
NHỰA Ở BANGKOK: Một nhà sư, một chiếc tàu và một tầm nhìn Sao cho sông trở lại như xưa
Người sáng lập Seven Clean Seas, Tom Peacock-Nazil ( ở giữa )và Phra Mhapranom Dhammalangkaro ( bên phải ) tại buổi lễ ra mắt dự án Hippo ở Bangkok. (Ảnh: The Bangkok Post)
Sông Chao Phraya, đoạn chảy qua Bangkok, từng tràn đầy sự sống, giờ đây đã trở nên nặng nề vì phải gánh quá nhiều rác thải nhựa (plastic waste).
Sư Phra Mahapranom Dhammalangkaro, nhìn ra dòng sông và nói: “Ngày xưa, dòng sông này đầy cá; giờ, chẳng còn gì bơi trong đó nữa.”
Đâu rồi sông xưa?
Ký ức của sư Dhammalangkaro, trụ trì chùa Chak Daeng bên bờ Chao Phraya, về một dòng sông sống động với trẻ em chơi đùa và người dân lấy nước để uống quả là tương phản mạnh mẽ với thực tế ô nhiễm mà ngài phải đối mặt khi trở thành trụ trì của chùa hơn 25 năm trước.
Cảnh tượng rác thải vương vãi và dòng sông ô nhiễm đã thúc đẩy vị sư này hành động. Sư đã lập trung tâm tái chế (recycling centre) ngay tại chùa từ 13 năm nay. Và rồi từ việc chỉ xử lý một vài chai lọ, đến nay đã xử lý được đến 300 tấn nhựa mỗi năm. Tuy nhiên, dòng sông vẫn ô nhiễm; việc này nằm ngoài tầm với của ngài.
Thế rồi, Tom Peacock-Nazil, Tổng giám đốc của Seven Clean Seas, một tổ chức chuyên chống lại ô nhiễm nhựa (plastic pollution) trụ sở tại Singapore, xuất hiện. Cùng nhau, hồi tháng 7 vừa qua, họ đã khởi động Hippo, một chiếc thuyền chạy bằng năng lượng mặt trời (solar energy), được thiết kế để thu gom đến 1,4 triệu ký lô nhựa mỗi năm.
Chảy dài hơn 370 km từ tỉnh Nakhon Sawan đến vịnh Thái Lan, sông Chao Phraya là con đường thủy quan trọng, nơi cư trú của các loài đang gặp phải nguy cơ tuyệt chủng như cá hổ Xiêm, cá hô to và cá tra to Chao Phraya (Siamese tigerfish, giant barb and Chao Phraya giant catfish). Tại thủ đô Thái Lan, con sông này là tuyến giao thông quan trọng, tấp nập với các tàu buýt, phà và thuyền gỗ truyền thống đuôi dài .
Tuy nhiên, theo Ocean Cleanup, một tổ chức phi lợi nhuận, trụ sở tại Rotterdam, Hà Lan, con sông huyết mạch này cũng “vận chuyển” đến
4.000 tấn rác thải nhựa ra biển hàng năm.
Mặc dù luật pháp đã áp dụng mức phạt lên đến 10.000 baht (khoảng 5,6 triệu đồng) đối với việc đổ rác trái phép; rác thải nhựa vẫn tiếp tục là vấn nạn của dòng sông, nhất là trong mùa mưa và lũ lụt như hiện nay.
Sáng kiến cứu dòng sông
Thiết kế của thuyền Hippo vừa đơn giản vừa hiệu quả. Một thanh chắn trên thuyền sẽ gom rác nhựa nổi vào một băng chuyền chạy bằng năng lượng mặt trời, sau đó chuyển rác vào một thùng chứa giấu dưới mái thuyền. Rác thải thu gom, bao gồm hộp đựng thức ăn, chai lọ nhựa, túi nhựa, và cả lục bình (water hyacinths) sẽ được phân loại thủ công và tái chế tại chùa Chak Daeng.
Chalatip Junchompoo, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên biển và bờ biển của Thái Lan, đã nhấn mạnh đến vai trò kép của thuyền Hippo trong việc loại bỏ rác thải và nâng cao nhận thức cộng đồng. “Khi mọi người nhìn thấy Hippo, họ sẽ tò mò. Họ sẽ muốn biết đó là gì và vì sao nó ở đó,” bà giải thích.
Thái Lan đã đặt mục tiêu tái chế tất cả các loại rác thải nhựa vào năm 2027, tăng từ mức hiện tại là 37%, theo Cục Kiểm soát ô nhiễm của đất nước Nụ cười. Những nỗ lực của đội thuyền Hippo phù hợp với mục tiêu này. Thuyền được họ vận hành thuyền đến tám giờ mỗi ngày, và lịch trình được điều chỉnh dựa trên con nước – lên và xuống -, để tối ưu hóa kết quả.
Trong khi món tài trợ ban đầu đã trang trải được chi phí vận hành của thuyền Hippo, chi phí và bảo trì trong tương lai sẽ được tài trợ thông qua tín dụng nhựa (plastic credit), cho phép các công ty bù đắp dấu chân nhựa của họ. Một phần nhựa tái chế đã, đang và sẽ được chuyển thành vải để may áo cà sa, chăn mềm và túi xách tại chùa.
Chiến lược gắn kết cộng đồng của sư Dhammalangkaro vừa thiết thực vừa phù hợp với văn hóa. “Mọi người có thể tạo công đức bằng cách giao cho chúng tôi chai lọ, túi nhựa và cả giấy,” ông nói, khai thác khái niệm Phật giáo: Việc thiện có thể cải thiện cuộc sống tương lai của con người.
Đổi mới công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng tại chùa Chak Daeng. Một chiếc máy mới sử dụng phương pháp tái chế hóa học pyrolysis chuyển đổi nhựa thành dầu. Chất thải hữu cơ thì được xử lý thành phân bón bằng máy ủ công nghiệp.
Thuyền Hippo đã trở thành mảnh ghép cuối cùng trong mô hình kinh tế tuần hoàn của chùa Chak Daeng. Tham vọng của vị sư trụ trì không dừng lại ở Bangkok, ngài ấp ủ kế hoạch triển khai thêm các thuyền Hippo trên các dòng sông ô nhiễm ở Thái Lan và cả các nước Đông Nam Á khác
Từ trái qua: Người dân địa phương làm việc tại khu vực tái chế; Bà Thitinan Ratsameesang đang dệt vải từ rác nhựa; vải sẽ được nhuộm màu nghệ, biến thành áo cà sa. (Ảnh: The Bangkok Post)