Chính quyền Mỹ đang chuẩn bị chấm dứt các nghiên cứu liên bang về ô nhiễm do vệ tinh và tên lửa gây ra — bao gồm cả một phần do các công ty không gian của Elon Musk gây nên — làm dấy lên lo ngại về xung đột lợi ích liên quan đến tỷ phú sở hữu SpaceX và Starlink.

Tình trạng ô nhiễm này dường như đang tích tụ ở tầng bình lưu với mức độ đáng báo động. Một số chuyên gia lo sợ điều này có thể phá hủy tầng ozone, khiến con người phải đối mặt với mức bức xạ cực tím cao hơn hoặc góp phần làm khí hậu Trái đất thêm bất ổn trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu.

Theo các chuyên gia, hai dự án nghiên cứu nếu không bị chấm dứt có thể dẫn đến các quy định mới, phát sinh chi phí hoặc gây trở ngại về mặt hậu cần cho các công ty của Musk và cả ngành công nghiệp không gian thương mại.

Các dự án này thuộc Văn phòng Nghiên cứu Khí quyển của Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), cơ quan mà chính quyền Trump hiện đang đề xuất loại bỏ. Chính quyền cho biết đây là một phần trong nỗ lực “loại bỏ sự ủng hộ của chính phủ liên bang đối với hệ tư tưởng cực đoan (woke)”, nhưng các nhà phê bình cho rằng thực chất là để bảo vệ một nhà tài trợ và đồng minh chính trị thân cận.

“Rõ ràng đây là một động thái mang động cơ chính trị, và lợi ích kinh doanh của Elon Musk có liên quan trực tiếp đến công việc của NOAA,” ông Tim Whitehouse, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Công chức vì Trách nhiệm Môi trường (PEER), cho biết. Tổ chức này đã đệ đơn yêu cầu công khai email liên quan đến các dự án theo Đạo luật Tự do Thông tin.

Whitehouse nói thêm: “Đây là những chương trình mà chính phủ từng có ý định phát triển, nhận được sự ủng hộ lưỡng đảng, nhưng đột nhiên lại bị cắt bỏ không lý do, không có lời giải thích thỏa đáng nào cả.”

Khoảng 7.000 vệ tinh Starlink hiện cung cấp Internet băng thông rộng cho khách hàng ở vùng nông thôn, nơi không thể tiếp cận dịch vụ khác. Hệ thống này cũng cung cấp thông tin liên lạc và truy cập Internet cho chính phủ và quân đội.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, chính quyền Trump đã trao cho Musk vai trò lãnh đạo “Bộ Hiệu quả Chính phủ” (DOGE), đơn vị phụ trách cắt giảm chi tiêu và nhân sự liên bang nhằm tiết kiệm ngân sách. Vai trò này gây tranh cãi bởi Musk có thể hưởng lợi từ một số chương trình bị cắt giảm.

Cuối năm 2023, một nghiên cứu do NOAA tài trợ phát hiện các kim loại từ tàu vũ trụ bốc hơi khi quay trở lại khí quyển đang tích tụ trong tầng bình lưu. Các chuyến bay đo đạc tầng bình lưu dự kiến diễn ra vào tháng 2 nhằm tiếp tục nghiên cứu này cũng đã bị ngưng lại. Một hội thảo quy tụ nhiều cơ quan vũ trụ và các công ty tư nhân nhằm đánh giá mức độ ô nhiễm và tìm giải pháp cũng đang đối mặt nguy cơ bị hủy bỏ.

Cựu quan chức NOAA cho biết cả hai dự án đều đã bị trì hoãn do tình trạng đóng băng ngân sách từ đầu nhiệm kỳ, trước khi các khoản cắt giảm diện rộng của NOAA chính thức nhắm tới chúng.

NOAA và Starlink hiện chưa đưa ra bình luận nào.

Hiện tại, phần lớn ô nhiễm được cho là đến từ các “chòm sao siêu vệ tinh” của Starlink và Amazon, cung cấp Internet bằng khoảng 10.000 vệ tinh. Dự kiến trong vòng 10 năm tới, có thể sẽ có tới 100.000 vệ tinh hoạt động quanh quỹ đạo Trái đất khi cuộc đua vệ tinh giữa các quốc gia tăng tốc.

Tàu vũ trụ gây ô nhiễm cả khi phóng lên lẫn lúc rơi xuống. Khi phóng, chúng thải ra nhiều loại khí như carbon đen, oxit nitơ, monoxide carbon, oxit nhôm, khí clo, và cả thủy ngân khi ở quỹ đạo. Khi ngừng hoạt động sau 5–15 năm, vệ tinh sẽ bốc hơi và thải kim loại vào tầng bình lưu — một khu vực cực kỳ nhạy cảm và hiện chúng ta rất ít hiểu biết về hậu quả.

Với việc những kế hoạch đầu tiên nhằm tìm ra câu trả lời bị hủy bỏ, Musk và Jeff Bezos (Amazon) về cơ bản đang nắm trong tay “sức khỏe” của tầng bình lưu.

Nhôm đặc biệt đáng lo ngại vì có thể làm suy thoái bầu khí quyển và gây nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, sự gia tăng nhôm cũng có thể làm mát tầng bình lưu và bề mặt Trái đất vì nó phản xạ bức xạ Mặt trời. Mặc dù điều này nghe có vẻ tích cực, nhưng đi kèm là những rủi ro lớn, theo nhà vật lý thiên văn và cố vấn ngành công nghiệp John Barentine.

“Khí hậu là một hệ thống cực kỳ phức tạp, và khi bạn làm rối loạn hệ thống đó một cách đột ngột, bạn có nguy cơ tạo ra hỗn loạn,” ông nói.

Các nghiên cứu riêng biệt công bố năm 2022 đã cảnh báo về ô nhiễm do phóng tên lửa. Các chất ô nhiễm từ tên lửa nóng gấp 500 lần so với bồ hóng từ máy bay. Nếu tốc độ phóng tăng như dự báo, nhiệt độ tầng bình lưu có thể tăng thêm 2°C, làm suy thoái tầng ozone ở phần lớn Bắc bán cầu.


Hình ảnh minh họa về khoảng 12.000 vật thể đang quay quanh Trái Đất. Ảnh: AFP

 

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts