
PERSEVERANCE CHINH PHỤC ĐỊA HÌNH TRƠN TRƯỢT ĐỂ LÊN ĐỈNH TRÊN SAO HỎA
Xe tự hành Perseverance của NASA đang thực hiện hành trình đầy gian nan leo lên bức tường phía tây của miệng Hố Jezero, len lỏi qua các sườn dốc trơn trượt và thử nghiệm các phương pháp lái xe mới để tăng độ bám. Với mục tiêu sớm đạt đến đỉnh miệng hố, nó hướng đến khám phá các địa điểm có ý nghĩa khoa học, như “Đồi Witch Hazel.”
Perseverance đang di chuyển dọc theo tuyến đường dốc ở phía tây miệng Hố Jezero, dự kiến sẽ đạt đến đỉnh miệng hố (crater rim) vào đầu tháng 12. Trong quá trình leo núi đầy thách thức này, xe tự hành này đã ghi lại một quang cảnh rộng lớn (sweeping view) bên trong miệng hố Jezero, cùng với các hình ảnh về dấu bánh xe mà nó để lại phía sau khi gặp trơn trượt trên địa hình đá.
Bức ảnh toàn cảnh này, được ghép (stitched together) từ 44 hình ảnh chụp vào ngày 27-9 – ngày thứ 1,282 của sứ mệnh Perseverance trên Sao Hỏa – làm nổi bật các địa điểm quan trọng từ hành trình dài 3,5 năm qua miệng Hố Jezero. Trong ảnh ghép (mosaic) có các địa điểm đáng nhớ, bao gồm nơi nó hạ cánh, vị trí nơi nó lần đầu tiên tiếp xúc với đá trầm tích, kho lấy mẫu đầu tiên trên Sao Hỏa và sân bay cuối cùng cho Trực thăng Ingenuity của NASA. Xe tự hành đã chụp bức ảnh đáng chú ý này gần một địa điểm được đặt tên là “Đá Xa xôi (Faraway Rock),” khoảng nửa đường lên bức tường miệng hố.
“Hình ảnh này không chỉ thể hiện quá khứ và hiện tại của chúng ta, mà còn cho thấy thách thức lớn nhất trong việc đến được nơi chúng ta muốn trong tương lai,” Rick Welch, phó giám đốc dự án Perseverance tại Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA tại Nam California, nói. “Nếu nhìn vào bên phải của bức ảnh ghép, bạn sẽ thấy chúng tôi đang đối mặt với gì. Sao Hỏa không muốn cho phép bất kỳ ai dễ dàng đạt đến đỉnh của rặng núi này.”
Ở phía bên phải của ảnh ghép là một sườn dốc khoảng 20 độ. Mặc dù Perseverance đã leo qua các sườn dốc 20 độ trước đây (cả hai xe Curiosity và Opportunity của NASA đều từng vượt qua những ngọn đồi có độ dốc cao hơn thế ít nhất là 10 độ), nhưng đây là lần đầu tiên nó di chuyển trên một bề mặt trơn trượt với độ dốc lớn như vậy.
Trong phần lớn quá trình leo núi, xe tự hành đã di chuyển qua lớp bụi và lớp cát lỏng lẻo với một lớp vỏ bề mặt mỏng, giòn. Vào một số ngày, Perseverance chỉ hoàn thành được khoảng 50% quãng đường mà nó sẽ đạt được trên một bề mặt ít trơn hơn, và có lần, nó chỉ đi được 20% tuyến đường dự kiến.
“Mặc dù các xe tự hành trên Sao Hỏa đã lái qua địa hình dốc hơn và địa hình trơn hơn, đây là lần đầu tiên một xe tự hành phải đối mặt với cả hai – và ở quy mô này,” Camden Miller tại JPL, người lập kế hoạch cho Curiosity và hiện là người điều khiển xe tự hành cho sứ mệnh Perseverance, nói.
Vào ngày 3-10, họ đã gửi lệnh cho Perseverance thử nghiệm các cách thức giảm trơn trượt (slippage). Đầu tiên, họ cho nó lái lùi lên dốc (thử nghiệm trên Trái Đất đã cho thấy rằng trong điều kiện nhất định, hệ thống treo “rocker-bogie” của xe duy trì độ bám tốt hơn khi chạy lùi). Sau đó, họ thử lái cắt ngang dốc (cross-slope driving) và lái gần mép bắc của “Summerland Trail,” tên mà sứ mệnh đặt cho tuyến đường của xe lên đỉnh miệng hố.
Những phát hiện từ các thử nghiệm cho thấy rằng trong khi cả ba cách tiếp cận đều cải thiện độ bám, việc duy trì xe chạy gần mép bắc của dốc là hiệu quả nhất. Các nhà lập kế hoạch cho rằng sự hiện diện của các tảng đá lớn gần bề mặt đã tạo nên sự khác biệt.
“Đó là kế hoạch hiện tại, nhưng có thể chúng tôi sẽ phải điều chỉnh trên đường đi,” Miller cho biết. “Chưa có nhiệm vụ nào của các xe tự hành trên sao Hỏa cố gắng leo lên một ngọn núi lớn và nhanh như thế này. Đội khoa học muốn xe lên đến đỉnh của vành miệng hố càng sớm càng tốt vì những cơ hội nghiên cứu khoa học ở đó.”
Dự báo các khám phá khoa học
Trong vài tuần tới, Perseverance dự kiến sẽ vượt qua đỉnh miệng hố tại một địa điểm mà nhóm khoa học gọi là “Đồi Lookout.” Từ đó, nó sẽ di chuyển thêm khoảng 450 mét đến “Đồi Witch Hazel.” Dữ liệu từ quỹ đạo cho thấy Đồi Witch Hazel chứa đá nền có màu sáng và có lớp phân tầng (light-toned, layered bedrock). Nhóm đang háo hức so sánh địa điểm mới này với “Bright Angel,” khu vực mà Perseverance gần đây đã khám phá và lấy mẫu đá “Cheyava Falls.”
Chiếc xe đã đáp xuống Sao Hỏa mang theo 43 ống để thu thập các mẫu từ bề mặt sao Hỏa. Đến nay, Perseverance đã niêm phong và lưu trữ 24 mẫu đá và bụi đá (regolith), cùng với một mẫu khí quyển và ba ống đối chứng. Trong giai đoạn đầu phát triển nhiệm vụ, NASA đã đặt ra yêu cầu xe phải có khả năng lưu trữ ít nhất 31 mẫu đá, bụi đá và ống đối chứng trong suốt nhiệm vụ của Perseverance tại Jezero. Dự án đã bổ sung 12 ống, nâng tổng số lên 43. Những ống dự phòng này được thêm vào để dự liệu cho các điều kiện khó khăn trên sao Hỏa có thể khiến một số ống không hoạt động như dự kiến.
Xe tự hành Perseverance của NASA, được phóng trong khuôn khổ sứ mệnh Mars 2020, đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm các dấu vết của sự sống vi sinh (microbial life) cổ đại trên sao Hỏa. Mục tiêu chính của Perseverance là nghiên cứu sinh vật học vũ trụ (astrobiology), gồm thu thập và lưu trữ các mẫu đá và đất có thể chứa dấu vết của sự sống cổ xưa. Ngoài việc tìm kiếm dấu hiệu sinh học (biosignatures), xe còn nghiên cứu địa chất và khí hậu quá khứ của sao Hỏa, cung cấp những hiểu biết quý báu hỗ trợ cho các chuyến thám hiểm con người trong tương lai lên Hành tinh Đỏ.
Perseverance được quản lý bởi Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA, thúc đẩy cách tiếp cận từ Mặt Trăng đến Sao Hỏa của NASA, bao gồm các sứ mệnh Artemis để chuẩn bị cho việc thám hiểm sao Hỏa của con người.