
Tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-20 đến trạm không gian Thiên Cung
Ba phi hành gia Trung Quốc đã đến trạm không gian Thiên Cung vào thứ Năm trên tàu vũ trụ Thần Châu-20, chỉ vài giờ sau khi phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Jiuquan.
Theo Văn phòng Kỹ thuật Không gian có Người lái Trung Quốc (CMSEO), Thần Châu-20 đã cập cảng kết nối hướng xuyên tâm của mô-đun lõi Thiên Hà (Tianhe) thuộc trạm không gian Thiên Cung vào khoảng 11:49 sáng theo giờ miền Đông (10:49 tối thứ Năm giờ Việt Nam).
Tàu vũ trụ chở chỉ huy Chen Dong cùng hai đồng đội Chen Zhongrui và Wang Jie, được phóng bằng tên lửa Trường Chinh 2F lúc 5:17 sáng theo giờ miền Đông.
Trong vài ngày tới, ba phi hành gia sẽ tiếp quản trạm Thiên Cung từ phi hành đoàn Thần Châu-19 hiện tại, những người đang hoàn thành sứ mệnh kéo dài sáu tháng trên trạm. Chỉ huy Thần Châu-19 Cai Xuzhe cùng các đồng đội dự kiến trở về Trái đất vào sáng sớm ngày 29-4, hạ cánh tại khu vực Dongfeng gần Jiuquan.
Thần Châu-20 là sứ mệnh ba người thứ sáu đến trạm Thiên Cung kể từ khi trạm với ba mô-đun này hoàn tất vào cuối năm 2022.
Sứ mệnh Thần Châu-20 kéo dài sáu tháng sẽ bao gồm các hoạt động đi bộ ngoài không gian, thí nghiệm khoa học và ứng dụng, hoạt động tuyên truyền và nhiều nhiệm vụ khác. Tàu vận tải Thiên Châu-9 cũng sẽ cập bến trạm trong thời gian này.
Thí nghiệm khoa học sự sống
Theo CMSEO, các thí nghiệm khoa học sự sống trên Thần Châu-20 sẽ bao gồm cá ngựa vằn, sán dẹp (planarian), và Streptomyces, một loại vi khuẩn hiếu khí và là nguồn sản xuất kháng sinh.
Thí nghiệm cá ngựa vằn sẽ tiếp tục dựa trên hệ sinh thái hai thành phần cá ngựa vằn – bèo tấm được thiết lập trong sứ mệnh Thần Châu-18, nhằm nghiên cứu vai trò điều tiết của cân bằng protein đối với hiện tượng mất xương và rối loạn tim mạch do vi trọng lực. Sán dẹp sẽ được sử dụng để nghiên cứu cơ chế tái sinh cơ bản, trong khi hành vi của Streptomyces trong môi trường không gian sẽ được phân tích để hỗ trợ phát triển công nghệ vi sinh bằng cách theo dõi biểu hiện của enzym và các chất có ích.
Kế hoạch mở rộng trạm Thiên Cung
Trung Quốc đã phê duyệt kế hoạch trạm không gian từ năm 1992. CMSEO đang chuẩn bị mở rộng Thiên Cung trong tương lai. Bước đầu tiên sẽ là phóng một mô-đun mở rộng đa chức năng với sáu cổng kết nối đến trạm. Việc mở rộng này sẽ tạo điều kiện cho các chuyến thăm quốc tế, thương mại và du lịch mà không làm gián đoạn hoạt động lõi.
Vụ phóng Thần Châu-20 là lần phóng quỹ đạo thứ 21 của Trung Quốc trong năm 2025, diễn ra đúng vào kỷ niệm 55 năm ngày phóng vệ tinh đầu tiên của nước này – Đông Phương Hồng-1 (Dongfanghong-1). Trước đó vào ngày 18-4, Trung Quốc cũng đã phóng sáu vệ tinh thử nghiệm mật bằng tên lửa Trường Chinh 6A.
Tiến độ sứ mệnh Mặt Trăng có người lái
Phi hành đoàn Thần Châu-20 được công bố trong buổi họp báo ngày 23-4 tại Jiuquan. Tại đây, ông Lin Xiqiang – Phó giám đốc CMSEO – đã cập nhật tiến độ chương trình đổ bộ Mặt Trăng có người lái mà Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn thành trước năm 2030.
“Các thành phần chủ chốt – bao gồm tên lửa đẩy Trường Chinh 10, tàu vũ trụ có người lái Mengzhou, tàu đổ bộ Mặt Trăng Lanyue, bộ đồ vũ trụ Mặt Trăng và xe thám hiểm có người lái – đang được phát triển và thử nghiệm nguyên mẫu theo đúng kế hoạch,” ông Lin Xiqiang nói.
Ông cũng cho biết vệ tinh viễn thám Mặt Trăng đã hoàn tất phê duyệt dự án và tuyển chọn đơn vị thực hiện, với Viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc (CAST) được chọn vào tháng 3. Các hệ thống mặt đất bao gồm bãi phóng, hệ thống theo dõi và liên lạc, khu vực hạ cánh… cũng đang được phát triển đúng tiến độ.
Ông Lin Xiqiang cho biết Trung Quốc đã hoàn tất các thử nghiệm giai đoạn đầu cho sứ mệnh Mặt Trăng, gồm kiểm tra điện tử cho Trường Chinh 10, thử nghiệm thả rơi từ độ cao lớn cho tàu Mengzhou, và kiểm tra nhiệt độ cho tàu đổ bộ Lanyue. Các thử nghiệm sắp tới sẽ bao gồm: kiểm tra thoát hiểm ở độ cao bằng 0 cho Mengzhou, xác nhận tích hợp cất/hạ cánh cho Lanyue, thử nghiệm đốt tĩnh và bay ở độ cao thấp cho Trường Chinh 10, cũng như thử nghiệm thoát hiểm ở áp lực động lớn nhất cho Mengzhou.
Về hợp tác quốc tế trong quỹ đạo thấp, ông Lâm cho biết CMSEO đang làm việc với Pakistan để lựa chọn một phi hành gia tham gia trạm Thiên Cung với tư cách chuyên gia tải trọng.
“Đồng thời, chúng tôi cũng đang đàm phán với các quốc gia liên quan về khả năng phi hành gia của họ tham gia bay trên trạm vũ trụ Trung Quốc, và sẽ công bố thông tin tiến độ khi phù hợp,” ông nói.
Góc nhìn từ tàu Thần Châu-20 cho thấy giao diện kết nối với trạm không gian Thiên Cung vào ngày 24-4-2025. Ảnh: CMSEO.