Cầu cảng Kampong Chhnang luôn đông đúc từ 7 giờ sáng, tràn ngập âm thanh của dao thớt, khi hàng chục phụ nữ chăm chỉ lọc thịt cá tươi được đánh bắt từ hồ Tonle Sap, hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, nằm ở phía Bắc Phnom Penh, Campuchia. Đến trưa, mỗi người bán khoảng 20 kilogram cá cho những người làm mắm và thu về 10.000 riel (khoảng 62.000 đồng).

“Mẹ Thiên nhiên” nổi giận

Từ xa xưa, Hồ Tonle Sap được xem là nguồn tài nguyên thiên nhiên thủy sản rất quan trọng đối với người dân Campuchia, đem lại mưu sinh cho hàng trăm nghìn ngư dân tại đây. Sản lượng cá nước ngọt phong phú của hồ đã đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế và nuôi sống cư dân khu vực này.

Tuy nhiên,  Hồ Tonle Sap – trái tim của lưu vực sông Mekong – đang phải đối mặt với cơn giận dữ của ‘Mẹ Thiên nhiên’ và có nguy cơ bị thu hẹp nghiêm trọng.

Các chuyên gia nghiên cứu sông Mekong nhận định rằng sự gia tăng nhiệt độ do biến đổi khí hậu, cùng với ảnh hưởng từ những đập thủy điện được xây dựng dù ở xa, đặc biệt là từ Trung Quốc, đang gây ra những gián đoạn nghiêm trọng đối với dòng chảy tự nhiên của sông Mekong đến hồ Tonle Sap. Trong bối cảnh này, chính quyền Phnom Penh đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc đảm bảo sản xuất nguồn năng lượng tái tạo giá rẻ đủ để đáp ứng nhu cầu điện năng hiện tại, đồng thời vẫn phải bảo đảm an ninh lương thực và sinh kế cho các cộng đồng dân cư đang gặp khó khăn. Hồ Tonle Sap, trước đây là cái nôi của nguồn thủy sản phong phú, giờ đây không còn đủ khả năng duy trì sinh kế cho cư dân nơi đây.

Biến đổi khí hậu đã khiến lượng mưa trở nên đỏng đảnh và không ổn định. Những thay đổi này đã làm mùa lũ đến trễ-yếu tố quan trọng trong việc cung cấp nước cho hồ và tạo điều kiện sinh sản cho các loài cá. Hậu quả là sản lượng đánh bắt cá của ngư dân cũng suy giảm.

Sản lượng cá nước ngọt ở Tonle Sap, bao gồm cá lóc, cá da trơn (catfish) và cá chép, đã giảm gần một nửa trong khu vực này. Theo một nghiên cứu năm 2023 công bố trên Tạp chí Khoa học Nature, cá đánh bắt tại Tonle Sap chiếm khoảng 60% đến 70% lượng đạm (protein) động vật tiêu thụ ở Campuchia. Tuy nhiên, Cục Nghề cá Campuchia đã thông báo rằng sản lượng cá từ mùa đánh bắt ‘dai’ hàng năm đã giảm xuống chỉ còn 9.900 tấn vào năm 2020, so với 16.975 tấn vào năm 2018. Mùa đánh bắt cá ‘dai’ được xem là vụ mùa cao điểm, kéo dài từ tháng 12 đến tháng 2 hằng năm.

Các ngư dân đã gắn bó cả đời với Kampong Chhnang, như ông Chuang Hai, 43 tuổi, không cần dựa vào số liệu thống kê vẫn cảm nhận rằng mọi thứ đang thay đổi. Ông cho biết hiện tại, các điều kiện thuận lợi chỉ kéo dài trong khoảng 15 ngày mỗi tháng trong mùa ‘dai.’

Chuang Hai chỉ có thể bắt tối đa 100 kg cá mỗi tháng, với giá khoảng 175.000 đồng/kg. Hiện tại, ông chỉ mong mưu sinh đủ nuôi sống gia đình. “Nếu nước dâng vào tháng Sáu, chúng tôi có thể bắt được nhiều cá hơn,” ông chia sẻ với phóng viên Báo Nikkei Asia từ ngôi nhà nổi của mình. Tuy nhiên, nước hiện dâng chậm hơn, thường chỉ bắt đầu từ tháng Tám do ảnh hưởng của các đập thủy điện.

Các nhà khoa học chỉ ra hai lý do cho mùa lũ ngắn hơn ở Tonle Sap: Biến đổi khí hậu đã làm gián đoạn lượng mưa; và các con đập như Lower Sesan 2, con đập lớn nhất của Campuchia, được đưa vào hoạt động vào năm 2018, đã chuyển hướng dòng nước sông Mekong vào các hồ chứa.

WorldFish Center (Malaysia) nhận định: Mực nước cao nhất giai đoạn 2018-2020 thấp hơn trung bình 1997-2020. Năm 2020, mùa lũ chỉ kéo dài 122 ngày, diện tích ngập úng chưa bằng một nửa mức trung bình lịch sử.

Thách thức lớn- Loại bỏ đập thủy điện?

Các làng chài ở Tonle Sap đang phải đối mặt với những mâu thuẫn trong các ưu tiên phát triển của Campuchia. Khi nền kinh tế công nghiệp hóa, nhu cầu điện năng vượt xa khả năng sản xuất trong nước. Đến năm 2022, thủy điện đã cung cấp 58% tổng điện năng trong nước, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

Nhưng các đập thuỷ điện góp phần làm giảm trữ lượng cá, một nguồn tài nguyên thủy sản quan trọng của quốc gia. Việc loại bỏ các đập này có thể khôi phục hệ sinh thái của Tonle Sap, giúp các quần thể cá hồi phục và phục hồi việc mưu sinh cho hàng nghìn ngư dân nơi đây.

Tuy nhiên, các đập thủy điện cung cấp tới 58% điện năng trong nước vào năm 2022 cho nên việc tháo dỡ các đập thủy điện sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng, buộc Campuchia phải phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu đắt đỏ. Trong khi đó, giá điện vốn đã tăng thường xuyên trong những năm qua, gây gánh nặng về chi phí cho cả các hộ gia đình và các doanh nghiệp.

Trung Quốc và Lào, những quốc gia hàng đầu về thủy điện trong khu vực, khẳng định rằng biến đổi khí hậu tác động lớn hơn đến lưu vực sông Mekong so với các con đập.

Mưa đến muộn được cho là do biến đổi khí hậu, trong khi lượng nước giữ lại bởi các đập trên sông Mekong đã tăng từ 108 km khối năm 2012 lên 130 km khối năm 2021, tương đương gấp ba lần công suất của đập Hoover.

Hiện nay, nhiều dự án đập mới tại Campuchia và các nhánh nhỏ của sông Mekong đang được triển khai. Nghiên cứu của Đại học Harvard năm 2019 cho thấy nếu tất cả các đập dự kiến trên dòng chính sông Mekong hạ lưu được xây dựng, sản lượng thủy sản trong khu vực sẽ giảm 41%.

Các đập thượng nguồn tại Trung Quốc và Lào giữ hơn một nửa lượng nước của sông Mekong, tuy nhiên, đập Lower Sesan 2 ở Campuchia đã làm giảm 9,3% lượng cá tại lưu vực hạ lưu, theo nghiên cứu từ Đại học Princeton (Mỹ), Trung tâm WorldFish và Cục Thủy sản Campuchia.

Chiến lược nào cho phát triển bền vững?

Matthew Wheeler, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, cảnh báo: “Sự suy giảm nghề đánh bắt cá truyền thống là một thảm họa. Chúng ta cần khẩn trương tìm kiếm giải pháp thay thế. Vấn đề cốt lõi là khả năng mở rộng các giải pháp đó để ngăn chặn tình trạng thiếu thực phẩm nghiêm trọng và làm xáo trộn xã hội.

Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã kêu gọi tăng cường nuôi cá như một giải pháp nhằm khắc phục sự giảm sút sản lượng cá tự nhiên. “Hệ thống tự nhiên không thể đảm bảo nguồn cung cá như cách đây 30 hoặc 40 năm, do sự gia tăng dân số, sông hồ cạn kiệt, ông phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh Cá chính thức của Campuchia vào tháng 7 năm nay.”

Hun Manet khẳng định trong Dự án Ngày Cá rằng: “Cần khơi dậy phong trào nuôi cá rộng khắp, đảm bảo an ninh thực phẩm và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân số ngày càng tăng.”

Khi Hun Manet kế nhiệm cha mình trở thành lãnh đạo Campuchia vào năm 2023, ông đã đưa ra quyết định gia hạn lệnh tạm dừng xây dựng các đập mới trên các nhánh chính của sông Mekong. Lệnh tạm dừng này đã có hiệu lực từ năm 2020, nhằm bảo vệ môi trường và sinh kế của những cư dân tại khu vực này, những người phụ thuộc vào tài nguyên sông cho cuộc sống hàng ngày. Điều này thể hiện cam kết của chính phủ trong việc duy trì cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ sinh thái.

Sự suy giảm dòng của Tonle Sap đặt ra thách thức lớn trong việc cân bằng giữa nhu cầu năng lượng và gìn giữ môi trường sinh thái. Chỉ khi ưu tiên các giải pháp năng lượng bền vững và bảo vệ sinh thái, Campuchia mới có thể xây dựng một tương lai ổn định, đảm bảo nguồn cung lương thực và phát triển một cách bền vững.


Các ngư dân đang đánh bắt cá theo phương pháp truyền thống trên hồ Tonle Sap. (Ảnh: Vutha Srey)


Phụ nữ Campuchia cắt thịt cá để bán cho những người làm bột. Mỗi người kiếm được chỉ 10.000 riel, tương đương với khoảng 63.000 đồng cho khoảng 20 kg thịt. (Ảnh: Vutha Srey)


Hồ Tonle Sap vẫn là nguồn sinh kế cho hàng trăm nghìn gia đình ngư dân, nhưng con số này đang dần thu hẹp lại. (Ảnh: Vutha Srey)

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts