
Tài sản của các tỷ phú tăng mạnh
Số lượng tỷ phú trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay đã gia tăng đáng kể, song song đó là mức tăng cao tổng tài sản của họ. Đồng thời, các tỷ phú đang ngày càng tìm cách đa dạng hóa tài sản của mình.
Từ năm 2015 đến năm 2024, tổng tài sản của các tỷ phú trên toàn cầu đã tăng 121%, từ 6.300 tỷ USD lên 14.000 tỷ USD, theo Báo cáo Tham vọng Tỷ phú lần thứ 10 của UBS. Báo cáo của UBS cũng lưu ý rằng các tỷ phú ngày càng quan tâm đến việc di chuyển và định cư ở nhiều nơi.
Trong 10 năm qua, nghiên cứu theo dõi tài sản của hơn 2.500 tỷ phú tại Châu Mỹ, EMEA (Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi) và APAC (Châu Á – Thái Bình Dương).
Từ năm 2015 đến năm nay, số lượng tỷ phú đã tăng khoảng 50%, từ 1.757 lên 2.682 người năm 2024, trong số đó có 1.877 tỷ phú tự thân và 805 tỷ phú thừa kế qua nhiều thế hệ, theo UBS.
Không có gì ngạc nhiên khi khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) ghi nhận tốc độ tăng trưởng số lượng tỷ phú nhanh nhất trong thập kỷ qua; nơi đây hiện có 981 tỷ phú, chiếm 37% tổng số trên toàn cầu, trong khi Châu Mỹ có 973 tỷ phú. Tổng tài sản của các tỷ phú tại APAC đã tăng 141%.
“Trong 10 năm qua, khu vực APAC đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng cao nhất về số lượng người siêu giàu, đạt mức tăng 69%. Đáng chú ý, phụ nữ đang trở thành một phần quan trọng hơn trong thế giới tỷ phú. Tại APAC, số lượng tỷ phú nữ đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2015, từ 40 lên 101 người,” bà Amy Lo, Chủ tịch UBS Global Wealth Management Châu Á và đồng lãnh đạo khu vực APAC của UBS, cho biết.
“Tương tự, tài sản của họ tại APAC đã tăng hơn gấp ba lần, từ 94 tỷ USD năm 2015 lên 308 tỷ USD hiện nay.”
Trên toàn cầu, tài sản trung bình của các tỷ phú nữ đã tăng 40%, đạt 4,8 tỷ USD. Tại APAC, các tỷ phú nữ ở Đông Nam Á dẫn đầu với tài sản trung bình tăng 56% trong thập kỷ qua, phần lớn là thế hệ thứ hai trở lên.
Chênh lệch giữa các khu vực
Báo cáo cho biết: “Trong 10 năm nghiên cứu, các tỷ phú qua nhiều thế hệ đã thừa kế tổng cộng 1,3 nghìn tỷ USD. Con số này chưa phản ánh toàn bộ do nhiều người thừa kế chưa trở thành tỷ phú. Chúng tôi ước tính rằng trong vòng 15 năm tới, các tỷ phú từ 70 tuổi trở lên sẽ chuyển giao 6.300 tỷ USD, chủ yếu cho gia đình và một số cho các mục đích từ thiện. Con số này cao hơn so với ước tính 5.200 tỷ USD vào năm 2023 cho giai đoạn 20-30 năm,” báo cáo cho biết.
Số lượng tỷ phú đạt đỉnh 2.686 người vào năm 2021 và đã duy trì ổn định từ đó đến nay. Ấn Độ là một điểm sáng với mức tăng 42,1% về tài sản tỷ phú.
Báo cáo cũng cung cấp dữ liệu cho thấy lý do tại sao Trung Đông đang nổi lên như một khu vực quan trọng chuyên về dịch vụ quản lý tài sản. Tại Trung Đông và Châu Phi, tổng tài sản của các tỷ phú UAE tăng 39,5%, lên 138,7 tỷ USD, với số lượng tỷ phú tăng thêm một người, đạt 18 người.
Tài sản của các tỷ phú Bắc Mỹ tiếp tục tăng mạnh. Từ năm 2015 đến 2020, tài sản tỷ phú tăng 52,7%, từ 2.500 tỷ USD lên 3.800 tỷ USD. Và từ năm 2020 đến 2024, con số này lại tăng thêm 58,5%, đạt 6.100 tỷ USD, dẫn đầu bởi các tỷ phú trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ.
Tại Tây Âu, tốc độ tích lũy tài sản có phần chậm lại kể từ năm 2020 do lãi suất tăng cao hơn. Tài sản tăng 43,6%, từ 1.500 tỷ USD năm 2015 lên 2.100 tỷ USD năm 2020, và tiếp tục tăng thêm 29%, đạt 2.700 tỷ USD vào năm 2024, dẫn đầu bởi các tỷ phú công nghệ trong các lĩnh vực như phần mềm, nhắn tin và phát nhạc trực tuyến.
Cổ phiếu, bất động sản, vàng
Quan điểm của các tỷ phú về các loại tài sản đang thay đổi khi lãi suất tại Mỹ và Châu Âu có dấu hiệu bắt đầu chu kỳ giảm. Trong 12 tháng tới, 43% tỷ phú dự định tăng tỷ trọng đầu tư vào bất động sản và 42% vào cổ phiếu thị trường phát triển. Đồng thời, họ cũng tăng đầu tư vào các nơi trú ẩn an toàn. Cuộc khảo sát cho thấy 40% dự định tăng tỷ trọng vàng/kim loại quý và 31% vào tiền mặt trong 12 tháng tới. Điều này có thể phản ánh lo ngại về rủi ro địa chính trị và định giá thị trường chứng khoán, UBS cho biết.
Trong khi 38% vẫn dự định tăng tỷ trọng đầu tư vào cổ phần tư nhân trực tiếp, chỉ 28% có kế hoạch tăng đầu tư vào các quỹ cổ phần tư nhân, với 34% có kế hoạch cắt giảm. Hơn một phần tư (26%) dự định tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hơn một phần ba (35%) vào trái phiếu khu vực tư nhân. Nhưng các quỹ phòng ngừa rủi ro ngày càng kém hấp dẫn, với 27% dự định giảm đầu tư và 23% muốn tăng.
Một điểm sáng ngày càng nổi bật là đầu tư vào tác phẩm nghệ thuật và đồ cổ, nơi gần một phần ba (32%) dự định tăng tỷ trọng đầu tư, tăng đáng kể từ 11% trong năm trước.
Danh sách 10 tỷ phú giàu nhất tính đến 10h30 ngày 11-12-2024
Nguồn: https://www.forbes.com/real-time-billionaires/#76071403d788 |
Amancio Ortega tỷ phú người Tây Ban Nha, là người sáng lập tập đoàn Inditex, nổi tiếng với thương hiệu Zara. Marta Ortega Perez là con gái của Amancio Ortega, cũng hoạt động trong ngành công nghiệp thời trang, được xem là người kế thừa tiềm năng trong việc điều hành và phát triển doanh nghiệp của gia đình.