ISC Hậu Giang: Lập trình Backend và Frontend, lớp học đặc biệt đưa sinh viên vào việc thật

Một chương trình huấn luyện công nghệ thông tin kéo dài 12 tuần, kết hợp giữa học lý thuyết, làm đồ án thực tế và phỏng vấn tuyển dụng ngay tại lớp học, vừa kết thúc tại Trung tâm Ươm tạo Công nghệ & Hỗ trợ Đổi mới Sáng tạo (ISC) ở Hậu Giang. Khóa học mang tính tiên phong này không chỉ mang đến cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mà còn cho thấy một mô hình đào tạo công nghệ sát thực tế có thể nhân rộng.

Học lập trình qua dự án thật

Chương trình huấn luyện lập trình Backend và Frontend này do ISC Hậu Giang phối hợp cùng Công ty Alta Software và Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Cần Thơ tổ chức, dành cho sinh viên và người trẻ đam mê công nghệ tại khu vực ĐBSCL.

Khóa học kéo dài 12 tuần, với nội dung được thiết kế theo chuẩn doanh nghiệp: học online trong tuần và học trực tiếp mỗi sáng thứ Bảy tại ISC Hậu Giang, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch điều hành ISC Hậu Giang chia sẻ tại buổi tổng kết thứ Bảy tuần qua (ngày 12/4).

Khi bắt đầu khóa học, có 130 sinh viên đăng ký tham gia, và sau khi trải qua bài tuyển chọn có 97 sinh viên đủ điều kiện. Từ tuần thứ 8 của chương trình học, còn lại 48 sinh viên tham gia đến ngày hôm nay. Các sinh viên khác không tiếp tục tham gia vì nhiều lý do như đã tìm được việc làm, không đáp ứng yêu cầu và thời gian học, ông Long cho biết.

“Hôm nay, 48 sinh viên của chúng ta sẽ chia thành 2 Báo cáo đồ án trên 1 dự án, trong đó mỗi báo cáo có từ 5 -7 bạn thực hiện. Sau phần báo cáo này, ban giám khảo sẽ đánh giá các bạn có đủ điều kiện hoàn thành khoá huấn luyện này hay không,” ông Long nói tại buổi tổng kết.

Điểm nổi bật của chương trình là các dự án học tập đều được lấy từ yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, cụ thể là chuyển giao trực tiếp từ Alta Software. Sinh viên không học từng phần nhỏ lẻ, mà làm việc theo nhóm, thực hiện toàn bộ một sản phẩm phần mềm theo quy trình Agile.

Ông Long cũng cho biết sau phần báo cáo đồ án, ISC Hậu Giang cùng các đối tác sẽ tổ chức lễ tốt nghiệp cho các sinh viên đạt yêu cầu, đồng thời tiến hành khai giảng khóa 2.

“Vào thứ 7 tuần này, tức ngày 19/4/2025, ISC Hậu Giang và các đối tác sẽ triển khai tốt nghiệp khoá 1 và khai giảng khoá huấn luyện thứ 2 về lập trình frontend và backend. Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ có thêm chương trình đào tạo ngoại ngữ và chuyên ngành trong lĩnh vực BPO (gia công quy trình kinh doanh) nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại ISC Hậu Giang,” ông Long nói.

Ngay sau phần bảo vệ đồ án, sáu doanh nghiệp công nghệ đã tiến hành phỏng vấn sinh viên ngay tại lớp học. Những sinh viên vượt qua vòng đánh giá sẽ được nhận vào làm việc tại chính những công ty đang hoạt động tại ISC Hậu Giang hoặc đối tác tại TP.HCM và Cần Thơ.

Mở ra mô hình mới cho đào tạo công nghệ vùng ĐBSCL

Đây không phải là lớp học đại trà. Như đã trình bày ở trên, trong 130 hồ sơ đăng ký, chỉ có 97 người vượt qua vòng sàng lọc ban đầu. Học đến tuần thứ tám, chỉ còn 48 bạn tiếp tục – con số tuy nhỏ nhưng là những người thật sự kiên trì.

Tuy là khoá huấn luyện chuyên ngành CNTT nhưng các học viên đã được bổ sung rất nhiều kiến thức, kỹ năng như xin việc làm, viết email, trình bày, … đây là những kỹ năng rất cần thiết cho tương lai. “Giỏi chuyên môn chưa hẳn sẽ thành công nếu thiếu bộ kỹ năng này. Đặc biệt, thông qua khoá huấn luyện này, các bạn sinh viên sẽ nhận thức nhiều hơn về tinh thần kỷ luật trong công việc,” ông Long nhận xét.

Khóa học vừa kết thúc là chương trình thí điểm đầu tiên trong chuỗi huấn luyện nghề công nghệ do ISC phối hợp cùng các doanh nghiệp công nghệ thực hiện tại Hậu Giang.

Dù đóng vai trò tổ chức, ISC không là trung tâm đào tạo theo mô hình truyền thống. Thay vào đó, đây là nơi kết nối các doanh nghiệp, trường học, sinh viên và địa phương – làm cầu nối giữa cung và cầu của ngành công nghệ.

Chính vì vậy, sau thành công của khóa đầu tiên, ISC và các đối tác đã lên kế hoạch mở rộng mô hình: khóa học thứ hai sẽ khai giảng vào ngày 19-4 tới với quy mô lớn hơn. Trong năm 2025, khoảng 500 sinh viên từ Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long sẽ được huấn luyện theo mô hình tương tự.

Ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hậu Giang, đánh giá cao ý nghĩa của khóa học: “Đây là chương trình đầu tiên kết hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, không chỉ cho Hậu Giang mà cho cả ĐBSCL, theo định hướng của Trung ương cũng như địa phương trong việc thúc đẩy chuyển đổi số.”

Ông Tâm cũng nhấn mạnh với các học viên rằng công nghệ thông tin vẫn là một lĩnh vực nóng. “Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang phát triển rất mạnh nhưng không thể thay thế con người, nhất là ở tính sáng tạo,” ông nhận xét.

Khóa học được hỗ trợ một phần từ Chương trình LVTECH-Saigon Times Foundation, với mục tiêu đào tạo tại chỗ, giữ chân nhân lực tại chỗ và từng bước nâng cao mặt bằng công nghệ của toàn khu vực. Các đối tác của chương trình gồm FPT Politechnic Cần Thơ, Alta Software, VNFOCUS Communications Corporation.


Học viên nhận chứng chỉ tại khóa 1-chương trình lập trình Backend và Frontend vừa kết thúc vào ngày 12-4-2025


Ông Lâm Nguyễn Hải Long (trái), Chủ tịch điều hành ISC Hậu Giang trao giấy chứng nhận cho 5 hoc viên trong số 48 hoc viên đạt yêu cầu của khóa 1-chương trình lập trình Backend và Frontend  vừa kết thúc vào ngày 12-4-2025


DIGI-TEXX Việt Nam tại ISC Hậu Giang, một doanh nghiệp về chuyển đổi số và BPO hàng đầu tại Việt Nam. DIGI-TEXX Việt Nam có vốn đầu tư từ Đức được thành lập từ năm 2003 và đã nhiều lần nhận được các giải thưởng về công nghệ thông tin uy tín trong nước.

ISC Hậu Giang: Mạnh mẽ từ những bước đầu tiên


Các đối tác (Công ty Alta Software, Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Cần Thơ, DIGI TEXX, 689 Clound, STEAMZONE)  và giáo viên dạy chương trình lập trình Backend và Frontend tại ISC Hậu Giang ngày 12-4-2025

Vào tháng 10/2023, tức cách đây 18 tháng, ISC Hậu Giang chính thức nhận được giấy phép xây dựng trong khu công nghệ số Hậu Giang. Với những nỗ lực bền bỉ, ISC đã đưa các công trình hoạt động theo mô hình cuốn chiếu, làm đến đâu, hoạt động đến đó. Mục tiêu của ISC Hậu Giang là tập trung đầu tư và thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT, argitech và giáo dục STEM.

Tính đến nay, ISC Hậu Giang đã hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đưa vào sử dụng 4.500m2 văn phòng, có 8 doanh nghiệp công nghệ và khoảng 350 nhân viên làm việc toàn thời gian.

ISC Hậu Giang được thiết kế theo tiêu chuẩn Xanh và Thông minh. Cụ thể, với tiêu chuẩn Thông minh, ISC Hậu Giang đã thiết lập hệ thống cảm biến về không khí, nước cấp, nước thải, điện năng, nuôi cá thử nghiệm. “Chúng tôi đang thử nghiệm đồng hồ nước thông minh, hệ thống camera AI, hệ thống giám sát tiêu thụ điện năng, cảm biến nhiệt, … tất cả các cảm biến này sẽ được tích hợp vào một platform và sẽ ra mắt vào cuối tháng 4 này,” ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch điều hành ISC, chia sẻ tại buổi tổng kết khóa học nêu trên.

Trong khi đó, với tiêu chuẩn xanh, các công trình xây dựng tại ISC Hậu Giang được thiết kế theo tiêu chuẩn gọn nhẹ, hạn chế tác động môi trường như ưu tiên sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời, toàn bộ hệ thống nước thải được lọc và tái sử dụng cho tưới tiêu. Bên cạnh đó, trong tháng 4 này ISC Hậu Giang sẽ đưa mô hình xử lý rác thải hữu cơ bằng nấm, tạo thức ăn chăn nuôi và phân bón từ ruồi lính đen…

Về xây dựng cơ sở vật chất, từ nay đến cuối năm, ISC Hậu Giang sẽ cố gắng có thêm 1 – 2 toà nhà văn phòng với quy mô khoảng 3000m2. Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang vừa công bố đầu tư 400 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở vật chất cho ISC Hậu Giang để biến Khu công nghệ số Hậu Giang thành một nơi không chỉ thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ mà còn cung cấp các giải pháp, mô hình công nghệ cho cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

 

1 COMMENTS

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts