Những người tin rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu là một thuyết âm mưu thường lấy phần lớn thông tin từ mạng xã hội và các kênh truyền thông quảng cáo, theo một nghiên cứu của Đại học Monash. Trong khi đó, nghiên cứu độc quyền của Đại học Monash gợi ý rằng những người dựa vào báo in và đài chính thống có xu hướng đạt điểm cao hơn về “giá trị công dân”

Nghiên cứu do Giáo sư Mark Andrejevic và Phó Giáo sư Zala Volcic dẫn đầu phát hiện rằng những người dựa vào mạng xã hội làm nguồn tin tức chính có điểm số thấp hơn trong thước đo “giá trị công dân” (civic values) so với những người dựa vào báo in và các phương tiện truyền thông phi thương mại.

Giá trị công dân được định nghĩa là niềm tin của một cá nhân vào các thể chế và thực tiễn dân chủ, cũng như sự cởi mở của họ trong việc xem xét các quan điểm trái ngược với quan điểm của mình.

Những người tham gia khảo sát được hỏi những câu như: “Khi bạn gặp phải thông tin chính trị thách thức quan điểm của bạn, bạn thường làm gì?” và được cung cấp các lựa chọn trả lời.

Với câu hỏi về biến đổi khí hậu, các nhà nghiên cứu hỏi “có phải biến động khí hậu là kết quả của các chu kỳ tự nhiên diễn ra bất kể hoạt động của con người hay không?”

Trong số những người nhận tin tức chủ yếu từ truyền hình và đài phát thanh thương mại, 37% đồng ý với nhận định này. Trong khi đó, 25% những người nhận phần lớn thông tin từ mạng xã hội tin rằng biến đổi khí hậu là một thuyết âm mưu (conspiracy).

Ngược lại, những người không tin vào các thuyết âm mưu về biến đổi khí hậu có xu hướng lấy thông tin từ các đài phát thanh và truyền hình công cộng như ABC và SBS. Chỉ 2% những người dựa vào đài phát thanh công cộng và 6% những người dựa vào truyền hình công cộng tin rằng khủng hoảng khí hậu là một thuyết âm mưu.

Andrejevic cho biết phát hiện đáng chú ý nhất trong nghiên cứu là gần 60% trong số 2.000 người Úc được khảo sát, những người cho biết mạng xã hội là nguồn tin tức chính của họ, nằm ở nửa dưới của thang điểm giá trị công dân. Nghiên cứu có tiêu đề “Lập bản đồ xu hướng công dân, thói quen sử dụng truyền thông và phân cực cảm xúc”.

Trong khi đó, phần lớn những người dựa vào báo in, đài phát thanh công cộng và các nền tảng tổng hợp tin tức trực tuyến đạt điểm cao hơn, nằm ở phía trên bảng xếp hạng.

“Quyền tự do ngôn luận dựa trên giả định rằng mọi người đã được giáo dục đủ về các giá trị của xã hội dân sự để sẵn sàng tham gia vào các cuộc thảo luận thiện chí. Nhưng những gì chúng ta thấy trên mạng là điều đó không xảy ra,” Andrejevic nói.

“Chúng tôi muốn xem các loại phương tiện truyền thông khác nhau ảnh hưởng thế nào đến điểm số cao hay thấp trên thang đo những giá trị mà chúng tôi cho là quan trọng đối với nền dân chủ.”

Lo ngại về việc mạng xã hội từ bỏ kiểm chứng thông tin

Đầu tháng này, Meta thông báo sẽ loại bỏ việc kiểm chứng thông tin trên các nền tảng Facebook, Instagram và Threads nhằm làm hài lòng Tổng thống Trump—một quyết định mà một số nhà phê bình cho rằng sẽ đẩy nhanh sự lan truyền của thông tin sai lệch và tin giả (misinformation and disinformation).

“Đây là lý do tại sao thật thú vị khi thấy trong vài tuần qua rằng mạng xã hội thực sự đang quay lưng lại với việc kiểm chứng thông tin (factchecking). Họ giả vờ—và tôi nghĩ đó chỉ là sự giả vờ—rằng họ đang trở nên ít can thiệp hơn (more hands-off). Nhưng thực tế họ không hề đứng ngoài cuộc, vì họ tạo ra các thuật toán để đẩy nội dung vào bảng tin của chúng ta,” Andrejevic nói.

“Thuật toán đó chỉ dựa trên giá trị thương mại: Nó có lan truyền không, có thu hút tương tác không, có gây chú ý không? Không hề dựa trên yếu tố: Nó có quan trọng, chính xác hay hữu ích cho sự tham gia dân chủ không?”

Bất chấp sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, truyền thông thương mại (quảng cáo) vẫn là nguồn tin tức và thông tin phổ biến nhất, với 28% số người tham gia khảo sát dựa vào nó, so với 27% từ mạng xã hội.

Cuộc khảo sát do Essential Research thực hiện cũng phát hiện rằng những người dựa vào truyền thông thương mại có điểm số giá trị công dân thậm chí còn thấp hơn những người dựa vào mạng xã hội: 63% trong số họ nằm ở nửa dưới của thang điểm giá trị công dân.

Ngược lại, những người có điểm số cao nhất chủ yếu dựa vào đài phát thanh ABC: 67% trong số họ nằm ở nửa trên của thang điểm.

Andrejevic nhận định: “Đã trở thành một điều hiển nhiên (a truism) rằng mạng xã hội không có lợi cho nền dân chủ.” Nhưng theo ông, “chưa ai thực sự kiểm tra điều đó một cách có hệ thống cho đến nay.”

Những gì nhóm nghiên cứu của Andrejevic kiểm tra là mối liên hệ giữa việc sử dụng truyền thông và giá trị công dân, chứ không phải tác động của mạng xã hội.

“Chúng tôi đã tạo ra một danh mục mới, tập trung vào thái độ của mọi người đối với nội dung họ tiếp nhận và cách điều đó phản ánh các giá trị dân chủ,” ông nói.

Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu để xác định liệu các nền tảng mạng xã hội có thực sự làm suy giảm giá trị công dân hay chỉ đơn giản là thu hút những người vốn đã có điểm số thấp hơn.

“Chúng tôi chưa có bằng chứng để trả lời câu hỏi đó,” Andrejevic nói.

“Có thể mạng xã hội chỉ thu hút những người có điểm số thấp hơn trên những tiêu chí này, và những người nghe đài ABC thường có điểm cao hơn vì họ chủ động tìm kiếm loại nội dung đó.

“Nhưng một điều chúng tôi chưa thể khẳng định, đó là liệu mạng xã hội có thực sự làm cho mọi người có giá trị công dân thấp hơn hay không.”

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts