Sản lượng lương thực toàn cầu có thể sụt giảm hơn một nửa vào năm 2050, nguồn cung nước ngọt chỉ có thể đáp ứng hơn 50% nhu cầu, tình trạng cắt nước sinh hoạt đã và đang xảy ra thường xuyên hơn trên thế giới, thiệt hại kinh tế có thể lên đến 8% GDP toàn cầu và 15% ở các nước nghèo, và xung đột giữa các vùng, các quốc gia có thể xảy ra do tranh chấp nguồn nước… là những cảnh báo được đưa ra những ngày gần đây. Cuộc khủng hoảng này sẽ không thể đảo ngược nếu các quốc gia trên thế giới không phối hợp cùng nhau tìm ra giải pháp ứng phó.

Một báo cáo từ Ủy ban Toàn cầu về Kinh tế Nước công bố vào trung tuần tháng 10-2024 nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng về nước không phải là một viễn cảnh xa xôi, vì “nhu cầu sử dụng nước ngọt sẽ vượt quá nguồn cung 40% vào cuối thập kỷ này, do các hệ thống nước của thế giới đang chịu áp lực chưa từng có.”

Hiện trạng khan hiếm nước

Ngay thời điểm này, gần một nửa dân số thế giới đã đối mặt với tình trạng khan hiếm nước, và con số này sẽ tiếp tục tăng khi cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Hơn một nửa sản lượng lương thực toàn cầu sẽ đứng trước nguy cơ thiệt hại trong vòng 25 năm tới khi cuộc khủng hoảng nước ngày càng lan rộng trên toàn hành tinh, trừ khi có hành động khẩn cấp để bảo tồn nguồn nước và chấm dứt sự phá hủy các hệ sinh thái vốn là nguồn cung cấp nước ngọt của chúng ta, các chuyên gia cảnh báo trong một báo cáo của Ủy ban Toàn cầu về Kinh tế Nước.

Theo báo cáo, hiện nay có hơn 2 tỷ người không có nước uống an toàn, và 3,6 tỷ người – tương đương 44% dân số – không được tiếp cận với vệ sinh an toàn. Mỗi ngày, có 1.000 trẻ em tử vong vì thiếu nước sạch.

Cuộc khủng hoảng này đang ngày càng trầm trọng – nếu không hành động, đến năm 2050, các vấn đề về nước sẽ làm giảm khoảng 8% GDP toàn cầu, trong đó các quốc gia nghèo phải đối mặt với mức thiệt hại đến 15% GDP.

Vào tháng 4 năm nay, Thành phố Bogotá ở Colombia đã phải tiến hành việc luân phiên cúp nước do nguồn cung sụt giảm bởi hạn hán và hiện tượng El Niño khiến các hồ chứa nước tụt xuống mức thấp kỷ lục. Bogotá và hàng chục thị trấn lân cận được chia thành chín khu vực khác nhau, với nước sinh hoạt bị cắt trong 24 giờ ở mỗi khu vực theo chu kỳ luân phiên sẽ lặp lại sau mỗi 10 ngày, làm ảnh hưởng đến khoảng 9 triệu người.

“Đừng lãng phí một giọt nước nào ở Bogotá vào thời điểm này,” Thị trưởng Carlos Fernando Galán nói trong một cuộc họp báo, và nhấn mạnh cần “thay đổi hành vi một cách bền vững theo thời gian để đảm bảo nước đủ cho mọi người. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử gần đây Bogotá buộc phải thực hiện biện pháp cắt nước.

Theo Báo cáo Phát triển Nước Thế giới của Liên Hợp Quốc, thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nước toàn cầu đang đến gần, đe dọa “vượt ngoài tầm kiểm soát” khi nhu cầu sử dụng nước tăng cao và tác động ngày càng nghiêm trọng của khủng hoảng khí hậu gây áp lực lớn lên nguồn tài nguyên nước.

Theo đó, đến năm 2050, số người sống ở các thành phố đối mặt với tình trạng thiếu nước dự kiến sẽ tăng từ 930 triệu người vào năm 2016 lên tới 2,4 tỷ người.

Tình trạng khan hiếm nước vào mùa khô dự kiến sẽ gia tăng ở các khu vực hiện có nguồn nước dồi dào, bao gồm Trung Phi, Đông Á và một số khu vực ở Nam Mỹ. Trong khi đó, tình trạng khan hiếm sẽ trở nên tồi tệ hơn ở Trung Đông và khu vực Sahel ở châu Phi.

Các đợt hạn hán cực đoan và kéo dài, ngày càng trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn do khủng hoảng khí hậu, cũng đang gây áp lực lên các hệ sinh thái, có thể dẫn đến “hậu quả nghiêm trọng” cho các loài thực vật và động vật.

Nguyên nhân của khủng hoảng

Johan Rockström, đồng chủ tịch Ủy ban Toàn cầu về Kinh tế Nước ¸ chỉ ra nguyên cốt lõi: khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

“Nước là nạn nhân số một của khủng hoảng khí hậu, những thay đổi môi trường mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay đang tích tụ ở cấp độ toàn cầu, đặt sự ổn định của toàn bộ hệ thống trái đất vào nguy cơ,” ông nói.

Báo cáo của Ủy ban Toàn cầu về Kinh tế Nước cho biết nguồn cung nước toàn cầu không còn đáng tin cậy nữa, một phần do sự thay đổi trong các mô hình lượng mưa. Mỗi khi nhiệt độ tăng thêm 1 độ C, khả năng giữ ẩm của khí quyển ước tính tăng 7%, đồng nghĩa với việc nguồn nước suy giảm tương ứng.

“Chúng ta thực sự đang thay đổi nguồn gốc của tất cả nước ngọt — tức là lượng mưa,” Johan Rockstrom cho biết, nhấn mạnh rằng “Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, chúng ta đang đẩy chu trình nước toàn cầu ra khỏi trạng thái cân bằng.”

Tác động của khủng hoảng khí hậu được cảm nhận đầu tiên ở các hệ thống thủy văn trên thế giới, và tại một số khu vực, các hệ thống này đang phải đối mặt với sự gián đoạn nghiêm trọng hoặc thậm chí sụp đổ. Hạn hán ở Amazon, lũ lụt trên khắp châu Âu và châu Á, cũng như băng tan ở các vùng núi – gây ra cả lũ lụt lẫn hạn hán hạ lưu – là những ví dụ về tác động của thời tiết cực đoan, dự kiến sẽ trầm trọng hơn trong tương lai gần.

Việc con người khai thác quá mức tài nguyên nước cũng làm khủng hoảng khí hậu thêm trầm trọng – ví dụ, việc làm cạn kiệt các vùng đất ngập nước giàu carbon khiến carbon dioxide thải vào khí quyển.

Richard Allan, giáo sư khoa học khí hậu tại Đại học Reading, Anh, cho biết báo cáo này “vẽ nên một bức tranh ảm đạm về sự gián đoạn chu trình nước toàn cầu do con người gây ra, nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá nhất cuối cùng hỗ trợ sinh kế của chúng ta.”

Hoạt động của con người “đang thay đổi bản chất của đất đai và khí quyển, khiến khí hậu nóng lên, gia tăng cực đoan cả khô hạn lẫn ẩm ướt, và làm rối loạn các mô hình gió và lượng mưa,” Allan nói thêm.

Bên cạnh đó, các khoản trợ cấp cho nông nghiệp trên toàn thế giới thường có những hậu quả không lường trước, tạo ra động lực sai lệch khiến nông dân tưới tiêu quá mức hoặc sử dụng nước lãng phí. Cụ thể, hơn 700 tỷ USD trợ cấp hàng năm dành cho nông nghiệp, và một tỷ lệ lớn trong số này được phân bổ sai mục đích, khuyến khích nông dân sử dụng nhiều nước hơn mức cần thiết cho việc tưới tiêu hoặc thực hành lãng phí. Riêng nông nghiệp đã sử dụng tới 70% nguồn cung nước của thế giới.

Sự phá hủy thiên nhiên cũng góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng, vì việc chặt phá rừng và làm cạn kiệt đất ngập nước làm gián đoạn chu trình thủy văn phụ thuộc vào quá trình thoát hơi nước từ cây và lưu trữ nước trong đất.

“Bằng chứng khoa học cho thấy chúng ta đang gặp khủng hoảng nước. Chúng ta đang sử dụng sai, gây ô nhiễm nguồn nước và làm thay đổi toàn bộ chu trình thủy văn toàn cầu thông qua những gì chúng ta gây ra cho khí hậu. Đây là một cuộc khủng hoảng ba mặt,” ông Rockström cho biết.

Nhiều cách sử dụng nước hiện nay rất kém hiệu quả và cần được thay đổi, theo Rockstrom. “Thật đáng kinh ngạc khi chúng ta sử dụng nước sạch, nước ngọt an toàn để đẩy chất thải, nước tiểu, nitơ, phốt pho đi xuống các hệ sinh thái thủy sinh ở hạ nguồn, phá hủy chúng và gây ra các vùng chết. Chúng ta thực sự đang tự đánh lừa mình với hệ thống xử lý chất thải tuyến tính hiện đại này. Cần có những đổi mới lớn lao,” ông nói.

Chu trình nước và sự phụ thuộc lẫn nhau

Báo cáo phân tích sâu vào chu trình nước, là hệ thống phức tạp biểu thị việc nước di chuyển quanh Trái Đất. Nước bốc hơi từ mặt đất – bao gồm các hồ, sông và thực vật – và bay lên khí quyển, tạo thành các “dòng sông hơi nước” lớn có thể di chuyển xa, trước khi ngưng tụ, làm mát và cuối cùng rơi xuống mặt đất dưới dạng mưa hoặc tuyết.

Báo cáo phân biệt giữa “nước xanh,” tức là độ ẩm trong đất và thực vật, và “nước xanh dương,” gồm nước lỏng trong hồ, sông và tầng ngầm.

Mặc dù nguồn nước xanh đã lâu không được chú ý đến, nhưng nó quan trọng không kém trong chu trình nước, vì nước xanh quay trở lại khí quyển khi thực vật thải hơi nước, tạo ra khoảng một nửa lượng mưa trên đất liền.

Nguồn cung nước xanh ổn định rất quan trọng để hỗ trợ thảm thực vật có khả năng lưu trữ carbon, giảm nhiệt độ toàn cầu. Nhưng những tổn hại do con người gây ra, bao gồm phá hủy đất ngập nước và rừng, đang làm suy giảm các bể chứa carbon này, đẩy nhanh quá trình nóng lên toàn cầu. Đổi lại, nhiệt độ cao do biến đổi khí hậu làm khô cạn các khu vực, giảm độ ẩm và tăng nguy cơ cháy rừng, gây ra sự suy thoái và mất đa dạng sinh học, từ đó tiếp tục làm gián đoạn các dòng sông khí quyển.

Những gián đoạn trong chu trình nước đang gây ra nhiều đau khổ. Gần 3 tỷ người đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nước, cây trồng héo rũ, và các thành phố đang chìm lún khi nước ngầm bên dưới khô cạn.

Chu trình nước mang tính chất toàn cầu, nghĩa là các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau trong việc duy trì nguồn nước.

“Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào quản lý rừng bền vững ở Ukraine, Kazakhstan và khu vực Baltic,” ông Johan Rockström cho biết. “Bạn cũng có thể lập luận tương tự về việc Brazil cung cấp nước ngọt cho Argentina. Sự liên kết này cho thấy rằng chúng ta phải coi nước ngọt như một tài sản chung toàn cầu trong nền kinh tế toàn cầu.”

Theo Rockstrom, nhiều chính phủ vẫn chưa nhận ra mức độ phụ thuộc lẫn nhau của họ đối với nguồn nước. Hầu hết các quốc gia phụ thuộc khoảng một nửa nguồn cung nước của họ vào sự bốc hơi nước từ các quốc gia láng giềng – được gọi là nước “xanh” vì nó được giữ trong đất và cung cấp qua quá trình thoát hơi nước từ rừng và các hệ sinh thái khác.

Với Báo cáo của Ủy ban Toàn cầu về Kinh tế Nước, lần đầu tiên hệ thống nước toàn cầu được xem xét một cách toàn diện, và giá trị của nó đối với các quốc gia – cũng như rủi ro đối với sự thịnh vượng của họ nếu nước bị bỏ quên – được trình bày một cách rõ ràng. Các tác giả của báo cáo hy vọng sẽ làm nổi bật cuộc khủng hoảng theo cách mà các nhà hoạch định chính sách và kinh tế học có thể nhận thức rõ ràng.

Hướng đến một giải pháp toàn cầu

Mặc dù hệ thống nước toàn cầu có tính liên kết cao, nhưng không có cơ cấu quản trị toàn cầu nào được thiệt lập cho nước. Cho đến nay, Liên Hợp Quốc mới chỉ tổ chức được một hội nghị về nước sau 50 năm, và chỉ mới tháng trước bổ nhiệm một đặc phái viên về nước.

Ông Tharman Shanmugaratnam, Tổng thống Singapore và đồng chủ tịch của Ủy ban Toàn cầu về Kinh tế Nước, cho rằng các quốc gia cần bắt đầu hợp tác trong việc quản lý tài nguyên nước trước khi quá muộn.

“Chúng ta phải suy nghĩ một cách triệt để về cách bảo tồn nguồn nước ngọt, cách sử dụng chúng hiệu quả hơn nhiều và cách đảm bảo rằng nước ngọt có sẵn cho mọi cộng đồng, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương – nói cách khác, cách duy trì sự công bằng giữa giàu và nghèo,” ông Shanmugaratnam phát biểu.

Richard Allan, giáo sư khoa học khí hậu tại Đại học Reading, nói khủng hoảng nước chỉ có thể được giải quyết thông qua việc quản lý tài nguyên thiên nhiên tốt hơn và cắt giảm mạnh mẽ ô nhiễm khí nhà kính.

Bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới và cũng là đồng chủ tịch của ủy ban, cho rằng các quốc gia cần chuyển hướng trợ cấp, loại bỏ những trợ cấp có hại đồng thời đảm bảo rằng người nghèo không bị thiệt thòi.

“Chúng ta cần có một bộ công cụ chính sách phối hợp nếu muốn đạt được ba mục tiêu: hiệu quả, công bằng và bền vững môi trường cùng công lý. Vì vậy, chúng ta phải kết hợp định giá nước với các trợ cấp phù hợp,” bà nói.

Các quốc gia đang phát triển cũng cần được tiếp cận với nguồn tài chính cần thiết để cải tổ hệ thống nước, cung cấp nước sạch và vệ sinh, cũng như ngăn chặn sự phá hủy môi trường tự nhiên.

Sự sống của con người tất cả đều phụ thuộc vào nước, nhưng tài nguyên này lại không được công nhận đúng mức là tài nguyên không thể thay thế. Các tác giả của báo cáo kêu gọi một cách nhìn nhận mới về nước – không phải là nguồn tài nguyên tái tạo vô tận, mà là một tài sản chung toàn cầu. Cần phải có một hiệp ước nước toàn cầu do các chính phủ cam kết nhằm bảo vệ các nguồn nước và tạo ra một “nền kinh tế tuần hoàn” cho nước, nơi tài nguyên này được tái sử dụng và ô nhiễm được xử lý.

Giáo sư Johan Rockström nói rằng sự thờ ơ của thế giới đối với tài nguyên nước đang dẫn đến thảm họa. Ông nói. “Đằng sau tất cả những thách thức mà chúng ta đang đối mặt, luôn có vấn đề nước, nhưng chúng ta lại không bao giờ bàn về nước.”

Các tác giả của báo cáo cho rằng chính phủ các nước trên thế giới phải công nhận chu trình nước như một “lợi ích chung” và giải quyết nó một cách tập thể. Các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau, không chỉ qua các hồ và sông vượt qua biên giới, mà còn qua nước trong khí quyển, có thể di chuyển khoảng cách lớn – nghĩa là các quyết định ở một quốc gia có thể làm gián đoạn lượng mưa ở quốc gia khác.

Báo cáo kêu gọi “tái cơ cấu cơ bản vị trí của nước trong nền kinh tế,” bao gồm định giá nước tốt hơn để ngăn chặn sự lãng phí và xem lại việc xây dựng cơ sở hạ tầng tiêu thụ nước nhiều, như trung tâm dữ liệu, tại các khu vực bị thiếu nước.

Định giá nước đúng cách là điều cần thiết, “để nhận ra sự khan hiếm và những lợi ích mà nó mang lại,” bà Ngozi Okonjo-Iweala cho biết. “Khủng hoảng nước toàn cầu là một bi kịch, nhưng cũng là cơ hội để biến đổi kinh tế nước,” bà nói.

“Cần thiết lập các cơ chế quốc tế mạnh mẽ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nước toàn cầu vượt ngoài tầm kiểm soát,” Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO, cơ quan văn hóa của Liên Hợp Quốc, cho biết. “Nước là tương lai chung của chúng ta, và điều thiết yếu là phải hành động cùng nhau để chia sẻ nó một cách công bằng và quản lý bền vững.”

“Cuối cùng, điều này sẽ đòi hỏi một hiệp ước toàn cầu về nước. Sẽ mất vài năm để đạt được điều đó, nhưng chúng ta sẽ bắt đầu tiến trình này,” Tổng thống Singapore Tharman Shanmugaratnam nói trong một cuộc họp báo để công bố báo cáo nêu trên.

Nước là yếu tố cơ bản trong khủng hoảng khí hậu và khủng hoảng lương thực toàn cầu. “Sẽ không có cuộc cách mạng nông nghiệp nào nếu chúng ta không giải quyết vấn đề nước,” theo Báo cáo của Ủy ban Toàn cầu về Kinh tế Nước, một tổ chức mới được thành lập bởi Hà Lan vào năm 2022.


Cuộc khủng hoảng nước có ảnh hưởng rất tiêu cực đối với phụ nữ. Ảnh: AP


Các cột đo mực nước lộ ra tại hồ San Rafael reservoir ở Bogota, cho thấy tình trạng suy giảm nguồn nước ở Bogotá, Colombia. Ảnh:
AP


Trẻ em ở Baidoa, Somalia, nơi đang trải qua một đợt hạn hán. Ảnh:
Getty Images

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts