
TRUNG QUỐC PHÓNG 18 VỆ TINH CHO CHÙM VỆ TINH NGÀN CÁNH BUỒM
Trung Quốc hôm thứ Ba, 15-10, đã phóng thành công nhóm thứ hai gồm 18 vệ tinh cho siêu chùm vệ tinh Ngàn Cánh Buồm (Thousand Sails Constellation), dự kiến sẽ có tổng cộng 14.000 vệ tinh quỹ đạo thấp vào năm 2030 để cung cấp dịch vụ internet băng thông rộng vệ tinh với độ trễ thấp, tốc độ cao cho người dùng toàn cầu.
Tên lửa Trường Chinh 6A đã cất cánh từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Taiyuan ở tỉnh Sơn Tây, miền bắc Trung Quốc vào lúc 7:06 tối giờ Bắc Kinh (8h06 tối giờ Việt Nam), và Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) đã công bố vụ phóng thành công hơn hai giờ sau khi cất cánh, cho dù vẫn có nhiều lo ngại trong giới khoa học thế giới về sự an toàn của lần phóng này.
Tầng trên của Trường Chinh 6A đã đưa nhóm vệ tinh phẳng Qianfan (hay “Ngàn Cánh Buồm”) Polar Orbit-02 gồm 18 vệ tinh vào quỹ đạo cho Công ty Công nghệ Vệ tinh Shanghai Spacecom (SSST).
Mặc dù các vụ phóng trước của Trường Chinh 6A đã thành công, nhưng tầng trên của nó gặp phải vấn đề phân mảnh. Vụ phóng trước — mang theo 18 vệ tinh Qianfan đầu tiên — đã vỡ thành một đám mây nghi ngờ chứa hơn 700 mảnh vụn rác không gian. Cho đến nay, Học viện Công nghệ Không gian Thượng Hải (SAST) vẫn chưa phản hồi yêu cầu bình luận.
Ngoài ra, còn có lo ngại về độ sáng của các vệ tinh Qianfan và tác động tiềm tàng của chúng đối với thiên văn học.
Dự án “Chùm Vệ tinh Ngàn Cánh Buồm”, được coi là phiên bản của Trung Quốc theo kiểu chùm vệ tinh internet Starlink của SpaceX. Do vậy, dự án này còn được gọi là G60 Starlink. Lô vệ tinh đầu tiên cho chùm vệ tinh này đã được phóng vào tháng 8 vừa qua.
SSST dự định giai đoạn đầu của chùm vệ tinh này sẽ bao gồm 1.296 vệ tinh, trong đó 648 vệ tinh sẽ được phóng trước cuối năm 2025 để cung cấp vùng phủ sóng mạng khu vực. Mạng lưới hoàn chỉnh sẽ bao gồm hơn 14.000 vệ tinh đa phương tiện băng thông rộng trong quỹ đạo thấp.
Dự án yêu cầu tăng tốc độ phóng. Các công ty phóng vệ tinh thương mại Trung Quốc đang phát triển nhiều loại tên lửa tái sử dụng nhằm giành hợp đồng từ dự án này và các dự án chùm vệ tinh khác của Trung Quốc.
Ngoài ra, còn có công tác mở rộng các cảng vũ trụ của Trung Quốc để hỗ trợ các tên lửa mới này và cho phép tốc độ phóng của quốc gia này tiếp tục tăng lên.
SSST có nguồn tài chính mạnh mẽ. Vào tháng 2, công ty đã huy động được 943 triệu đô la Mỹ để phát triển và xây dựng chùm vệ tinh. Được thành lập tại Thượng Hải vào năm 2021, dự án của SSST cũng nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền thành phố. Thượng Hải đã phát triển kế hoạch hành động (action plan) không gian thương mại của riêng mình, trong đó Ngàn Cánh Buồm chỉ là một phần.
Tên lửa Trường Chinh 6A được sử dụng trong vụ phóng hôm thứ Ba kết hợp các tầng lõi sử dụng nhiên liệu lỏng với các bộ tăng cường tên lửa rắn. Tên lửa này có thể mang tải trọng 4.500 kg lên quỹ đạo đồng bộ mặt trời (sun-synchronous orbit) ở độ cao 700 km.
Sứ mệnh này là vụ phóng quỹ đạo thứ 48 của Trung Quốc trong năm, sau vụ phóng vệ tinh internet quỹ đạo cao thứ ba vào ngày 10-10. Nhà thầu không gian chính của Trung Quốc, CASC, nơi SAST trực thuộc, đã tuyên bố rằng Trung Quốc đang nhắm tới khoảng 100 vụ phóng trong năm 2024, bao gồm kế hoạch phóng tên lửa Trường Chinh và tên lửa thương mại. Kỷ lục quốc gia về số lần phóng trong một năm dương lịch của Trung Quốc là 67, được thiết lập vào năm 2023.
𝘔𝘰̣̂𝘵 𝘵𝘦̂𝘯 𝘭𝘶̛̉𝘢 𝘛𝘳𝘶̛𝘰̛̀𝘯𝘨 𝘊𝘩𝘪𝘯𝘩-6 𝘤𝘢̉𝘪 𝘵𝘪𝘦̂́𝘯, 𝘮𝘢𝘯𝘨 𝘵𝘩𝘦𝘰 𝘯𝘩𝘰́𝘮 18 𝘷𝘦̣̂ 𝘵𝘪𝘯𝘩, 𝘤𝘢̂́𝘵 𝘤𝘢́𝘯𝘩 𝘵𝘶̛̀ 𝘛𝘳𝘶𝘯𝘨 𝘵𝘢̂𝘮 𝘗𝘩𝘰́𝘯𝘨 𝘝𝘦̣̂ 𝘵𝘪𝘯𝘩 𝘛𝘩𝘢́𝘪 𝘕𝘨𝘶𝘺𝘦̂𝘯, 𝘵𝘪̉𝘯𝘩 𝘚𝘰̛𝘯 𝘛𝘢̂𝘺, 𝘮𝘪𝘦̂̀𝘯 𝘣𝘢̆́𝘤 𝘛𝘳𝘶𝘯𝘨 𝘘𝘶𝘰̂́𝘤, 𝘯𝘨𝘢̀𝘺 15-10-2024. 𝘈̉𝘯𝘩: 𝘊𝘩𝘪𝘯𝘢 𝘔𝘦𝘥𝘪𝘢 𝘎𝘳𝘰𝘶𝘱