Trung tâm Kỹ thuật Jen-Hsun Huang trong Khu phức hợp Khoa học và Kỹ thuật của Stanford, minh chứng cho sự tận tâm của Huang đối với giáo dục và đổi mới.
Nvidia dưới sự dẫn đát của Jensen Huang sẽ tiếp tục mở ra những đột phá mới trong lĩnh vực AI và xa hơn nữa, và câu chuyện của Huang chắc chắn sẽ truyền cảm hứng cho các doanh nhân khởi nghiệp và những người đam mê công nghệ trên toàn thế giới. Đây là minh chứng cho thấy, với tư duy đúng đắn, ngay cả những khởi đầu khiêm tốn nhất cũng có thể dẫn đến những thành tựu phi thường.
(Theo https://www.cnbc.com, https://www.sequoiacap.com, https://finance.yahoo.com, và Kitrum)
Jensen Huang đã tạo dáng chụp selfie tại hội nghị công nghiệp Computex ở Đài Bắc (8-6-2024) mà giá trị công ty của ông đạt mốc mới. (REUTERS)
Ông Jensen Huang thưởng thức món ăn đường phố tại Hà Nội vào 5-12-2024.
Ông Jensen Huang ký tặng cho người dân tại phố cổ Hà Nội vào 5-12-2024. Chính phủ Việt Nam và Nvidia ngày 5-12-2024 ký kết thỏa thuận mở Trung tâm R&D và Trung tâm Dữ liệu AI nhằm thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mở rộng việc làm cho nhân lực trong nước.
g6o5sn
zfkuex
iukscs