
Cách Armenia đang cố gắng xây dựng một Thung lũng Silicon
Ở Armenia, giáo dục công nghệ bắt đầu từ rất sớm.
Tại một trường công ba tầng điển hình ở ngoại ô Yerevan, thủ đô của Armenia, cậu bé Slavik, 9 tuổi, đang trình diễn phát minh của mình – một hộp đèn với ba bóng LED.
“Cậu bé đã học cách điều khiển thiết bị và ngôn ngữ lập trình. Các bạn có thể thấy đoạn mã do chính em ấy viết,” Maria, huấn luyện viên công nghệ 21 tuổi phụ trách lớp học, cho biết.
Ngay bên cạnh, hai học sinh 14 tuổi Eric và Narek đang giới thiệu mô hình nhà kính thông minh, có thể giám sát nhiệt độ và tự động điều khiển quạt thông qua một ứng dụng di động.
Nhiều em nhỏ khác cũng hào hứng trình bày các sản phẩm sáng tạo của mình: trò chơi, robot, ứng dụng và các dự án nhà thông minh.
Cậu bé 11 tuổi Arakel đang cầm trên tay mô hình ngôi nhà bằng bìa cứng với hệ thống dây phơi quần áo tự động.
“Cháu đã giúp mẹ bớt vất vả hơn. Một phần thiết bị được gắn trên mái nhà, phần còn lại là một động cơ,” Arakel giải thích. “Khi trời mưa, dây phơi sẽ tự động thu vào dưới mái để giữ quần áo khô.”
Những nhà phát minh trẻ này đang theo học các lớp thí nghiệm kỹ thuật, nơi các em học lập trình, robot, mã hóa, mô hình hóa 3D và nhiều kỹ năng khác.
Chương trình bắt đầu từ năm 2014 và được gọi là Armath, nghĩa là “gốc rễ” trong tiếng Anh. Hiện nay, đã có 650 phòng thí nghiệm Armath tại các trường học khắp Armenia.
Sáng kiến này được thành lập bởi một tổ chức doanh nghiệp mang tên Liên minh Các Doanh nghiệp Công nghệ Tiên tiến (UATE), đại diện cho hơn 200 công ty công nghệ cao của Armenia.
“Tầm nhìn của chúng tôi là biến Armenia thành một trung tâm công nghệ hùng mạnh, mang lại giá trị to lớn cho Armenia và cho thế giới,” ông Sarkis Karapetyan, Giám đốc điều hành UATE, chia sẻ.
Trong văn phòng rộng rãi và thiết kế mở tại Yerevan, ông cho biết hiện nay có khoảng 4.000 công ty công nghệ đang hoạt động ở Armenia.
Armath là một phần của chương trình giáo dục và phát triển lực lượng lao động của UATE. Ông Karapetyan cho biết đây là sự hợp tác công – tư thành công nhất của đất nước.
“Chúng tôi huy động chi phí đầu tư từ khu vực tư nhân, đến các trường học để thành lập phòng lab Armath và tài trợ thiết bị,” ông nói. “Còn chính phủ, cụ thể là Bộ Giáo dục, cấp ngân sách 2 triệu USD mỗi năm để trả lương cho các huấn luyện viên.”
Hiện đã có hơn 600 huấn luyện viên và 17.000 học sinh đang theo học.
“Mục tiêu là mỗi năm có 5.000 em học sinh tài năng nhất được định hướng trở thành kỹ sư,” ông Karapetyan nhấn mạnh.
Armenia là quốc gia không giáp biển với 2,7 triệu dân, nhỏ nhất trong khu vực Nam Caucasus, và đã đóng cửa biên giới với Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ do tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết.
Khác với các nước láng giềng, Armenia không có tài nguyên thiên nhiên hay đường biển. Nhưng trong thời kỳ Liên Xô, nước này từng là trung tâm về toán học và khoa học máy tính.
Năm 1956, Viện Nghiên cứu Khoa học Máy tính Yerevan được thành lập và đến năm 1960 đã phát triển hai mẫu máy tính thế hệ đầu tiên.
Ngày nay, Armenia đang khai thác di sản này với tham vọng trở thành cường quốc công nghệ của vùng Caucasus.
Và đã có những thành công nhất định. Picsart, một ứng dụng và website chỉnh sửa ảnh, video dựa trên AI, ra đời tại Armenia năm 2011. Công ty hiện có trụ sở kép tại Yerevan và Miami, với mức định giá 1,5 tỷ USD.
Krisp, công ty sản xuất phần mềm xử lý âm thanh, và Service Titan, cung cấp phần mềm kinh doanh, cũng là những câu chuyện thành công khác của Armenia.
