
Phải chăng cách tốt nhất để bảo vệ thiên nhiên là để nó thay đổi?
Một số nhà khoa học bảo tồn đang thách thức tư duy cũ kỹ (old-school mindset) về việc giữ gìn các khu vực tự nhiên trong trạng thái cố định, nguyên vẹn. Thay vào đó, họ cho rằng việc chấp nhận quy luật vận động tự nhiên của hệ sinh thái, đặc biệt là các yếu tố như cháy rừng và các tác động tự nhiên khác, là yếu tố then chốt giúp thiên nhiên có khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu.
Việc kìm hãm các lực lượng tự nhiên đã phản tác dụng, dẫn đến những hậu quả tồi tệ hơn như gia tăng tình trạng mất rừng, ngay cả tại các khu vực được cho là đã được bảo vệ. Giải pháp được đề xuất là chuyển sang cách tiếp cận bảo tồn năng động (dynamic conservation), lấy cảm hứng từ các tập quán bản địa như “đốt có kiểm soát” – phương pháp đã giúp duy trì hệ sinh thái trong nhiều thế hệ.
Suy ngẫm lại về bảo tồn tại các khu vực được bảo vệ
Một bài báo mới trên tạp chí BioScience của Viện Khoa học Sinh học Hoa Kỳ đã đặt vấn đề về các phương pháp bảo tồn lâu nay. Các tác giả cho rằng các khu vực được bảo vệ như công viên quốc gia hay vùng hoang dã cần tập trung vào việc duy trì sự vận động tự nhiên của cảnh quan, thay vì cố giữ chúng trong trạng thái bất biến hoặc chỉ bảo tồn các đặc điểm cố định.
Tiến sĩ Gavin M. Jones thuộc Cơ quan Lâm nghiệp USDA cùng các đồng nghiệp cho rằng nhiều chiến lược bảo tồn hiện nay đang kìm hãm các quá trình tự nhiên như cháy rừng. Sự kháng cự này, theo họ, gây ra “tác dụng ngược”, làm gia tăng tính dễ tổn thương của hệ sinh thái trước biến đổi khí hậu và các thảm họa lớn khác.
“Dưới tác động của biến đổi khí hậu, việc cưỡng ép chống lại quy luật vận động tự nhiên của cảnh quan sẽ phản tác dụng và làm tăng nguy cơ hệ sinh thái bị chuyển đổi bởi các thảm họa quy mô lớn,” các tác giả nhấn mạnh.
Hệ quả ngoài ý muốn trong quản lý rừng
Các tác giả đưa ra ví dụ về những khu rừng ở miền Tây Hoa Kỳ, nơi nỗ lực bảo vệ các khu rừng lâu năm bằng cách ngăn chặn các tác động tự nhiên đã, trớ trêu thay, dẫn đến tình trạng mất môi trường sống nghiêm trọng hơn. Ở California, họ ghi nhận rằng các khu rừng già trong các vùng bảo vệ cú đốm bị mất diện tích do hạn hán và cháy rừng từ năm 2011 đến 2020 nhiều hơn so với các khu vực bên ngoài vùng bảo vệ, có thể là do các điều kiện rừng tự nhiên vốn giúp chống chịu tốt hơn trước cháy rừng và hạn hán đã bị phá vỡ.
Việc chuyển sang bảo vệ quy luật vận động tự nhiên của cảnh quan sẽ đòi hỏi có sự can thiệp có chủ đích nhiều hơn từ con người và trong ngắn hạn có thể tạo ra những điều kiện chưa từng thấy trong thời gian gần đây, chẳng hạn như mật độ cây cối thưa thớt hơn.
Để thúc đẩy quá trình này, Jones và các đồng nghiệp kêu gọi đưa tri thức và tập quán của người bản địa vào quá trình quản lý, chẳng hạn như kỹ thuật đốt có kiểm soát – vốn thường bị bỏ qua trong các mô hình bảo tồn kiểu “pháo đài” truyền thống (“fortress conservation” models). Các tác giả nhấn mạnh rằng, ở nhiều nơi, các phương pháp bản địa đã chứng minh hiệu quả trong việc duy trì sự vận động tự nhiên của hệ sinh thái suốt hàng ngàn năm qua.
Để kết luận, các tác giả cho rằng, mặc dù cần phải có một sự thay đổi lớn về mô hình bảo tồn, nhưng “bảo vệ một vùng đất và chấp nhận sự thay đổi không hề mâu thuẫn với nhau. Chúng ta cần giảm sự tập trung vào việc bảo tồn cảnh quan cố định, và chuyển sang bảo tồn sự vận động của cảnh quan.”
Việc bảo vệ thiên nhiên bằng cách “đóng băng” nó theo thời gian có thể đang gây hại nhiều hơn là có lợi. Việc chấp nhận lửa, sự thay đổi và tri thức bản địa có thể là chìa khóa để cứu lấy các hệ sinh thái. Ảnh: SciTechDaily