Fujitsu và Viện Riken đẩy mạnh phát triển máy tính lượng tử

Fujitsu Ltd và Viện nghiên cứu Riken – tổ chức được chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn – đã cùng phát triển một máy tính lượng tử siêu dẫn sử dụng 256 bit lượng tử (qubit) và đặt mục tiêu ra mắt một máy tính tiên tiến hơn với 1.000 qubit trong vòng hai năm tới.

Dựa trên nguyên mẫu 64 qubit ra mắt năm 2023, hệ thống mới này sẽ được cung cấp cho các bên khác từ tháng 6, Fujitsu và Riken cho biết cuối tháng trước.

Máy tính lượng tử dễ gặp lỗi khi có những tác động từ môi trường xung quanh, nên việc cải thiện công nghệ sửa lỗi vẫn là một thách thức lớn. Công nghệ này có thể được nâng cấp bằng cách tăng số lượng qubit.

“Để phát triển một máy tính lượng tử có khả năng tính toán quy mô lớn với khả năng sửa lỗi đầy đủ, cần đến vài triệu qubit,” ông Keiichi Fukagaya, quản lý bộ phận xúc tiến khoa học toán học, tính toán và thông tin của Riken cho biết.

“Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển máy tính 1.000 qubit vào năm tài chính 2026 như bước tiếp theo,” ông Shintaro Sato, người đứng đầu phòng thí nghiệm lượng tử tại Fujitsu nói.

Theo hãng công nghệ IBM, công nghệ lượng tử có thể giải quyết các vấn đề phức tạp mà siêu máy tính hiện nay không thể xử lý, hoặc xử lý không đủ nhanh. Những bài toán mà máy tính cổ điển cần hàng ngàn năm mới giải xong có thể được giải quyết chỉ trong vài phút bằng máy tính lượng tử, IBM cho biết.

Cuộc cạnh tranh phát triển công nghệ này giữa các quốc gia đang ngày càng gay gắt, do máy tính lượng tử được kỳ vọng sẽ được ứng dụng rộng rãi trong tài chính, dược phẩm và nhiều lĩnh vực khác.


Máy tính lượng tử siêu dẫn 256 qubit vừa được phát triển. Ảnh: Fujitsu

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts