
Các nước đang phát triển cần ưu tiên kinh tế không gian
Nhân lực là công thức thành công và triết lý 3 chữ T (International, Intercultural, Interdisciplinary)
Chinh phục không gian ngày nay không còn là câu chuyện “trên trời” mà là lợi ích cụ thể dưới mặt đất. Hiện nay, hầu như mỗi ngày đều có sự kiện tên lửa phóng lên không gian, hoặc là mang theo vệ tinh giám sát thời tiết, thiết lập các kênh kết nối internet, đo lường biến đổi khí hậu…, hoặc là chở hàng lên Trạm Vũ trụ Quốc tế hay trạm vũ trụ của Trung Quốc, thực nghiệm các nghiên cứu khoa học về y tế, nông nghiệp, vật liệu…, hoặc là để khám phá các hành tinh xa xôi để tìm kiếm lợi ích cho con người. Tuy nhiên, các bước phát triển thần tốc đó chủ yếu diễn ra tại các cường quốc không gian như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, và một số nước có nền tảng công nghệ mạnh tại châu Á.
Câu hỏi đặt ra là các nước đang phát triển có nên tham gia vào công cuộc chinh phục không gian hay không, và nếu câu trả lời là có, thì đâu là những bước đi cần thiết để đặt nền tảng phát triển trong lĩnh vực nhiều thách thức này.
Lợi ích của ngành kinh tế không gian
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, quy mô của thị trường công nghệ không gian hiện nay khoảng 700 tỷ USD, và con số này sẽ tăng nhanh lên mức khoảng 1.800 tỷ USD vào năm 2035, tức sau hơn 10 năm nữa. Tuy nhiên, con số này chỉ nói về quy mô của thị trường công nghệ không gian, chứ không tính đến những lợi ích lan tỏa của lĩnh vực này đối với các ngành kinh tế, các lĩnh vực kỹ thuật hay xã hội khác.
Có nhiều lý do để không gian trở thành một ưu tiên đối với các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển. Thứ nhất, hạ tầng không gian có thể giúp thu hẹp khoảng cách công nghệ giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển. Thứ hai, hạ tầng không gian có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách tạo ra các ngành công nghiệp và việc làm mới. Thứ ba, hạ tầng không gian có thể giúp các quốc gia đang phát triển tham gia vào nền kinh tế toàn cầu. Cuối cùng, hạ tầng không gian có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân bằng cách mang đến cho họ cơ hội tiếp cận với các công nghệ và tri thức mới.
Theo trang http://www.dereumlabs.com, các quốc gia đang phát triển có nhiều lợi ích khi đầu tư vào hạ tầng không gian, và những thế hệ tương lai sẽ được hưởng lợi từ khoản đầu tư này.
Phát triển hạ tầng không gian là một khoản đầu tư dài hạn, mang lại lợi ích dưới dạng tiến bộ công nghệ và tăng trưởng kinh tế. Khi ngành công nghiệp không gian quốc gia được phát triển, phần lớn tiền đầu tư vào các hệ thống không gian sẽ quay trở lại nền kinh tế quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng.
Sự phát triển của lĩnh vực không gian còn giúp giảm tình trạng “chảy máu chất xám (brain drain)” một vấn đề lớn đối với các quốc gia đang phát triển. Tình trạng này khiến các quốc gia mất đi nguồn nhân lực có kỹ năng, những người có thể đóng góp vào hệ thống đổi mới sáng tạo, giúp hình thành “khối lượng khoa học tối thiểu” cần thiết để xây dựng, củng cố nền tảng phát triển.
Hiện nay, nhiều nhà khoa học và công nghệ từ các quốc gia đang phát triển chọn làm việc tại các quốc gia phát triển vì họ không tìm được cơ hội tại quê nhà. Cách duy nhất để đối phó với vấn đề này là tạo ra các cơ hội để nhân lực chất lượng cao ở lại quốc gia của họ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những lợi ích này chỉ có thể đạt được khi các quốc gia đang phát triển thực hiện các khoản đầu tư cần thiết vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Định hướng phát triển
Đầu tư vào hạ tầng không gian cần được hoạch định cẩn thận, vì cần có sự cân bằng giữa việc phát triển thông qua nghiên cứu và phát triển nội địa, hoặc nhập khẩu từ các nguồn bên ngoài. Cả hai lựa chọn đều không lý tưởng, vì tự lực phát triển từ đầu (development from scratch) có thể mất nhiều thời gian, trong khi nhập khẩu có thể khiến quốc gia chỉ trở thành một nhà vận hành với giá trị gia tăng rất thấp, theo trang http://www.dereumlabs.com. Vì vậy, phương án hợp lý nhất là kết hợp cả hai, có chú trọng đến chuyển giao công nghệ khi tiếp nhận từ nước ngoài. Tuy nhiên, để việc chuyển giao công nghệ thành công, quốc gia tiếp nhận phải đáp ứng tối thiểu các yêu cầu, bao gồm nguồn nhân lực đủ năng lực, cơ sở hạ tầng cơ bản và năng lực tổ chức.
Với hơn 100 quốc gia đã tham gia vào lĩnh vực không gian, ngày càng có nhiều sự quan tâm đến việc phát triển các chiến lược quốc gia độc đáo để nắm bắt cơ hội và mở rộng quy mô kinh doanh trong nền kinh tế không gian.
Để có thể khai thác tối đa tiềm năng của mình trong lĩnh vực không gian, có những yếu tố chung mà mỗi quốc gia cần giải quyết. Mặc dù nhiều người thường nghĩ về các hoạt động không gian như điều gì đó to lớn và xa xôi, nhưng trong bối cảnh này, cũng giống như chính trị, không gian là một vấn đề mang tính địa phương.
Khả năng tiếp cận không gian đang gia tăng, và sự tham gia có hiệu quả đòi hỏi phải xem xét nhiều khía cạnh, từ pháp lý, công nghiệp, nguồn nhân lực cho đến cơ sở hạ tầng, và các hoạt động quốc tế liên quan đến không gian. Điều cần thiết là tập trung vào việc phát triển một hệ sinh thái không gian quốc gia, qua đó tạo ra nền tảng thực sự cho sự thành công, theo trang https://spacenews.com.
Mỗi nước sẽ có con đường khác nhau để phát triển hệ sinh thái không gian của mình. Bên cạnh đó, thực tế chính trị và môi trường kinh doanh tổng thể của một quốc gia cũng có tác động quan trọng, tương tự như văn hóa quốc gia – nơi sự đổi mới được nuôi dưỡng và phát triển.
Kinh nghiệm từ UAE
Cho dù không có một mẫu số chung về phương pháp tiếp cận trong việc phát triển ngành công nghiệp không gian cho mọi quốc gia, kinh nghiệm thành công của Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) cũng rất đáng để tham khảo cho những nước đang phát triển.
Kể từ khi Cơ quan Không gian UAE (UAESA) được thành lập vào năm 2014, UAE đã trở thành một quốc gia tiên phong trong khu vực. Trên phạm vi toàn cầu, UAE cũng thu hút sự chú ý của các quốc gia có nền công nghiệp không gian lâu đời cũng như các nước mới nổi trong lĩnh vực này, nhờ cách tiếp cận nhanh chóng mà UAE đã áp dụng.
Thành tựu không gian của UAE là rất đáng nể. Họ đã đưa phi hành gia đầu tiên của mình lên Trạm Vũ trụ Quốc tế, đang tiến hành Sứ mệnh Sao Hỏa với việc phóng phi thuyền thăm dò hành tinh này, và một kế hoạch đầy tham vọng để xây dựng khu định cư trên Sao Hỏa.
Hiện tại, UAE có 10 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo, phục vụ các mục đích khác nhau, và 8 vệ tinh khác đang được sản xuất, mang lại nhiều lợi ích cho Trái Đất và nhân loại. Vệ tinh đầu tiên của UAE, Thuraya-1, được phóng vào năm 2000, trở thành vệ tinh viễn thông di động đầu tiên của Trung Đông. Các vệ tinh khác bao gồm Al Yah 3 cung cấp các dịch vụ tiên tiến cho 60% dân số châu Phi và hơn 95% Brazil; và KhalifaSat, vệ tinh đầu tiên được chế tạo hoàn toàn bởi các kỹ sư người UAE, chuyên cung cấp hình ảnh độ phân giải cao phục vụ quy hoạch đô thị, giám sát môi trường, và hỗ trợ cứu trợ trong các thảm họa.
UAE đã tích lũy thêm kinh nghiệm thông qua hợp tác quốc tế, thúc đẩy chuyển giao tri thức và trao đổi kinh nghiệm. Nước này đã ký hơn 30 thỏa thuận song phương với các cơ quan không gian và tổ chức quốc tế, phát triển mối quan hệ mạnh mẽ với NASA, hợp tác với các công ty không gian Mỹ như Boeing, Northrop Grumman, và Lockheed Martin.
UAE cũng sẽ sớm triển khai một chòm vệ tinh radar khẩu độ tổng hợp (SAR) nhằm hỗ trợ khu vực tư nhân. Chòm vệ tinh SAR sẽ tạo ra các hình ảnh radar chi tiết về việc sử dụng đất, băng bao phủ và các thay đổi bề mặt, với nhiều ứng dụng khoa học và thương mại.
Ngoài các dự án và vệ tinh phục vụ nhiều mục đích khác nhau, UAE còn có Chính sách Không gian, Chiến lược Không gian Quốc gia và Kế hoạch Xúc tiến Đầu tư Không gian, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp không gian thương mại quốc gia và khu vực.
Bà Sarah Al Amiri, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Công cộng và Công nghệ Tiên tiến của UAE, đồng thời là Chủ tịch UAESA, cho biết sự tiến bộ này không phải là điều bất ngờ.
“Chúng tôi đang đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp không gian để biến nó trở thành một lĩnh vực kinh tế nổi bật trong nước. Chúng tôi cần tiếp tục xây dựng năng lực để thiết kế và phát triển tàu vũ trụ từ góc độ thương mại, đồng thời xây dựng một hệ sinh thái toàn diện xoay quanh lĩnh vực này. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang làm việc để tận dụng dữ liệu không gian vào các ứng dụng thương mại,” bà Al Amiri chia sẻ trên trang https://www.timesaerospace.aero.
Những thành tựu nêu trên trong lĩnh vực không gian của UAE không chỉ dựa vào sự hợp tác và chuyển giao công nghệ từ những ông lớn trong lĩnh vực không gian như NASA, mà còn từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là về nguồn nhân lực.
Đóng vai trò đầu tàu trong việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chính là UAESA. Cơ quan không gian này thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với Bộ Giáo dục UAE, khuyến khích các chương trình STEM để khơi dậy tinh thần khoa học nơi trẻ em từ sớm; hợp tác với các đại học trong nước để đẩy mạnh các ngành học liên quan đến không gian; hợp tác với các cơ quan không gian các nước để tổ chức các hội thảo chuyên ngành trong lĩnh vực này. UAESA cũng tích cực hỗ trợ sinh viên chuyên ngành khoa học-kỹ thuật qua việc tài trợ học bổng, tiếp nhận thực tập sinh, và các hoạt động hỗ trợ khác.
Các trường đại học tại UAE đóng một vai trò không thể thiếu trong việc phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực không gian. Chẳng hạn, Viện Khoa học và Công nghệ Masdar từ năm 2015 đã hợp tác với Công ty Truyền thông Vệ tinh Al Yah và Orbital ATK Inc nhằm tạo ra một chương trình đào tạo về Khoa học Không gian Tiên tiến, dưới sự điều phối và giám sát của UAESA.
Năm 2017, Viện Khoa học và Công nghệ Masdar đã sáp nhập với Đại học Khalifa, và cơ cấu cũ của Viện Masdar hiện nay là một phần của Đại học Khalifa và được gọi là “cơ sở Thành phố Masdar.” Chương trình Công nghệ và Phát triển tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã cung cấp đánh giá học thuật và tư vấn cho Viện Masdar, giúp nâng cao chất lượng đào tạo khoa học cho trường.
Một cơ sở đào tạo khác là Học viện Không gian Quốc gia, là đứa con tinh thần của UAESA, với sự hỗ trợ từ Quỹ Không gian Quốc gia. Học viện này, đã bắt đầu các khóa đào tạo vào quý 1 năm 2024, được thiết kế để nuôi dưỡng và nâng cao kiến thức chuyên môn của giới trẻ UAE trong lĩnh vực khoa học và công nghệ không gian, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe nhất, theo trang web https://space.gov.ae.
Bằng cách trang bị cho thế hệ trẻ kiến thức và kỹ năng đẳng cấp thế giới, học viện đóng góp đáng kể vào thành công bền vững của Chương trình Không gian UAE. Thông qua các hội thảo chuyên đề và hoạt động thực hành, học viện thúc đẩy chuyển giao kiến thức nhanh chóng cho các chuyên gia tương lai trong ngành công nghiệp không gian, đồng thời khơi dậy sự tò mò và đam mê sâu sắc trong các lĩnh vực khoa học liên quan đến không gian.
Phương pháp tiếp cận đa diện của học viện tập trung vào hai trụ cột chính. Thứ nhất, học viện ưu tiên phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động người UAE, trang bị cho họ chuyên môn cần thiết để phát triển trong lĩnh vực không gian. Thứ hai, học viện nhấn mạnh khía cạnh thực hành và kiến thức chuyên môn được tùy chỉnh cho các mục tiêu khác nhau trong lĩnh vực không gian.
Bà Sarah Al Amiri, Chủ tịch UAESA, cho biết: “Học viện sẽ cung cấp một mô hình độc đáo trong việc chuyển đổi kiến thức lý thuyết thành kinh nghiệm thực tế, nhằm giúp các sinh viên tốt nghiệp đóng góp hiệu quả vào ngành không gian quốc gia.”
Nhân lực là công thức thành công
Trong một bài viết trên trang SpaceWatch.Global, Nicolas Peter, hiện là Chủ tịch của Đại học Không gian Quốc tế (ISU), đồng thời là là Giáo sư về Chính sách Không gian và Quan hệ Quốc tế, nhấn mạnh rằng nhân lực là yếu tố cốt lõi bên cạnh vốn đầu tư, nếu quốc gia nào muốn thành công trong phát triển ngành công nghiệp không gian.
Những trở ngại lớn nhất mà ngành công nghiệp không gian đang phải đối mặt, dù là với các cơ quan chính phủ hay công ty không gian, nằm ở hai điều không chắc chắn: sự bất định trong việc tiếp cận nguồn tài trợ, và một sự bất định âm thầm ít được chú ý – vấn đề về nguồn nhân lực – bao gồm giáo dục, đào tạo và giữ chân nhân tài trong ngành.
“Cả hai thách thức này đều đóng vai trò quan trọng đối với các quốc gia, cơ quan, công ty, cũng như các tổ chức nghiên cứu và công nghệ, trong việc duy trì khả năng thực hiện mục tiêu đồng thời giữ được tính cạnh tranh,” ông viết.
Theo Nicholas Peter, nguồn vốn, bao gồm cả tài chính và con người (financial and human capital), là hai yếu tố chính trong mọi hệ sinh thái không gian. Đặc biệt, vốn nhân lực cần thời gian để phát triển, nhưng mang lại những lợi ích lâu dài và quan trọng. Tuy nhiên, “yếu tố con người” thường bị lu mờ bởi những lo ngại về ngân sách hoặc sự phát triển công nghệ.
Ngành công nghiệp không gian từ lâu đã dựa vào khả năng nội tại trong việc khơi dậy sự tò mò của giới trẻ về khám phá không gian, truyền cảm hứng để họ theo đuổi các ngành STEM, giúp xây dựng một xã hội có trình độ khoa học cao hơn, với hy vọng rằng điều này sẽ đủ để cung cấp một nguồn nhân lực liên tục cho ngành. Điều cần được làm rõ là ngành không gian có chỗ cho tất cả mọi người, không chỉ dành cho các phi hành gia, hay các lãnh đạo cơ quan và công ty không gian.
Những cá nhân với sự nghiệp và thành tựu xuất sắc chỉ là phần nổi – đỉnh băng trôi, những gì dễ thấy. Phần quan trọng thực sự nằm ở phần chìm của tảng băng – phần lớn hơn, không thể nhìn thấy, đại diện cho nhu cầu lao động chủ yếu của ngành. Đây là những chuyên gia đóng vai trò then chốt, làm cho các sứ mệnh trở thành hiện thực: họ xây dựng vệ tinh và tên lửa, vận hành chúng, phát triển các khung pháp lý và chính sách phù hợp, và nhiều hơn thế nữa.
Triết lý 3 chữ “I” – Quốc tế (International), Liên văn hóa (Intercultural), và Liên ngành (Interdisciplinary) – khuyến khích các chuyên gia hiện có mang đến nền tảng, kinh nghiệm và chuyên môn của họ vào ngành công nghiệp không gian. Mục tiêu là tạo ra một hệ sinh thái lành mạnh và đa dạng, đồng thời tạo không gian cho tất cả mọi người. Chính sự đa dạng này trong các đội ngũ, công ty, cơ quan, và toàn ngành sẽ thúc đẩy đổi mới và các ý tưởng mới.
Với góc nhìn tương tự, hai tác giả Kevin M. O’Connell và Kelli Kedis Ogborn trong một bài viết học thuật trên trang https://spacenews.com cũng nhấn mạnh rằng các hệ sinh thái không gian phát triển mạnh dựa vào nguồn nhân lực tài năng, ổn định và liên tục, và phụ thuộc vào sự kết hợp giữa nhân tài kỹ thuật và phi kỹ thuật.
“Không gian bắt đầu từ lớp học, và chúng ta cần các thế hệ tương lai hướng tới những cơ hội trong lĩnh vực này và nhìn thấy bản thân họ là một phần của hệ sinh thái… Điều này có nghĩa là đầu tư vào giáo dục và khơi dậy sự quan tâm đến STEM, đồng thời phát triển các kỹ năng mềm có thể chuyển đổi (như tư duy phản biện và kỹ năng giao tiếp) cho học sinh ở mọi cấp độ, cũng như tập trung vào khả năng hiểu biết về kinh doanh và tài chính,” hai tác giả viết.
Ngoài ra, trong khuôn khổ phát triển không gian, cần thúc đẩy việc thành lập các công ty quốc gia. Đây nên là một nỗ lực của nhà nước, không nên hoàn toàn để thị trường tự điều chỉnh. Đối với các công ty trong nước mới thành lập, cạnh tranh với các công ty không gian nước ngoài lâu đời không hề dễ dàng. Vì vậy, để tạo sân chơi bình đẳng, chính phủ các quốc gia đang phát triển cần khuyến khích sự phát triển của các công ty không gian mới thông qua các chương trình ưu đãi, hỗ trợ khác nhau.
Không gian là một lĩnh vực quan trọng đối với tất cả các quốc gia, nhưng đặc biệt quan trọng với các nước đang phát triển. Bằng cách đầu tư vào không gian, các quốc gia đang phát triển có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, trở nên độc lập hơn và truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai. Tuy nhiên, thúc đẩy phát triển không gian không hề dễ dàng; nó đòi hỏi sự tập trung, quyết tâm và tầm nhìn dài hạn. Chỉ khi có những yếu tố này, các quốc gia đang phát triển mới có thể bước vào Kỷ nguyên Không gian, theo trang http://www.dereumlabs.com.
Việc đào tạo luôn luôn là hết sức thiết yếu để có thể tận dụng được những thành tựu khổng lồ cùng vô vàn ứng dụng của ngành công nghiệp không gian. Lấy ví dụ khá đơn giản là qua các bản tin dự báo thời tiết hàng ngày, chúng ta có được thông tin về nắng, mưa, về sức gió, về đường đi của bão,… Tuy nhiên, để có được những thông tin cụ thể đó, những chuyên gia dự báo phải được đào tạo bài bản để có thể đọc và hiểu được dữ liệu cung cấp từ vệ tinh, từ đó có thể cung cấp thông tin tương đối chính xác cho xã hội.
Các chuyên gia này phải được đào tạo cơ bản về khí tượng học, khoa học khí quyển, hoặc các lĩnh vực liên quan như vật lý, toán học, hoặc khoa học môi trường. Họ phải lĩnh hội được kiến thức đa dạng trong chuyên ngành của mình, từ động lực học khí quyển, viễn thám, cho đến khả năng vận hành các kỹ thuật và công cụ dự báo thời tiết… Ngoài kiến thức căn bản, các nhà khí tượng học còn cần nghiên cứu sâu vào các mô hình khí hậu và hiện tượng khí quyển, và học hỏi kinh nghiệm về dự báo và phân tích dữ liệu. Khí tượng học hiện đại phụ thuộc nhiều vào công nghệ, vì vậy các nhà khí tượng học ngày nay còn được đào tạo để sử dụng radar thời tiết và hệ thống vệ tinh; ứng dụng siêu máy tính để mô hình hóa và mô phỏng; và hiểu biết sâu về hệ thống thông tin địa lý (GIS) để phân tích dữ liệu không gian. |