Một báo cáo thường niên cho thấy Armenia là quốc gia tốt nhất trong khu vực Caucasus để khởi nghiệp, đứng thứ 57 toàn cầu, so với Georgia (thứ 70) và Azerbaijan (thứ 80).
Một yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển công nghệ của Armenia là cộng đồng kiều bào trên toàn thế giới – khoảng 75% người Armenia và gốc Armenia sống ở nước ngoài. Cộng đồng này mang lại những kết nối quan trọng, đặc biệt trong ngành công nghệ Mỹ. Ở Mỹ có khoảng 1,6 triệu người gốc Armenia, tập trung chủ yếu ở bang California.
Ông Samvel Khachikyan, Giám đốc chương trình tại SmartGate, một công ty đầu tư mạo hiểm hoạt động ở cả California và Armenia chuyên về công nghệ, cho biết: “Nếu nhìn vào top 500 công ty lớn nhất Mỹ, chắc chắn bạn sẽ thấy ít nhất một hoặc hai người Armenia trong ban lãnh đạo hoặc ngay dưới cấp lãnh đạo.”
Ông Khachikyan mô tả cách SmartGate hỗ trợ các doanh nhân Armenia thiết lập hoạt động tại Mỹ.
“Hãy tưởng tượng một startup Armenia, hai bạn trẻ quyết định sang Mỹ khởi nghiệp mà không có bất kỳ mối quan hệ hay hiểu biết nào về văn hóa kinh doanh tại đây. Sẽ rất khó khăn, rất rất khó khăn. Chúng tôi giúp họ, giống như việc phóng tên lửa – vài giây đầu tiên là khó nhất.”
SmartGate đưa các nhà khởi nghiệp Armenia đến Silicon Valley và Los Angeles để tham gia các chương trình kết nối chuyên sâu với các công ty và nhà đầu tư hàng đầu Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều startup Armenia vẫn thử nghiệm sản phẩm tại thị trường trong nước trước.
Irina Ghazaryan là người sáng lập ứng dụng Dr Yan, thay đổi cách người Armenia tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng cách giúp bệnh nhân dễ dàng đặt lịch khám bác sĩ.
Trước đây làm việc trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm và web, Irina – với lợi thế sinh ra trong gia đình có nhiều bác sĩ – đã nhận ra lỗ hổng trên thị trường: “Bệnh nhân không thể tìm được bác sĩ phù hợp, còn các bác sĩ thì mệt mỏi vì những cuộc gọi bất tận.”
Ứng dụng hoạt động theo mô hình đăng ký, các bác sĩ trả phí để được xuất hiện trên nền tảng, và ứng dụng này hiện đang có kế hoạch mở rộng.
“Chúng tôi tăng trưởng doanh thu ít nhất 25% mỗi tháng,” Irina nói thêm. “Chúng tôi gần như đã hòa vốn ở Armenia, điều này giúp chúng tôi có thêm sức mạnh để mở rộng sang các thị trường khác như Uzbekistan.”
Hệ sinh thái công nghệ của Armenia đã nhận được cú hích bất ngờ vào năm 2022 sau khi Nga xâm lược Ukraine. Hàng nghìn chuyên gia IT Nga đã rời đất nước và nhiều người đã chọn định cư tại Armenia.
Tập đoàn sản xuất chip Mỹ Nvidia cũng đã chuyển văn phòng tại Nga sang Armenia.
Vasily, một chuyên gia tư vấn CNTT người Nga chuyển đến Armenia năm 2023, cho biết: “Armenia là quốc gia thân thiện nhất đối với người Nga trong việc hỗ trợ di chuyển và thích nghi.”
Anh ước tính cộng đồng IT Nga tại Armenia hiện có khoảng 5.000 đến 8.000 người. Sự nhập cư này đã giúp lấp đầy các khoảng trống kỹ năng quan trọng trong ngành công nghệ Armenia, như xử lý dữ liệu, an ninh mạng và công nghệ tài chính.
Tuy vậy, Vasily cũng lưu ý rằng Armenia khá đắt đỏ và cần giảm gánh nặng thuế cho các công ty IT nếu muốn họ gắn bó lâu dài.
Dù vậy, sự lạc quan chung về tương lai công nghệ của Armenia vẫn rất cao. Ông Samvel Khachikyan kỳ vọng lĩnh vực này sẽ bùng nổ, dẫn chứng bằng việc Service Titan – niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York tháng 12 năm ngoái – hiện được định giá hơn 10 tỷ USD.
Các bạn trẻ Armenia, như cậu bé Slavik 9 tuổi, đang tham gia các lớp học công nghệ. Ảnh: BBC
Irina Ghazaryan có kế hoạch mở rộng ứng dụng y tế Dr Yan ra thị trường quốc tế. Ảnh: BBC