
Lượng nước ngọt toàn cầu giảm mạnh và ‘không thể đảo ngược’
Dữ liệu mới đây từ các vệ tinh của NASA cho thấy bề mặt Trái Đất đã mất nước ngọt một cách đột ngột kể từ năm 2015. Sự sụt giảm nghiêm trọng này trùng khớp với giai đoạn hiện tượng El Niño ấm lên từ năm 2014 đến 2016.
Các nhà khoa học, sử dụng quan sát từ vệ tinh do NASA và Đức hợp tác, đã phát hiện bằng chứng cho thấy tổng lượng nước ngọt trên Trái Đất đã giảm đột ngột từ tháng 5 năm 2014 và duy trì ở mức thấp kể từ đó. Nghiên cứu cho rằng sự thay đổi này có thể báo hiệu các lục địa trên Trái Đất đang bước vào một giai đoạn khô hạn kéo dài.
Hành tinh của chúng ta đã mất 1.200 tỷ mét khối nước ngọt kể từ năm 2015. Sự sụt giảm này trùng hợp với hiện tượng El Niño từ năm 2014 đến 2016. Thông thường, lượng nước ngọt sẽ hồi phục sau khi dao động khí hậu (climate oscillation) kết thúc, nhưng các phép đo vệ tinh gần đây cho thấy đến năm 2023, lượng nước ngọt vẫn chưa phục hồi và có thể sẽ không bao giờ phục hồi.
Nhóm nghiên cứu báo cáo rằng 13 trong số 30 đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trên thế giới được quan sát bởi vệ tinh GRACE đã xảy ra kể từ tháng 1 năm 2015. Nghiên cứu cũng nghi ngờ rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể là nguyên nhân gây ra sự suy giảm nước ngọt này.
Sự cạn kiệt nguồn nước ngầm chủ yếu là do việc mở rộng hiện đại hóa nông nghiệp tưới tiêu, các trang trại và thành phố sử dụng nước ngầm trong giai đoạn hạn hán. Lượng mưa và tuyết không đủ để bù đắp nguồn nước ngọt đã bị cạn kiệt.
Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, mức nước thấp đang gây áp lực lên nông dân và cộng đồng, dẫn đến nạn đói, xung đột, nghèo đói và nguy cơ bệnh tật khi mọi người phải sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm (contaminated water sources).
Sự suy giảm nước ngọt toàn cầu đã bắt đầu với đợt hạn hán ở miền bắc và miền trung Brazil, sau đó được ghi nhận tại Úc, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Phi, theo báo cáo nghiên cứu.
Matthew Rodell, một nhà thủy học tại Trung tâm Bay Không gian Goddard của NASA, cho biết: “Chúng tôi không nghĩ đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên, và điều này có thể là dấu hiệu báo trước (harbinger) những gì sắp xảy ra.”
Một nghiên cứu khác của trang watercommission.org chỉ ra rằng việc sử dụng đất mang tính chất hủy hoại và quản lý tài nguyên nước kém đã khiến 3 tỷ người đối mặt với “áp lực chưa từng có” lên hệ thống nước của họ.
Michael Bosilovich, nhà khí tượng học tại NASA Goddard, giải thích rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu làm gia tăng hơi nước trong khí quyển, dẫn đến lượng mưa cực đoan nhiều hơn. Mặc dù tổng lượng mưa và tuyết hàng năm có thể không thay đổi đáng kể, nhưng khoảng cách dài (long gap) giữa các đợt mưa lớn khiến đất khô và trở nên nén chặt hơn, làm giảm lượng nước mà đất có thể hấp thụ khi trời mưa.
Bosilovich lưu ý rằng lượng nước đã duy trì ở mức thấp kể từ hiện tượng El Niño năm 2014-2016, trong khi một lượng lớn nước bị giữ lại trong khí quyển dưới dạng hơi nước. Ông nói thêm: “Nhiệt độ tăng làm gia tăng cả sự bốc hơi nước từ bề mặt lên khí quyển và khả năng giữ nước của khí quyển, làm tăng tần suất và cường độ của tình trạng hạn hán.”