
Thiên nhiên có thể chữa lành sang chấn tâm lý
Đi bộ trong rừng mang lại lợi ích, nhưng việc tiếp xúc trực tiếp với động vật – đặc biệt là khi chính động vật chủ động tương tác – lại có tác động mạnh mẽ hơn.
Một nghiên cứu mới cho thấy rằng tương tác với động vật hoang dã giúp giảm bớt các triệu chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (Post-Traumatic Stress Disorder-PTSD). Những người tham gia tìm thấy sự kết nối và cảm giác chữa lành, đồng thời nâng cao nhận thức về các vấn đề bảo tồn. Các nhà khoa học khuyến nghị mở rộng nghiên cứu để tìm hiểu sâu hơn về liệu pháp thiên nhiên này.
Nghiên cứu được công bố ngày 6 tháng 3 trên tạp chí Human-Animal Interactions phát hiện rằng dành thời gian trong thiên nhiên – đặc biệt là tương tác với động vật hoang dã và đi bộ trong rừng – có thể giúp giảm các triệu chứng PTSD ở cựu chiến binh Mỹ.
Các nhà nghiên cứu từ Trường Y UMass Chan đã theo dõi 19 cựu chiến binh mắc PTSD hoặc có triệu chứng PTSD và nhận thấy rằng các hoạt động như đi bộ trong rừng, chăm sóc động vật tại trung tâm cứu hộ, thăm khu bảo tồn động vật hoang dã và quan sát chim mang lại lợi ích tâm lý đáng kể, đặc biệt là giảm lo âu.
Để giúp duy trì sự kết nối với thiên nhiên sau gần bốn tháng nghiên cứu tại Massachusetts, những người tham gia được tặng các máng cho chim ăn. Nghiên cứu bao gồm các chuyến thăm Công viên Động vật Hoang dã Maine, đi bộ trong Rừng Harvard và các buổi học nhận diện chim tại Trung tâm Bảo tồn & Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Mass Audubon Broad Meadow Brook.
Tác động lớn hơn khi đắm chìm vào môi trường hoang dã
Nghiên cứu cho thấy cựu chiến binh có nhiều lợi ích hơn khi tiếp xúc gần gũi với động vật hoang dã – chẳng hạn như gặp gỡ rùa Sulcata tại Trung tâm Động vật Hoang dã New England – so với việc chỉ đi bộ trong rừng.
Tiến sĩ Donna Perry, từ Trường Y UMass Chan, cho biết: “Trong khi nhiều nghiên cứu về tương tác giữa con người và động vật nhằm cải thiện sức khỏe tâm lý hoặc thể chất tập trung vào động vật nuôi, rất ít nghiên cứu chú trọng đến động vật hoang dã.
“Chúng tôi nhận thấy rằng phản ứng của các cựu chiến binh mắc PTSD khi tiếp xúc với đời sống hoang dã (wildlife immersion) không chỉ cải thiện các triệu chứng tâm lý mà còn gia tăng sự kết nối với thiên nhiên/động vật hoang dã và nâng cao hiểu biết, quan tâm đến vấn đề bảo tồn.
“Các liệu pháp dựa vào thiên nhiên có tính linh hoạt cao và có thể được triển khai hiệu quả thông qua các trải nghiệm đắm chìm vào môi trường động vật hoang dã.”
Sức mạnh của động vật chủ động tương tác
Tiến sĩ Perry cho biết những người tham gia nghiên cứu cảm thấy đặc biệt ý nghĩa khi động vật chủ động tiếp cận con người.
Một người tham gia chia sẻ: “Bởi vì động vật… chúng không bị kiểm soát. Chúng có ý chí tự do. Có cách suy nghĩ và hành động riêng. Nếu chúng thích bạn… thì bạn sẽ có cảm giác như mình thực sự kết nối với thiên nhiên.”
Một người khác mô tả một khoảnh khắc tương tự trong nhật ký sau nghiên cứu: “Tôi ngồi trên hiên nhà và thấy một con sóc đỏ chạy ngang qua. Nó dừng lại và nhìn tôi. Tôi nghĩ nó thật đáng yêu. Tôi thực sự cảm thấy có sự kết nối với nó.”
Trong một số trường hợp, người tham gia có sự đồng cảm với động vật. Một người đã giúp cho sóc xám con ăn bằng xi-lanh, trong khi một kỹ thuật viên giữ con sóc vì nó được cho là “hay cắn.” Khi cho sóc ăn, người này nói: “Nó là con cừu. Chắc nó có họ hàng với tôi. Nó thật đẹp.”
Tiến sĩ Perry cho biết: “Phát hiện cũng cho thấy rằng sự cải thiện về trầm cảm và sức khỏe tinh thần có thể đến từ cảm giác thăng hoa (transcendent feelings) khi tương tác với động vật hoang dã.
“Nghiên cứu này ủng hộ quan điểm rằng khi đặt cựu chiến binh vào môi trường nơi họ có thể kết nối với những động vật cũng từng chịu tổn thương và mất mát, điều đó có thể giúp họ chữa lành.
“Tiếp xúc và hỗ trợ chăm sóc động vật bị thương cũng giúp nâng cao nhận thức về tác động của con người đối với môi trường và có thể thúc đẩy thái độ tích cực hơn đối với công tác bảo tồn. Điều này cho thấy rằng các trung tâm chăm sóc động vật hoang dã và giáo dục cộng đồng có thể mang lại lợi ích cho cả con người lẫn các loài động vật.”
Mở rộng các liệu pháp trị liệu bằng động vật
Các nhà khoa học cho rằng những nghiên cứu tiếp theo với số lượng người tham gia lớn hơn sẽ giúp khám phá sâu hơn lợi ích song phương giữa con người và động vật, đặc biệt trong các hình thức tương tác cụ thể như tiếp xúc vật lý khi chăm sóc động vật hoặc hồi tưởng ký ức qua sự tương tác kéo dài.
Họ cũng đề xuất tiến hành thêm các nghiên cứu về liệu pháp trị liệu bằng động vật, trong đó kết hợp các can thiệp trị liệu chính thức với các trải nghiệm tiếp xúc đời sống hoang dã.
Thiên nhiên chữa lành. Các cựu chiến binh mắc rối loại tâm lý cảm thấy bình tâm hơn và kết nối hơn sau khi tiếp xúc với đời sống hoang dã – đặc biệt khi chính động vật chủ động tiếp cận.