Tại sao cuộc đua công nghệ xanh có thể không cứu được hành tinh

Cuộc cạnh tranh toàn cầu đang gia tăng về đổi mới sáng tạo xanh, và có thể thúc đẩy sự thịnh vượng — nhưng điều này không đồng nghĩa với việc cải thiện tính bền vững môi trường. Cuộc cạnh tranh này có thể không về đích chừng nào mà những “dịch vụ từ thiên nhiên” không được đính giá đúng và thiếu sự hợp tác sâu rộng trên phạm vi toàn cầu.

Thế giới đã bước vào một kỷ nguyên suy giảm môi trường sinh thái ngày càng tăng và rủi ro môi trường ngày càng lớn. Kể từ năm 1970, 75% môi trường trên cạn và 66% môi trường biển đã bị con người thay đổi do sử dụng đất, biến đổi khí hậu, ô nhiễm, suy giảm và các loài xâm hại. Khoảng 14 trên 18 “dịch vụ hệ sinh thái” toàn cầu đã suy giảm, bao gồm sự ổn định của khí hậu, số lượng loài thụ phấn, cũng như chất lượng và lượng nước ngọt. Quy mô trung bình của các quần thể động vật hoang dã đã giảm tới 73%.

Cách các nền kinh tế phản ứng với những vấn đề này sẽ quyết định sự thịnh vượng và bền vững của họ. Nếu thiên nhiên được coi trọng, và việc khai thác nó bị đánh thuế cao, sự khan hiếm sẽ tạo ra động lực để đổi mới và tìm giải pháp thay thế. Ví dụ, khi chi phí chuyển đổi rừng, đất ngập nước và đồng cỏ thành đất nông nghiệp tăng lên và nước ngọt trở nên khan hiếm, các phương pháp canh tác sử dụng ít đất và nước hơn sẽ trở nên hấp dẫn hơn. Nhưng nếu các nền kinh tế vẫn chọn cách khai thác tùy tiện hoặc gây ô nhiễm môi trường — chẳng hạn chuyển rừng thành đất nông nghiệp, khai thác khoáng sản dưới đáy biển, xả rác nhựa ra đại dương và mở rộng trữ lượng khai thác nhiên liệu hóa thạch — thì chi phí cho nhân loại và môi trường sẽ tăng vọt.

Cho đến nay, các quốc gia đang chọn các cách tiếp cận khác nhau. Và hai xu hướng đang nổi lên: một số quốc gia phớt lờ thiệt hại đến thiên nhiên để giữ giá tài nguyên và chi phí ô nhiễm ở mức thấp một cách nhân tạo, trong khi những nước khác đang bước vào một cuộc đua cạnh tranh để dẫn đầu về đổi mới và thị trường xanh.

Về lâu dài, cuộc đua công nghệ xanh có khả năng sẽ thắng thế. Tuy nhiên, kết quả của cuộc cạnh tranh này có thể là sự thịnh vượng nhiều hơn nhưng lại ít bền vững hơn, trừ khi nó đi kèm với hợp tác toàn cầu nhằm giải quyết các rủi ro môi trường chung.

Rào cản cho quá trình chuyển đổi xanh

Những dịch vụ có giá trị nhất của thiên nhiên — như khí hậu ổn định, cung cấp lương thực, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và tài sản của con người — đều được cung cấp miễn phí. Chúng không xuất hiện trong các thị trường và phần lớn bị bỏ qua trong các quyết định chính sách và kinh doanh.

Tệ hơn, các chính phủ lại cung cấp các ưu đãi kinh tế cho những hoạt động có thể gây hại môi trường. Ví dụ, trợ cấp để hạ giá điện than, nước, thuốc trừ sâu và phân bón cho cây trồng, chặt phá rừng để lấy gỗ và cào vét đáy biển. Những ưu đãi gây hại môi trường cho các lĩnh vực như nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp, nước, lâm nghiệp, xây dựng, giao thông và thủy sản ước tính lên tới khoảng 1.800 tỷ USD mỗi năm — tương đương khoảng 2% tổng GDP toàn cầu.

Do thiên nhiên bị định giá thấp, phần lớn các nền kinh tế bỏ qua chi phí ngày càng tăng của môi trường sinh thái ngày càng co hẹp. Họ không xem các hệ sinh thái tự nhiên là tài sản cần được bảo tồn, phục hồi và bảo vệ thông qua đầu tư. Ví dụ, chi tiêu toàn cầu cho bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi môi trường chỉ dao động từ 124 đến 143 tỷ USD mỗi năm — chỉ bằng khoảng 1/5 mức cần thiết, gây ra một khoảng thiếu hụt tài chính cho đa dạng sinh học lên tới hơn nửa nghìn tỷ USD.

Các doanh nghiệp cũng đầu tư chưa đủ vào thiên nhiên. Hơn một nửa GDP toàn cầu — tương đương khoảng 44.000 tỷ USD từ 163 ngành và chuỗi cung ứng — phụ thuộc vào thiên nhiên và các dịch vụ của nó. Tuy nhiên, các công ty trên thế giới chỉ đầu tư một phần nhỏ (5,5 đến 8,2 tỷ USD mỗi năm) để làm cho chuỗi cung ứng của họ thân thiện với môi trường hơn.

Cuộc đua xanh

Dù đầu tư còn thiếu hụt, một số nền kinh tế và doanh nghiệp đã nhận ra rằng họ có thể thu được lợi ích từ việc trở nên “xanh hơn” nhờ khai thác các lợi thế cạnh tranh và công nghệ. Kết quả là một cuộc đua xanh đang lan rộng trên toàn cầu, trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và đầu tư — bao gồm năng lượng sạch, sản phẩm và quy trình công nghiệp tái tạo, cùng thị trường tín chỉ carbon, đa dạng sinh học và tín chỉ nước.

Một số quốc gia như Trung Quốc, Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ có tiềm năng trở thành những người dẫn đầu thị trường thông qua việc cạnh tranh trong quá trình “xanh hóa” các ngành sản xuất then chốt, như đổi mới phương tiện giao thông, sản xuất điện và các quy trình công nghiệp khác. Các quốc gia có năng lực sản xuất xanh cao hơn thường có nhiều bằng sáng chế công nghệ môi trường hơn, lượng khí CO₂ thấp hơn và chính sách môi trường nghiêm ngặt hơn.

Trên toàn cầu, tỷ lệ các công ty có sản phẩm và dịch vụ xanh đang tăng lên. Tuy nhiên, sự mở rộng này diễn ra không đồng đều. Dù Hoa Kỳ chiếm 60% cổ phiếu xanh toàn cầu, nhưng tỷ lệ cổ phiếu xanh trong tổng thị trường Mỹ chỉ là 8% — thấp hơn mức trung bình toàn cầu là 9%. Trong khi đó, Đài Loan, Đức, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc và Pháp đều vượt mức trung bình này, cho thấy các nền kinh tế của họ đang ở vị trí thuận lợi trong cuộc đua xanh.

Cuộc cạnh tranh được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng chậm lại của năng suất toàn cầu kể từ thập niên 1980, cùng với các cơ hội sinh lợi ngày càng gia tăng và năng suất cao hơn trong các lĩnh vực xanh mới nổi.

Chính sách công cũng đang điều chỉnh khi các chính phủ tranh nhau giành lợi thế trong cuộc đua xanh đang thay đổi nhanh chóng. Ví dụ, trong thập niên 1990, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Đức thống trị đổi mới xanh toàn cầu. Nhưng hiện nay, Trung Quốc và Hàn Quốc đã gia nhập nhóm dẫn đầu cùng Nhật và Mỹ, sau khi đầu tư mạnh vào năng lượng mặt trời, gió, pin và xe điện.

Những biện pháp phản tác dụng

Cuộc cạnh tranh xanh này có thể sẽ đẩy nhanh sự phát triển của các công nghệ bền vững và giảm áp lực lên hành tinh. Tuy nhiên, nó cũng có thể dẫn đến sự trỗi dậy của “chủ nghĩa thương mại xanh” nếu các quốc gia áp dụng các chiến lược bảo hộ dựa vào “xanh hóa” để tăng cường lợi thế cạnh tranh trên thị trường xanh toàn cầu.

Có những dấu hiệu cho thấy điều này đang diễn ra. Sau khi Hoa Kỳ ban hành Đạo luật Giảm Lạm Phát năm 2022, nhiều nền kinh tế lớn như Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ đã làm theo và chuyển hướng chính sách công nghiệp xanh của mình sang các biện pháp bảo hộ công khai, chẳng hạn như miễn thuế, quy định chặt về mua sắm, và các khoản vay và trợ cấp ưu ái cho các ngành trong nước, làm tổn hại đến các đối thủ cạnh tranh quốc tế.

Hiện còn quá sớm để biết liệu các thay đổi chính sách mạnh tay của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ đảo ngược hay củng cố xu hướng này, nhưng vẫn còn nhiều điều cần xem xét.

Việc theo đuổi chủ nghĩa thương mại xanh (green mercantilism) có thể mang lại lợi thế cạnh tranh cho một nền kinh tế, nhưng lại đi ngược với sự hợp tác toàn cầu cần thiết để giải quyết các vấn đề môi trường chung như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, quản lý nguồn nước xuyên biên giới và tình trạng đại dương suy thoái. Các nền kinh tế cạnh tranh có thể trở thành những “thị trường khép kín”, cản trở sự lan tỏa của công nghệ xanh qua biên giới, khiến các nền kinh tế khác khó tiếp cận và áp dụng đổi mới. Hơn nữa, nếu thiên nhiên không được định giá đúng mức, chủ nghĩa thương mại xanh có thể không giúp tách rời sự thịnh vượng kinh tế khỏi sự tàn phá môi trường.

Việc hỗ trợ các ngành công nghiệp xanh có thể làm tổn hại đến các mục tiêu môi trường và kinh tế khác. Việc hạ thấp rào cản thương mại đối với sản phẩm xanh và chuyển giao công nghệ có thể không còn cần thiết và bị thay thế bởi các biện pháp bảo vệ các ngành xanh trong nước khỏi cạnh tranh quốc tế. Các quy định môi trường trong nước cũng có thể bị lợi dụng để hạn chế nhập khẩu và thúc đẩy xuất khẩu. Những yếu tố này đã bắt đầu xuất hiện trong Đạo luật Giảm Lạm Phát của Hoa Kỳ và Kế hoạch Công nghiệp Thỏa thuận Xanh của EU.

Sẽ có người thắng và kẻ thua. Vì vậy, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng đổi mới và đầu tư xanh không làm trầm trọng thêm hoặc gây ra những lo ngại mới về tính bền vững, đồng thời không tạo ra thêm bất bình đẳng về của cải và thu nhập. Với chính sách bảo hộ, các nền kinh tế tụt hậu sẽ mất đi cơ hội đầu tư, năng lực đổi mới và tăng trưởng năng suất.

Bước đi tiếp theo

Bất chấp những rào cản, các bài học từ lịch sử cho thấy cuộc đua xanh cuối cùng sẽ giành phần thắng và không chỉ chuyển đổi một vài lĩnh vực mà còn cả các quy trình sản xuất và hàng hóa trên toàn bộ nền kinh tế. Nhưng quá trình này sẽ mất bao lâu? Lịch sử cho thấy có thể mất hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ.

Giới nghiên cứu cần tìm hiểu cách quá trình chuyển đổi này diễn ra và những tác động rộng lớn của nó đến nền kinh tế và môi trường. Các nghiên cứu cần xem xét vai trò của chính sách công trong việc hỗ trợ cuộc đua xanh, quốc gia nào sẽ nổi lên như những nước dẫn đầu (xem biểu đồ “Lợi thế tương đối” bên dưới bài víết) và cách các quốc gia ảnh hưởng đến đổi mới và phát triển trong nền kinh tế toàn cầu, cũng như các tác động đối với việc suy giảm sinh thái và rủi ro môi trường toàn cầu.

Nếu các chính phủ muốn thúc đẩy cuộc đua xanh, họ cần chấm dứt tình trạng định giá thấp thiên nhiên một cách phổ biến — đặc biệt là bằng cách loại bỏ dần các khoản trợ cấp gây hại cho môi trường. Họ cũng cần làm nhiều hơn để thúc đẩy đổi mới công nghệ xanh. Hiện nay, hỗ trợ công từ chính phủ cho nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ xanh đang giảm ở nhiều quốc gia — đúng lúc điều này lại cần nhất. Tỷ lệ chi tiêu công cho R&D năng lượng tái tạo ở các nền kinh tế lớn đã giảm từ 15–30% năm 2010 xuống còn 10–15% sau năm 2015. Các chính phủ sẽ cần thúc đẩy hợp tác toàn cầu để giải quyết các vấn đề môi trường chung.

Doanh nghiệp cũng cần nhận ra rằng thành công từ các cơ hội đầu tư sinh lời đòi hỏi họ phải phát triển chuỗi cung ứng bền vững, giảm rủi ro môi trường và mở rộng thị trường cho carbon, đa dạng sinh học, nước và các dịch vụ hệ sinh thái chưa được định giá khác. Đối với một số doanh nghiệp, đầu tư vào các hoạt động này có thể cải thiện lợi nhuận; với doanh nghiệp khác, đây là những cơ hội thị trường mới thông qua đầu tư vào thiên nhiên.

Cuộc đua xanh có thể là phản ứng tất yếu và cần thiết của các nền kinh tế trước thời đại suy giảm sinh thái. Nhưng trong những thập kỷ tới, chúng ta sẽ thấy liệu sự thịnh vượng có đi kèm với tính bền vững hay không, và quan trọng hơn, liệu điều đó có đủ để giảm thiểu rủi ro môi trường toàn cầu và tạo ra một không gian sinh tồn an toàn cho nhân loại hay không.


Một cơ sở tái chế sợi carbon tại Đài Loan, nơi đang nổi lên như một địa bàn dẫn đầu trong nền kinh tế xanh toàn cầu. Ảnh: Bloomberg


Một công ty ở Canada sử dụng nguồn năng lượng thủy điện tái tạo để trồng cây trong nhà kính.
Ảnh: The Canadian Press

Đức đang tìm cách thay thế các nhà máy điện than bằng các giải pháp năng lượng tái tạo, bao gồm các công viên năng lượng mặt trời. Ảnh: Sean Gallup

 BIỂU ĐỒ LỢI THẾ TƯƠNG ĐỐI

Một số quốc gia, chẳng hạn Latvia, Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất và Đan Mạch, có chuyên môn hóa cao trong đổi mới về môi trường (chỉ thị bằng giá trị cao hơn 1 ở dòng kẻ đỏ)


(Nguồn: OECD Green Growth Dataset 2024)

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts