
20% số ca sốt xuất huyết là do biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến gần 20% số ca sốt xuất huyết kỷ lục trên toàn thế giới trong năm nay, các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết hôm thứ Bảy tuần qua, làm sáng tỏ việc nhiệt độ tăng cao làm lan truyền bệnh tật.
Lâu nay, các nhà nghiên cứu đang tập trung vào việc chứng minh biến đổi khí hậu do con người gây ra trực tiếp góp phần vào các hiện tượng thời tiết cực đoan (extreme weather) như bão, cháy rừng, hạn hán và lũ lụt đã tàn phá thế giới trong năm nay. Tuy nhiên, việc tìm hiểu sự nóng lên toàn cầu ảnh hưởng đến sức khỏe – như thúc đẩy sự bùng phát hoặc lan truyền bệnh tật – vẫn là một lĩnh vực mới.
“Sốt xuất huyết là căn bệnh đầu tiên rất đáng để tập trung nghiên cứu vì nó cực kỳ nhạy cảm với khí hậu (climate sensitive),” Erin Mordecai, nhà sinh thái học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Stanford, cho biết.
Căn bệnh do virus này, lây truyền qua vết cắn của muỗi nhiễm bệnh, gây sốt và đau nhức cơ thể, và trong một số trường hợp có thể gây tử vong.
Thông thường, sốt xuất huyết chỉ giới hạn ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, nhưng nhiệt độ tăng cao đã khiến muỗi mở rộng địa bàn, mang theo căn bệnh này.
Trong nghiên cứu mới, một nhóm nhà nghiên cứu Mỹ đã xem xét mối liên hệ giữa nhiệt độ nóng hơn và các ca sốt xuất huyết ở 21 quốc gia thuộc châu Á và châu Mỹ.
Trung bình, khoảng 19% các ca sốt xuất huyết hiện nay trên toàn cầu “có liên quan đến khí hậu nóng lên “, Mordecai, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết. Nhiệt độ từ 20-29 độ C là lý tưởng để sốt xuất huyết lây lan, Mordecai nói.
Các khu vực cao của Peru, Mexico, Bolivia và Brazil, nơi nhiệt độ sẽ ấm lên đến mức này, có thể chứng kiến số ca sốt xuất huyết tăng tới 200% trong 25 năm tới, các nhà nghiên cứu phát hiện.
Mordecai nhấn mạnh rằng nguy cơ này là “một lý do nữa để bạn quan tâm đến biến đổi khí hậu”.
Vi khuẩn là cứu tinh?
Hơn 12,7 triệu ca sốt xuất huyết đã được ghi nhận trên toàn cầu trong năm nay tính đến tháng 9, gần gấp đôi kỷ lục của năm 2023, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tuy nhiên, Mordecai cho biết việc “báo cáo thiếu rất nhiều (under-reporting)” khiến con số thực tế có thể lên tới gần 100 triệu ca.
Nghiên cứu đã được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Hoa Kỳ ở New Orleans.
Một nghiên cứu khác chưa được bình duyệt đã mang lại hy vọng về một công cụ tiềm năng giúp chống lại sự gia tăng sốt xuất huyết.
Nghiên cứu này liên quan đến việc nuôi muỗi nhiễm vi khuẩn phổ biến gọi là Wolbachia, có khả năng ngăn chặn muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
Cách đây 5 năm, muỗi nhiễm Wolbachia đã được phát tán tại hầu hết thành phố Niteroi, Brazil. Và khi Brazil trải qua đợt bùng phát sốt xuất huyết tồi tệ nhất trong năm nay, số ca sốt xuất huyết ở Niteroi chỉ tăng nhẹ.
Số ca bệnh cũng thấp hơn 90% so với trước khi muỗi Wolbachia được phát tán — và “không giống với những gì đang xảy ra ở phần còn lại của Brazil”, Katie Anders thuộc Chương trình Muỗi Thế giới cho biết.
Việc thành phố đạt kết quả tốt cho thấy rằng “Wolbachia có thể cung cấp sự bảo vệ lâu dài cho cộng đồng trước các đợt bùng phát sốt xuất huyết ngày càng thường xuyên trên toàn cầu”, Anders nói.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã hợp tác với chính phủ Brazil để xây dựng một cơ sở sản xuất muỗi Wolbachia, với hy vọng bảo vệ hàng triệu người.
Một con muỗi Aedes aegypti được nhìn qua kính hiển vi tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Sức khỏe thuộc Đại học El Salvador, nơi các nhà nghiên cứu làm việc trong phòng thí nghiệm để phát hiện virus sốt xuất huyết, tại San Salvador, El Salvador, ngày 9-7-2024. Ảnh: REUTERS.