Môi trường

Mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của các ông lớn công nghệ có vẻ viển vông

Các cam kết khí hậu của những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới về việc nhanh chóng đạt mức phát thải carbon trung hòa đang ngày càng mất uy tín, khi họ tiêu thụ nhiều năng lượng hơn bao giờ hết trong cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và xây dựng trung tâm dữ liệu – các nhà nghiên cứu cảnh báo.

Apple, Google và Meta từng tuyên bố sẽ không còn thải CO₂ vào khí quyển vào năm 2030, trong khi Amazon đặt mục tiêu vào năm 2040. Microsoft thậm chí hứa sẽ đạt mức “phát thải âm” – tức là hút CO₂ ra khỏi không khí – trước cuối thập kỷ này.

Tuy nhiên, những lời hứa đó – được đưa ra trước khi AI bùng nổ và thay đổi toàn bộ ngành công nghệ – nay đang bắt đầu giống như điều viển vông, ngay cả khi các công ty vẫn tiếp tục cam kết thực hiện, theo các nhà phân tích độc lập.

“Các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của các công ty công nghệ dường như đã mất đi ý nghĩa,” Thomas Hay, tác giả chính của một báo cáo do hai tổ chức nghiên cứu Carbon Market Watch và NewClimate Institute thực hiện, nói với AFP.

“Nếu mức tiêu thụ năng lượng tiếp tục tăng mà không được kiểm soát và giám sát chặt chẽ,” ông nói thêm, “thì những mục tiêu này gần như sẽ không thể đạt được.”

Phân tích chuyên sâu cho thấy chiến lược khí hậu của Meta, Microsoft và Amazon được đánh giá là “kém”, trong khi Apple và Google chỉ được đánh giá “trung bình”.

Về chất lượng các mục tiêu cắt giảm phát thải, Meta và Amazon bị xếp loại “rất kém”, còn Google và Microsoft là “kém”. Chỉ có Apple đạt mức cao hơn.

Dấu chân carbon ngày càng rõ nét của năm gã khổng lồ công nghệ chủ yếu đến từ việc mở rộng AI với tốc độ chóng mặt, vốn đòi hỏi một lượng năng lượng khổng lồ để huấn luyện và vận hành.

Báo cáo cho thấy mức tiêu thụ điện – và lượng khí CO₂ đi kèm – đã tăng gấp đôi ở một số công ty trong vòng 3-4 năm qua, và thậm chí gấp ba ở những công ty khác.

Tình hình này không chỉ giới hạn ở vài tập đoàn: tổng lượng phát thải của 200 công ty công nghệ thông tin hàng đầu thế giới năm 2023 lên tới gần 300 triệu tấn CO₂, và nếu tính cả phát thải từ người dùng cuối, con số này gần gấp năm lần, theo Liên minh Viễn thông Quốc tế của LHQ (ITU).

Nếu coi ngành công nghệ như một quốc gia, thì đây sẽ là nước xếp thứ 5 thế giới về lượng phát thải khí nhà kính, đứng trên cả Brazil.

Tiêu thụ điện cho các trung tâm dữ liệu đã tăng trung bình 12% mỗi năm từ 2017 đến 2024, và được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Nếu toàn bộ điện năng đó đến từ năng lượng mặt trời và gió thì lượng CO₂ sẽ không tăng. Nhưng bất chấp các kế hoạch tham vọng về sử dụng năng lượng tái tạo, phần lớn điện năng mà các công ty sử dụng vẫn chưa thực sự “xanh”.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng khoảng 50% công suất điện toán của các trung tâm dữ liệu do các công ty công nghệ vận hành đến từ các nhà thầu phụ, nhưng nhiều công ty không tính phát thải từ các đối tác này vào tổng lượng phát thải.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với chuỗi cung ứng hạ tầng và thiết bị, vốn chiếm ít nhất một phần ba lượng phát thải carbon của ngành công nghệ.

“Ngành này đầu tư rất nhiều vào năng lượng tái tạo, nhưng nhìn chung vẫn không bù đắp nổi cơn khát điện đang tăng nhanh,” tác giả báo cáo Thomas Hay nhận định.

Báo cáo cho biết, trong bối cảnh AI được xem là động lực tăng trưởng kinh tế và là ưu tiên trong chính sách công nghiệp, khó có khả năng chính phủ các nước sẽ kiềm chế đà mở rộng của lĩnh vực này.

“Cho đến nay, làn sóng AI phát triển gần như hoàn toàn không bị điều tiết,” Hay nói.

“Các công ty có thể và sẽ cần làm nhiều điều để hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0, đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai,” ông nói thêm.

“Tuy nhiên, đối với những quyết định thực sự có thể hạn chế mô hình tăng trưởng kinh doanh, thì chúng tôi không thấy có dấu hiệu nào cho thấy các công ty sẽ làm nếu không có sự can thiệp của các cơ quan quản lý.”

Báo cáo cũng đưa ra một số giải pháp giúp ngành công nghệ giảm dấu chân carbon, dù vẫn tiếp tục phát triển AI. Các giải pháp này gồm đảm bảo tất cả các trung tâm dữ liệu – cả của công ty và của đối tác thứ ba – chạy hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo là điều thiết yếu; kéo dài tuổi thọ thiết bị, và tăng cường sử dụng linh kiện tái chế trong sản xuất phần cứng sẽ tạo ra khác biệt lớn; và cuối cùng, phương pháp tính toán mục tiêu giảm phát thải hiện nay đã lỗi thời và cần được cập nhật.


AI đang khiến mức tiêu thụ năng lượng của ngành công nghệ tăng chóng mặt – kéo theo lượng phát thải CO₂ ngày càng lớn. Ảnh: AFP

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts