
Back to Nature – Kết nối với thiên nhiên
“Back to Nature – Kết nối với thiên nhiên” là một trong những chương trình của Saigon Times Foundation nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao sức khỏe tinh thần cho thanh thiếu niên. Trong thời đại internet kết nối vạn vật, mọi hoạt động của con người, từ làm việc, học tập cho đến vui chơi, giải trí… phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ, khiến cuộc sống của nhiều người trở nên căng thẳng và khủng hoảng do thiếu vắng những hoạt động gắn kết với thiên nhiên. “Back to Nature – Kết nối với thiên nhiên” giúp thanh thiếu niên dành thời gian tham gia các hoạt động ngoài trời, kết nối và hòa mình với thiên nhiên, tìm hiểu quy luật sinh tồn và phát triển của vạn vật; để từ đó điều chỉnh hành vi sinh hoạt của mình nhằm nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường, góp phần cải thiện việc cân bằng cuộc sống.
Trẻ em cần thiên nhiên
Bạn đã từng nghe đến cụm từ “Rối loạn thiếu thiên nhiên” (Nature Deficit Disorder) bao giờ chưa? Cho dù thuật ngữ này còn ít nhiều gây tranh cãi về mặt y học, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã mô tả thực trạng hiện nay như một cuộc khủng hoảng do sự thiếu hoạt động và dành thời gian hòa mình với thiên nhiên nơi trẻ em.
Thật ra, việc thiếu kết nối với thiên nhiên cũng là vấn đề của người lớn. Tuy nhiên, những người trưởng thành qua việc nghe, đọc, hay quan sát để tiếp thu thông tin sẽ tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình, tự chịu trách nhiệm điều chỉnh hành vi; và nếu không thì phải tự chịu trách nhiệm về hậu quả qua lựa chọn của mình. Nhưng với trẻ em, việc giảm bớt lệ thuộc vào ti-vi, vào điện thoại di động hay các thiết bị nghe nhìn khác để kết nối với thiên nhiên thuộc trách nhiệm của người lớn.
Tác hại của ti-vi, điện thoại
Đã có quá nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về tác hại của việc trẻ em dán mắt quá lâu vào màn hình ti-vi hay điện thoại thông minh. Và do vậy, bài viết này chỉ điểm qua các tác hại đó và tập trung vào việc giúp trẻ kết nối với thiên nhiên.
Trẻ dùng nhiều thời gian trên các thiết bị nghe nhìn có thể bị giảm thị lực và các bệnh khác về mắt, rối loạn giấc ngủ, dễ mắc các bệnh về xương khớp và cột sống, rối loạn tăng động, giảm khả năng chú ý, tập trung,…
Nghiện xem YouTube, chơi game… trên điện thoại thông minh cũng sẽ khiến trẻ hình thành thói quen ngồi một chỗ. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ béo phì do ít vận động.
Ngoài ra, việc dành quá nhiều thời gian trên các thiết bị công nghệ còn có thể khiến trẻ thích sống tách biệt, ở một mình và ngại giao tiếp. Điều này về lâu dài có thể dẫn đến chứng tự kỷ, rối loạn lo âu, thiếu tập trung, rối loạn tâm thần và khiến hành vi trẻ có vấn đề.
Đặc biệt, nguy cơ lớn nhất của việc cho trẻ nhỏ xem ti-vi, chơi game là mất kết nối giữa cha mẹ và con cái, đồng thời khiến trẻ giảm đi sự hứng thú với các hoạt động khác, bao gồm cả hoạt động thể dục thể thao và kêt nối với thiên nhiên.
Trở về với thiên nhiên
Một cuộc khảo sát ở Edinburgh, Anh Quốc, cho thấy việc tiếp xúc nhiều với mảng xanh có hiệu quả tích cực với các trẻ em bậc tiểu học, giúp chúng nâng cao tính tự trọng. Trong khi đó, một nghiên cứu về tương quan giữa tốc độ đô thị hóa với các vấn đề sức khỏe tâm thần và thể lý ở Hà Lan cho thấy các khu vực đô thị có nhiều mảng xanh có chỉ số bệnh tật ít hơn.
Đối với các bậc cha mẹ, cho trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ là lựa chọn dễ dàng và phổ biến, nhưng đừng quên hướng trẻ đến với các hoạt động ngoài trời, giúp chúng dành thời gian đi dạo trong thiên nhiên nhằm mang lại lợi ích lớn về tinh thần.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng thời gian trong thiên nhiên có thể cải thiện hạnh phúc, khả năng học tập, giấc ngủ và lòng tự trọng của trẻ. Ngoài ra, các nghiên cứu liên tục chỉ ra rằng trẻ em chơi ngoài trời thường thông minh hơn, hạnh phúc hơn, tập trung hơn và ít lo âu hơn so với những trẻ dành nhiều thời gian trong nhà, theo tổ chức Sintra Treks tại Lisbon, Bồ Đào Nha.
Tổ chức này liệt kê về những lợi ích cho trẻ em qua việc sử dụng nhiều thời gian trong thiên nhiên, cụ thể như sau:
Tự tin. Việc cho phép trẻ lựa chọn cách chơi trong thiên nhiên trao cho chúng quyền kiểm soát hành động của mình – điều này tạo nên sự tự tin và trách nhiệm. Đây là cơ hội để trẻ thử những điều mới, phát triển kỹ năng mới và thử thách bản thân.
Trách nhiệm. Hòa mình vào thiên nhiên giúp trẻ học cách chăm sóc các sinh vật trong môi trường, giúp chúng hiểu biết được điều gì xảy ra với thiên nhiên khi nó bị hủy hoại, hoặc không được tôn trọng.
Trí tưởng tượng. Trẻ em sẽ tự thiết kế các trò chơi và hoạt động của riêng mình, tiếp cận thế giới theo những cách sáng tạo. Những câu hỏi sẽ sớm bắt đầu khi trẻ ở trong thiên nhiên, khi chúng suy nghĩ và tự hỏi về trái đất và sự sống trên trái đất. Điều này sẽ khuyến khích chúng tìm hiểu thêm về thế giới tự nhiên.
Sự kích thích. Thiên nhiên kích hoạt nhiều giác quan hơn để trẻ có thể nhìn, nghe, ngửi và chạm vào môi trường ngoài trời. Thiên nhiên cũng tăng cường hoạt động thính giác, nhận biết âm thanh và phân biệt chúng sẽ giúp rèn luyện kỹ năng lắng nghe của trẻ.
Tập thể dục. Một cuộc đi dạo trong thiên nhiên sẽ kích hoạt các giác quan và tăng cường tuần hoàn, rất tốt cho cơ thể và việc hoàn thành cuộc đi dạo sẽ mang lại cho trẻ cảm giác thành tựu. Điều này đặc biệt có lợi cho những trẻ gặp khó khăn trong việc tập trung hoặc hay bồn chồn.
Giảm căng thẳng. Một cuộc đi dạo trong thiên nhiên giúp thoát khỏi căng thẳng của cuộc sống học đường và điểm số. Môi trường tự nhiên giúp giảm mệt mỏi của việc phải ngồi sau bàn học và tuân thủ lịch trình cứng nhắc. Kết quả nghiên cứu cho thấy thiên nhiên tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất của con người, đồng thời thúc đẩy cảm giác hạnh phúc.
08n05w
s7ogmn
p6cmpz