
Bối cảnh pháp lý của việc khai thác tài nguyên không gian
Ngay lúc này, tàu vũ trụ Psyche của NASA đang thực hiện hành trình dài đến một tiểu hành tinh mang tên 16 Psyche. Khi đến nơi, tàu có thể xác nhận sự hiện diện của các khoáng sản mà, nếu nhân với giá thị trường hiện tại, sẽ có giá trị lý thuyết đáng kinh ngạc khoảng 100 triệu tỷ USD. Tất nhiên, con số này bỏ qua nguyên tắc kinh tế cơ bản về cung và cầu, nhưng nó làm nổi bật sự giàu có to lớn về tài nguyên khoáng sản trong khu vực vũ trụ gần Trái Đất của chúng ta.
Trên thực tế, rất khó có khả năng các vật liệu phong phú trên không gian (terrestrially abundant materials) sẽ được khai thác và mang trở lại Trái Đất. Thay vào đó, chúng ta có thể thấy các doanh nghiệp hướng tới việc tìm kiếm và sử dụng các vật liệu trong không gian, những thứ vốn khan hiếm hoặc quá đắt đỏ để khai thác và vận chuyển từ Trái Đất.
Khai thác tài nguyên không gian (space mining) cũng có thể được sử dụng để kéo dài các nhiệm vụ không gian. Khi con người tiếp tục hành trình xa hơn vào vũ trụ, việc tạo ra các sản phẩm hữu ích từ các vật liệu tại chỗ trở nên ngày càng quan trọng. Thực hành này được gọi là “sử dụng tài nguyên tại chỗ” (in-situ resource utilization).
Việc hiện thực hóa khai thác tài nguyên không gian thương mại sẽ phụ thuộc vào một loạt các tiến bộ công nghệ và sự hiểu biết về khung pháp lý liên quan. Là một chuyên gia về sở hữu trí tuệ, tôi quan tâm đến cả hai khía cạnh này. Bằng sáng chế là quyền sở hữu trí tuệ mang tính quốc gia, nhưng việc áp dụng các luật và quyền quốc gia này vào không gian vẫn là một lĩnh vực chỉ đang được định hình.
Từ góc độ quốc gia, Hoa Kỳ, Nhật Bản, và có lẽ đáng ngạc nhiên hơn, Luxembourg và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, đã ban hành luật quốc gia cho phép sở hữu các tài nguyên không gian được khai thác. Tuy nhiên, theo như tôi biết, chỉ có Hoa Kỳ ban hành quy định cụ thể liên kết bằng sáng chế, quyền tài phán và lãnh thổ đối với công nghệ không gian. Với tiềm năng phát triển không giới hạn (uncapped potential for growth) mà không gian mang lại, các quốc gia khác có khả năng sẽ ban hành luật tương tự Hoa Kỳ để khuyến khích sự phát triển khi mà lĩnh vực này vẫn còn ở giai đoạn sơ khai.
Hiệp ước Không gian vũ trụ (1967)
Nền tảng của luật không gian vũ trụ vẫn là Hiệp ước Không gian vũ trụ (OST), được ban hành vào năm 1967. Ngôn từ trong hiệp ước phản ánh những căng thẳng vào thời điểm đó. Mặc dù OST chủ yếu đạt được mục tiêu ngăn chặn bạo lực trong không gian, nhưng các nhà soạn thảo hiệp ước không thể dự đoán được mọi diễn biến sẽ xảy ra trong tương lai. Về mặt pháp lý, một trong những trở ngại chính đối với hoạt động khai thác tài nguyên không gian thương mại hiện nay là vấn đề chiếm hữu.
Như được nêu trong Điều II của OST, “Không gian vũ trụ, bao gồm mặt trăng và các thiên thể khác, không thuộc quyền chiếm hữu của bất kỳ quốc gia nào thông qua tuyên bố chủ quyền, sử dụng hoặc chiếm đóng, hoặc bằng bất kỳ cách thức nào khác.”
Có nhiều cách diễn giải khác nhau về khái niệm “chiếm hữu quốc gia” trong bối cảnh khai thác tài nguyên từ các thiên thể. Mặc dù phạm vi điều chỉnh của Điều II vẫn chưa rõ ràng, nhưng khó có khả năng điều khoản này nhằm áp đặt một lệnh cấm hoàn toàn đối với việc khai thác và sở hữu tài nguyên trong không gian. Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, mục tiêu cơ bản của Điều II có lẽ là nhằm ngăn chặn các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trong không gian, thay vì hạn chế việc sử dụng các tài nguyên ở đó.
Thỏa thuận Artemis (2020)
Thỏa thuận Artemis, một tập hợp các nguyên tắc chủ yếu tập trung vào việc thám hiểm và sử dụng không gian bền vững, lần đầu tiên được thiết lập vào tháng 10 năm 2020. Theo NASA, “Thỏa thuận Artemis củng cố rằng việc khai thác và sử dụng tài nguyên không gian có thể và sẽ được thực hiện trong khuôn khổ của Hiệp ước Không gian vũ trụ, với trọng tâm cụ thể vào các Điều II, VI và XI.”
Đáng chú ý, mục 10, đoạn 2 của Thỏa thuận Artemis quy định rằng “việc khai thác tài nguyên không gian không đồng nghĩa với chiếm hữu quốc gia.” Đây có lẽ là lần đầu tiên khái niệm chiếm hữu quốc gia trong OST được trực tiếp đề cập. Mặc dù đã có một số mức độ làm rõ, nhưng định nghĩa về những hoạt động khai thác tài nguyên cụ thể nào sẽ cấu thành chiếm hữu quốc gia vẫn cần được xác định thêm.
Một điều khoản của Thỏa thuận Artemis có thể gây ra vấn đề về mặt pháp lý là quy định về các “vùng an toàn” xung quanh các địa điểm khai thác. Mặc dù không gian về cơ bản là vô hạn, nhưng thực tế cho thấy sẽ có sự cạnh tranh đối với các tài nguyên giống nhau, chẳng hạn như nước và heli-3 trên mặt trăng. Mục đích của các vùng này là nhằm tăng cường an toàn cho các sứ mệnh không gian và ngăn ngừa xung đột trong các hoạt động ở khoảng cách gần (proximity operations).
Các quốc gia ký kết Thỏa thuận đã cam kết thực hiện bốn nguyên tắc chỉ đạo khi tạo ra các vùng an toàn. Các nguyên tắc này liên quan đến kích thước, phạm vi và thời hạn, đồng thời được bổ sung bằng các quy định về minh bạch thông tin. Tuy nhiên, do tính chất tương đối mới mẻ (relatively novel nature) của các vùng này, tài liệu nghiên cứu về phạm vi và định nghĩa chính xác của chúng liên quan đến khai thác mỏ vẫn còn hạn chế.
Sẽ rất thú vị khi thấy khái niệm vùng an toàn được áp dụng như thế nào trong khai thác tài nguyên không gian. Các mỏ khai thác và vùng an toàn xung quanh có thể cần được giải quyết một cách nhất quán hơn, xét theo Điều II của OST. Ví dụ, có thể xảy ra tình huống các quốc gia đến sau bị loại trừ khỏi những khu vực khai thác tiềm năng bởi các quốc gia khác, dẫn đến một hình thức chiếm hữu quốc gia trên thực tế (de facto national appropriation).
Có lẽ chúng ta có thể tham khảo Hiệp ước Nam Cực và Học thuyết Quyền nước theo quyền chiếm hữu trước (Prior-appropriation Water Rights Doctrine) để tìm hiểu cách giải quyết vấn đề khai thác tài nguyên trên mặt trăng. Cả hai đều hình dung quyền sở hữu đất đai theo cách tương tự như không gian vũ trụ và giải quyết vấn đề khai thác tài nguyên.
Phân biệt việc khai thác tài nguyên với chiếm hữu
Quan điểm phổ biến hiện nay là việc khai thác tài nguyên không gian có thể hợp pháp theo Điều II của OST, miễn là không tuyên bố quyền sở hữu bất kỳ lãnh thổ nào. Một phép so sánh có thể được rút ra từ việc đánh bắt cá trên vùng biển quốc tế. Không ai có thể tuyên bố sở hữu vùng biển quốc tế, nhưng nếu bạn ra khơi, thả lưới và bắt cá, bạn sẽ sở hữu số cá đó — miễn là hành động của bạn không vi phạm bất kỳ hiệp ước nào, chẳng hạn như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Luật Đáy Biển (Seabed Act).
Tương tự, đối với không gian, nếu bạn có mặt trên mặt trăng và khai thác được một lượng nước, về lý thuyết, bạn sở hữu lượng nước đó — miễn là các hoạt động của bạn không vi phạm bất kỳ hiệp ước nào điều chỉnh việc khai thác không gian.
Kể từ khi OST được ban hành, dần dần có sự rõ ràng hơn về những gì được coi là hành vi chiếm hữu trong không gian vũ trụ. Dựa trên việc nhiều quốc gia có chương trình không gian đã thông qua Thỏa thuận Artemis, trong đó thúc đẩy việc thu thập và sử dụng tài nguyên (48 quốc gia ký kết tính đến ngày 13-11-2024), rõ ràng là nhiều quốc gia và doanh nghiệp đều có mục tiêu khai thác tài nguyên trong không gian.
Ý tưởng khẳng định chủ quyền hoặc sở hữu một thiên thể nói chung bị cộng đồng không gian quốc tế bác bỏ. Trước bối cảnh này, tôi quan tâm đến việc các bằng sáng chế, vốn là quyền sở hữu mang tính lãnh thổ, sẽ được thực thi như thế nào trong không gian. Do bản chất công nghệ cao của khai thác tài nguyên không gian, cùng với số vốn và đầu tư lớn mà các công ty trong ngành này cần, các công ty khai thác tài nguyên không gian chắc chắn sẽ mong đợi các cơ chế thực thi phù hợp để ngăn chặn hành vi xâm phạm các hoạt động đổi mới đã được cấp bằng sáng chế của họ.
Trong khi việc khai thác và sử dụng tài nguyên không gian đang nhận được sự chú ý từ các nhà hoạch định chính sách, vấn đề sở hữu trí tuệ vẫn chưa được chú ý tương xứng và cần được tiếp cận với mức độ khẩn trương tương tự. Điều quan trọng là phải có một cách tiếp cận mạnh mẽ và hài hòa đối với việc bảo vệ bằng sáng chế trong lĩnh vực không gian. Việc chủ động giải quyết vấn đề này có thể giúp tránh được nhiều rắc rối trong tương lai, thay vì chỉ xử lý một cách thụ động.
Hoàng Sơn (dịch từ Space News)
(*) Ethan Hutchings là một luật sư trong lĩnh vực bằng sáng chế tại Reddie & Grose LLP, có kinh nghiệm soạn thảo và xử lý các đơn xin cấp bằng sáng chế tại các khu vực tài phán sở hữu trí tuệ lớn trên toàn thế giới. Anh có nền tảng hiểu biết về kỹ thuật hàng không vũ trụ trước khi bước chân vào lĩnh vực luật sáng chế.
Hình minh họa về một hoạt động khai thác không gian trong tương lai. Ảnh: SpaceNews