
Cam kết lòng nhân ái-GIVING PLEDGE: 15 năm vẫn có ý nghĩa
Warren Buffett cùng Bill và Melinda Gates đã cùng nhau thành lập Giving Pledge vào năm 2010 nhằm khuyến khích những người siêu giàu công khai cam kết quyên góp phần lớn tài sản của họ cho các hoạt động từ thiện. Mười lăm năm sau, Buffett đã 94 tuổi, vợ chồng Gates đã ly hôn, và số người tham gia mới đang giảm dần. Tuy nhiên, Giving Pledge vẫn có những “tín đồ” nhiệt thành của mình.
Marie Dageville, một cựu y tá chăm sóc người hấp hối ở khu vực Vịnh San Francisco, thừa nhận cô hoàn toàn không biết gì về hoạt động từ thiện – cho đến năm 2020. Đó là bước ngoặt: vào tháng 9 năm đó, công ty phần mềm Snowflake – nơi chồng cô là Benoit Dageville là đồng sáng lập – lên sàn chứng khoán. Giá cổ phiếu tăng vọt, và cặp đôi này ngay lập tức trở thành tỷ phú. Không lâu sau đó, Marie, 58 tuổi, quyết định trở thành một nhà từ thiện toàn thời gian, với mục tiêu phân phối phần tài sản khổng lồ đột ngột có được vào các mục đích mà gia đình cô quan tâm. “Điều quan trọng nhất với tôi là hành động nhanh,” cô chia sẻ với Forbes. “Tôi cảm thấy sự cấp bách là ngay bây giờ. Không phải 10 năm nữa hay thậm chí hai năm nữa,” cô nói, đồng thời bày tỏ lo ngại về các mối đe dọa đến khí hậu Trái đất và việc cắt giảm viện trợ nước ngoài cho bệnh nhân HIV.
Giving Pledge đã trở thành một diễn đàn cởi mở cho hình thức từ thiện hợp tác mà Dageville ưu tiên. Sáng kiến mới nhất của cô – công bố vào thứ Hai (28-4) – có tên The Beginnings Fund, là cam kết trị giá 500 triệu đô la trong 5 năm, hợp tác với Quỹ Gates, Quỹ Mohamed bin Zayed vì Nhân đạo của UAE, và một số nhà tài trợ khác, nhằm ngăn chặn 300.000 ca tử vong của trẻ sơ sinh và bà mẹ có thể tránh được tại khu vực châu Phi cận Sahara, phối hợp cùng các bộ y tế của các nước.
Nhân dịp Giving Pledge sắp tròn 15 năm, Forbes đã phỏng vấn Dageville và bốn thành viên khác của sáng kiến này để tìm hiểu vì sao họ tham gia, những gì họ đã học được, và điều họ mong muốn sẽ diễn ra tiếp theo. Từ khi Giving Pledge ra mắt vào tháng 8 năm 2010 với 40 thành viên – bao gồm nhiều cặp vợ chồng – hiện đã có 245 người ký cam kết. Ban đầu là một nhóm các nhà từ thiện Mỹ, giờ đây tổ chức này có thành viên từ 30 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn dành cho tất cả mọi người. 245 người ký cam kết chỉ chiếm khoảng 8% trong tổng số 3.028 tỷ phú trên danh sách thường niên mới cập nhật của Forbes.
Trong những năm gần đây, sức hút của việc tham gia cam kết dường như đang suy giảm, đặc biệt trong bối cảnh số lượng tỷ phú trên thế giới liên tục tăng. Trong khi giai đoạn trước, mỗi năm Giving Pledge công bố từ 13 đến 19 thành viên mới, thì chỉ có 7 người tham gia năm 2023 và 4 người năm 2024. Những thành viên mới của năm nay sẽ được công bố vào cuối tháng Năm.
Giving Pledge, một tổ chức độc lập vận hành như một chi nhánh của Quỹ Gates, duy trì sự cân bằng mong manh giữa việc khuyến khích hoạt động từ thiện và việc bảo vệ quyền riêng tư của các thành viên siêu giàu – cho phép họ đóng góp khi nào và theo cách nào họ muốn. Ví dụ, không có cách nào để biết chính xác tổng số tiền từ thiện mà các thành viên đã đóng góp cho đến nay. Cũng không rõ có bao nhiêu người – trong đó có hơn 17 người đã qua đời – thực sự thực hiện cam kết trao tặng một nửa tài sản của họ khi còn sống hoặc trong di chúc.
Cara Bradley, phó giám đốc phụ trách từ thiện của người siêu giàu tại Quỹ Gates – người hỗ trợ sáng kiến Giving Pledge – cho biết có ba nhà tài trợ quá cố đã thực hiện cam kết: Chuck Feeney – đồng sáng lập chuỗi cửa hàng miễn thuế Duty Free Shoppers, người truyền cảm hứng cho Giving Pledge và đã hoàn thành mục tiêu này trước cả khi nó ra đời; doanh nhân hóa chất Jon M. Huntsman và gia đình ông; cùng Lorry Lokey – người sáng lập Business Wire.
Kể từ khi sáng kiến được thành lập, mối quan hệ giữa ba người sáng lập đã thay đổi đáng kể. Melinda French Gates và Bill Gates ly hôn vào năm 2021. Bà French Gates vẫn giữ vai trò đồng chủ tịch Quỹ Bill và Melinda Gates cho đến tháng 6 năm 2024 (quỹ này sau đó đổi tên thành Quỹ Gates), và hiện tập trung vào các nỗ lực từ thiện và vận động riêng, ủng hộ phụ nữ và trẻ em gái tại Mỹ và toàn cầu, đồng thời vẫn giữ liên hệ với Giving Pledge. Buffett – người sẽ tròn 95 tuổi vào tháng 8 – không còn tham dự các cuộc họp thường niên của Giving Pledge những năm gần đây. Điều này có thể là do ông được cho là có bất hòa với Bill Gates hoặc đơn giản là vì tuổi cao sức yếu.
Những người được Forbes phỏng vấn cho bài viết này cho biết ban đầu họ cũng đắn đo về việc tham gia Giving Pledge. “Chúng tôi đã quen biết Bill [Gates] một thời gian và đã thảo luận về việc này, nhưng chúng tôi vẫn còn lưỡng lự,” Rohini Nilekani – cựu nhà báo và là vợ của tỷ phú công nghệ Ấn Độ Nandan Nilekani – nhớ lại. “Khi tham gia là bạn đang nói rằng ‘Tôi rất giàu có và tôi sẽ làm điều vĩ đại này.’” Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ kỹ, vợ chồng Nilekani nhận thấy việc tham gia mang một ý nghĩa tích cực. “Việc tạo ra của cải chỉ thực sự có ích cho Ấn Độ khi những người giàu hành xử có trách nhiệm và trở thành người quản lý tài sản của mình,” Rohini Nilekani giải thích.
Các thành viên Giving Pledge quyên góp cho nhiều mục đích khác nhau – từ tiêm chủng cho trẻ em và điều trị sốt rét cho đến giáo dục mầm non. Dưới đây là thông tin tổng quan về năm thành viên đã chia sẻ với Forbes và các hoạt động từ thiện của họ.
Bill và Joyce Cummings (Quốc tịch: Hoa Kỳ) có giá trị tài sản ròng là 1 tỷ USD và tham gia Giving Pledge vào năm 2011. Lĩnh vực đóng góp: Giáo dục đại học, các tổ chức phi lợi nhuận tại khu vực Boston.
Bill, người gây dựng khối tài sản từ công ty bất động sản thương mại Cummings Properties tại khu vực Boston, đã cùng vợ là Joyce quyên tặng một số tòa nhà của họ cho Quỹ Cummings Foundation. Hai người này cũng thành lập các trung tâm nhà ở phi lợi nhuận dành cho người cao tuổi tại khu vực Boston. Họ còn tài trợ cho nhiều trường đại học và cao đẳng trong vùng, bao gồm Trường Thú y Cummings thuộc Đại học Tufts; Trường Điều dưỡng Cummings tại Cao đẳng Endicott; và Học viện Công nghệ Franklin Cummings.
Về lý do tham gia cam kết, Joyce chia sẻ: “Chúng tôi từng làm từ thiện một cách âm thầm, nhưng sau một số lời khuyến khích, chúng tôi quyết định rằng có lẽ tốt hơn nếu công khai việc đóng góp – và điều đó có thể sẽ khuyến khích người khác làm theo.”
“Chúng tôi đã nói chuyện với Bill Gates và Warren Buffett về khả năng tham gia hỗ trợ tại Rwanda. Chúng tôi không biết nhiều về đất nước đó và đã xin lời khuyên từ họ liệu đây có phải là một điểm đến khả thi hay không.” Sau khi được đảm bảo rằng đó là một lựa chọn phù hợp, vợ chồng Cummings đã trở thành những nhà tài trợ lớn cho một trường đại học về khoa học sức khỏe tại Kigali – Đại học Bình đẳng Y tế Toàn cầu (University of Global Health Equity).
Joyce và Bill Cummings đến thăm và gặp gỡ các học sinh tại Làng Thanh thiếu niên Agahozo-Shalom, nơi được thành lập dành cho những trẻ mồ côi do nạn diệt chủng và AIDS ở Rwanda.
Marie và Benoit Dageville (song tịch Hoa Kỳ và Pháp), có giá trị tài sản ròng là 1,1 tỷ USD, và tham gia Giving Pledge năm 2023, với các lĩnh vực đóng góp gồm y tế toàn cầu, công bằng xã hội, công lý khí hậu.
Marie và Benoit cùng lớn lên tại Pháp, gặp nhau tại đó và chuyển đến Hoa Kỳ vào giữa những năm 1990; Benoit từng làm việc nhiều năm tại tập đoàn phần mềm Oracle trước khi đồng sáng lập công ty lưu trữ dữ liệu trên nền tảng đám mây Snowflake vào năm 2012. Hiện nay, Marie là một nhà hoạt động từ thiện toàn thời gian và điều hành tổ chức từ thiện của gia đình mang tên The Patchwork Collective, cùng với con trai họ là Cedric và con dâu Rachel. Gia đình họ thực hiện việc quyên góp thông qua một quỹ tư vấn tài trợ (donor-advised fund) và đã cấp phát khoảng 30 triệu USD mỗi năm.
“Với tôi, điều hoàn toàn thiết yếu là phải đồng hành với những người có hiểu biết về thế giới từ thiện và biết cần làm gì,” Marie Dageville nói. Khi được hỏi điều khiến bà lo ngại hiện nay, Marie nói: “Khủng hoảng khí hậu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn với những quyết định gần đây. Và việc cắt giảm viện trợ nước ngoài đang gây ra những tác động to lớn, thảm khốc đối với nhiều người.”
Marie Dageville
Badr Jafar và Razan Al Mubarak (Quốc tịch: Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – UAE), tham gia Giving Pledge năm 2019, với lĩnh vực đóng góp chính là hạ tầng từ thiện.
Cha của Jafar, ông Hamid Jafar, đã sáng lập Crescent Group tại UAE vào những năm 1970, khởi đầu là công ty dầu khí Crescent Petroleum. Badr Jafar hiện là Chủ tịch Crescent Enterprises, nhánh đầu tư và phát triển hạ tầng của tập đoàn gia đình. Vợ ông, bà Razan Al Mubarak, là Giám đốc Điều hành Cơ quan Môi trường Abu Dhabi. Không giống hầu hết các thành viên khác, Jafar cam kết sẽ công bố cập nhật về các hoạt động từ thiện của mình ba năm một lần trên trang web của Giving Pledge.
Một trong những sáng kiến mà Jafar và Al Mubarak đã khởi xướng là HasanaH (có nghĩa là “việc thiện” trong tiếng Ả Rập) – một nền tảng số do cộng đồng điều hành, nhằm tối đa hóa tác động của hoạt động từ thiện Hồi giáo. Ra mắt vào năm 2020, nền tảng này hiện đang hỗ trợ hơn 4.600 dự án đã được kiểm chứng tại hơn 140 quốc gia.
Về thách thức của hoạt động từ thiện tại Trung Đông, hai vợ chồng viết trong thư cam kết: “Quá nhiều hoạt động từ thiện ở khu vực chúng tôi diễn ra một cách biệt lập và âm thầm, tách rời và bí mật. Đó là lý do vì sao một trong những mục tiêu lớn hơn của chúng tôi khi tham gia cam kết này là khuyến khích các cuộc thảo luận cởi mở hơn, chia sẻ tri thức và hợp tác tích cực giữa các nhà từ thiện, doanh nghiệp và các tổ chức khu vực công.”
Jafar cho biết: “Tôi đã học hỏi rất nhiều từ các thành viên Giving Pledge khác, không chỉ về cách họ tổ chức hoạt động quyên góp, mà còn về hành trình cá nhân phía sau – điều gì hiệu quả, điều gì không, và lý do vì sao. Những cuộc trò chuyện đó cũng giúp tôi suy nghĩ về cách xây dựng điều gì đó bền vững mà các thế hệ tương lai có thể muốn tham gia.”
Badr Jafar (bên phải) trao giải thưởng về phát triển bền vững năm 2016 cho Thân vương xứ Wales — nay là Vua Charles III của Vương quốc Anh — tại Abu Dhabi.
Rohini và Nandan Nilekani (Quốc tịch: Ấn Độ) có giá trị tài sản ròng là 3 tỷ USD, và tham gia Giving Pledge năm 2017, với những lĩnh vực đóng góp gồm giáo dục, khí hậu & môi trường, giới, sức khỏe tâm thần
Nandan Nilekani là đồng sáng lập và chủ tịch của tập đoàn dịch vụ CNTT khổng lồ Infosys của Ấn Độ. Vợ ông, Rohini, từng là nhà báo, điều hành hoạt động từ thiện riêng. Cả hai cùng hỗ trợ quỹ EkStep, một nền tảng giáo dục dành cho việc cải thiện khả năng đọc viết và làm toán.
“Không sớm thì muộn, tôi nhận ra rằng sự giàu có đi kèm cả trách nhiệm lẫn cơ hội. Trách nhiệm của cải… đến từ một đất nước như Ấn Độ, là phải góp phần làm cho xã hội của bạn tốt đẹp hơn,” Rohini chia sẻ.
Nói về mối quan tâm hiện tại của mình, Rohini nói: “Tôi quan sát xem điều gì đang diễn ra trong xã hội, những vấn đề mới nào đang xuất hiện, đặc biệt là ở giới trẻ, chuyện gì đang xảy ra với sức khỏe tâm thần – nhất là sức khỏe tâm thần của người trẻ trong thời đại số. Làm thế nào để trang bị cho các tổ chức xã hội dân sự khả năng hoạt động hiệu quả trong kỷ nguyên số?”
Rohini Nilekani
Tahir (Quốc tịch: Indonesia) có giá trị tài sản ròng 5,1 tỷ USD, và tham gia giving Pledge năm 2013, với những lĩnh vực đóng góp gồm y tế, giáo dục, cứu trợ thiên tai
Tahir – người chỉ dùng một tên đơn – là nhà sáng lập tập đoàn Mayapada, hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng, y tế, bất động sản và truyền thông. Ông là người Indonesia duy nhất tham gia cam kết Giving Pledge. Xuất phát từ đức tin Cơ Đốc giáo, ông đã hỗ trợ người tị nạn và các nạn nhân thiên tai, thường hợp tác với Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR). Tahir cũng là một nhà tài trợ cho Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét.
Kể lại về hoạt động thiện nguyện cụ thể của mình, Tahir cho biết, sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan: “Hôm sau tôi gọi cho UNICEF. Tôi hỏi UNICEF, ‘Tôi có thể gửi tiền cho phụ nữ và trẻ em ở Afghanistan được không?’… Rồi tôi tặng 1 triệu USD cho UNICEF.”
“Tôi đã từng đến các trại tị nạn – đặc biệt là của người Syria, nơi có một trại tị nạn rất lớn ở Jordan – bốn lần. Có một lần, tôi thậm chí còn mừng sinh nhật của mình ngay tại đó.”
Tahir trong một chuyến thăm một trại tị nạn ở Jordan