
CÓ THỂ SỐNG TRÊN MẶT TRĂNG SAO MỘC?
- 𝗡𝗔𝗦𝗔 đ𝗮̃ đ𝗮̂̀𝘂 𝘁𝘂̛ 𝟱,𝟮 𝘁𝘆̉ 𝗨𝗦𝗗 𝗰𝗵𝗼 𝘃𝗶𝗲̣̂𝗰 𝗽𝗵𝗼́𝗻𝗴 𝘁𝗮̀𝘂 𝘃𝘂̃ 𝘁𝗿𝘂̣ 𝗘𝘂𝗿𝗼𝗽𝗮 𝗖𝗹𝗶𝗽𝗽𝗲𝗿
- 𝟰.𝟬𝟬𝟬 𝗻𝗴𝘂̛𝗼̛̀𝗶 đ𝗮̃ 𝗹𝗮̀𝗺 𝘃𝗶𝗲̣̂𝗰 𝘁𝗿𝗼𝗻𝗴 𝗴𝗮̂̀𝗻 𝟭𝟬 𝗻𝗮̆𝗺 𝗰𝗵𝗼 𝗱𝘂̛̣ 𝗮́𝗻 𝗻𝗮̀𝘆
Sứ mệnh Europa Clipper đã được phóng thành công lúc 11g06 đêm qua (giờ Việt Nam), ngày 14-10. Tàu vũ trụ đã tách khỏi tên lửa Falcon Heavy và bắt đầu hành trình kéo dài 5,5 năm tới Europa là một mặt trăng của Sao Mộc, nhằm tìm hiểu xem nơi đó có phù hợp cho sự sống hay không.
Tàu vũ trụ Europa Clipper của NASA — được thiết kế để khám phá mặt trăng Europa của sao Mộc — đã cất cánh trên tên lửa Falcon Heavy của SpaceX từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida.
Vụ phóng này đã được mong đợi từ lâu và ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 10-10, nhưng bị trì hoãn do cơn bão Milton. Tuy nhiên, các chuyên gia đã đánh giá tình trạng các cơ sở phóng sau cơn bão và cho phép tàu vũ trụ quay lại bệ phóng.
Hiện tại, tàu vũ trụ đã đi vào quỹ đạo thành công và NASA xác nhận họ đã nhận được tín hiệu từ Europa Clipper khoảng một giờ 10 phút sau khi phóng, điều này có nghĩa là trung tâm điều khiển sứ mệnh đang liên lạc với tàu vũ trụ và nhận dữ liệu.
“Đây là sự khởi đầu của hành trình khám phá,” Jenny Kampmeier, kỹ sư hệ thống khoa học tại Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA ở Pasadena, California, phát biểu trong buổi phát sóng trực tiếp của NASA. “Tất cả những gì chúng ta học được từ Europa sẽ thật tuyệt vời. Tất cả các ngành khoa học (scientific disciplines) đều có thể học hỏi được điều gì đó từ đây, và nó sẽ thay đổi hiểu biết của chúng ta về vị trí của mình trong vũ trụ nếu đây là một thế giới có thể hỗ trợ sự sống.”
Clipper sẽ mang theo chín thiết bị và một thí nghiệm trọng lực để điều tra đại dương bên dưới lớp vỏ băng dày của Europa. Người ta ước tính rằng đại dương này chứa lượng nước gấp đôi các đại dương của Trái đất.
“Các thiết bị sẽ cùng làm việc để trả lời những câu hỏi cấp bách nhất (pressing questions) của chúng ta về Europa,” Robert Pappalardo, nhà khoa học dự án sứ mệnh tại JPL, cho biết trong một tuyên bố. “Chúng ta sẽ tìm hiểu điều gì khiến Europa vận hành (what make Europa tick), từ lõi và lớp ruột đá của nó đến đại dương và lớp vỏ băng, đến bầu khí quyển mỏng và môi trường không gian xung quanh.”
Tàu vũ trụ cũng mang theo hơn 2,6 triệu cái tên được gửi đến từ các quốc gia trên khắp thế giới và một bài thơ của Nhà thơ người Mỹ Laureate Ada Limón.
Những gì sẽ diễn ra sau khi phóng
Sau khi phóng, tàu vũ trụ sẽ di chuyển 2,9 tỷ km và dự kiến sẽ đến sao Mộc vào tháng 4 năm 2030. Trên đường tới Europa, tàu vũ trụ sẽ thực hiện hai thao tác trọng lực để tăng tốc: gần sao Hỏa vào tháng 2 năm 2025 và gần Trái Đất vào tháng 12 năm 2026. Những thao tác này sẽ giúp tàu vũ trụ nhập vào quỹ đạo ban đầu quanh sao Mộc vào tháng 4 năm 2030.
Tàu Europa Clipper sẽ hoạt động cùng lúc với tàu Juice của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), tàu này sẽ nghiên cứu hai mặt trăng khác của sao Mộc là Ganymede và Callisto.
Clipper là tàu vũ trụ lớn nhất mà NASA từng chế tạo cho một sứ mệnh hành tinh, rộng 30,5 mét khi các tấm năng lượng mặt trời mở ra. Các tấm pin khổng lồ này sẽ giúp hấp thụ đủ ánh sáng mặt trời để cung cấp năng lượng cho các thiết bị và điện tử của tàu vũ trụ trong quá trình điều tra Europa, nơi cách Mặt trời xa gấp năm lần so với Trái đất.
Sau khi đến sao Mộc, tàu vũ trụ sẽ thực hiện một loạt các thao tác bổ sung để đưa nó vào quỹ đạo hoạt động. Europa Clipper sẽ bắt đầu chương trình khoa học chính vào đầu năm 2031. Tàu thăm dò sẽ thực hiện 49 lần bay gần Europa, tiếp cận gần tới 25 km phía trên bề mặt. Nó sẽ phải chịu bức xạ mạnh — tương đương với hàng triệu lần chụp X-quang lồng ngực ở mỗi lần bay qua.
Nếu sứ mệnh không gặp phải bất kỳ vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng nào, NASA hy vọng sẽ kéo dài tuổi thọ của Europa Clipper trong tương lai.
Có thể sống trên mặt trăng Sao Mộc không?
Sứ mệnh Europa Clipper nhằm trả lời câu hỏi mấu chốt: Có nơi nào khác trong hệ Mặt trời của chúng ta có thể hỗ trợ sự sống không?
“Europa là một trong những nơi hứa hẹn nhất để tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất,” bà Gina DiBraccio, quan chức NASA, nói trong một cuộc họp báo vào tháng trước.
Nếu Europa có chứa các yếu tố cần thiết để cho phép sự sống tồn tại, sẽ có một chuyến bay khác để thực hiện một sứ mệnh nhằm tìm kiếm câu trả lời cụ thể.
“Đây là cơ hội để chúng ta khám phá một thế giới không chỉ có thể đã có sự sống hàng tỷ năm trước,” giống như sao Hỏa, nhà khoa học của chương trình Europa Clipper, Curt Niebur, nói với các phóng viên, “mà là một thế giới có thể sống được ngay bây giờ, ngay trong thời điểm hiện tại.”
Sự sống nguyên thuỷ?
Mặc dù sự tồn tại của Europa đã được biết đến từ năm 1610, nhưng phải đến năm 1979 những hình ảnh cận cảnh đầu tiên mới được chụp bởi các tàu thăm dò Voyager, cho thấy những đường đỏ nhạt bí ẩn chạy ngang dọc bề mặt của nó.
Tàu thăm dò tiếp theo đến được mặt trăng băng giá của sao Mộc là tàu Galileo của NASA vào những năm 1990, và phát hiện ra khả năng cao rằng mặt trăng này có một đại dương.
Lần này, tàu thăm dò Europa Clipper sẽ mang theo một loạt các thiết bị tiên tiến, bao gồm máy quay, quang phổ kế, radar và máy đo từ trường để đo lực từ của nó.
Sứ mệnh sẽ xác định cấu trúc và thành phần của bề mặt băng giá của Europa, độ sâu và thậm chí cả độ mặn của đại dương của nó, cũng như cách hai yếu tố này tương tác với nhau — để tìm hiểu xem nước có nổi lên bề mặt ở một số nơi hay không.
Mục tiêu là để hiểu liệu ba yếu tố cần thiết cho sự sống có tồn tại hay không, gồm nước, năng lượng và một số hợp chất hóa học nhất định.
Nếu các điều kiện này tồn tại trên Europa, sự sống có thể được tìm thấy trong đại dương ở dạng vi khuẩn nguyên thủy, bà Bonnie Buratti, phó khoa học dự án của sứ mệnh, giải thích.
Nhưng vi khuẩn có thể sẽ ở quá sâu khiến cho Europa Clipper khó có thể nhìn thấy.
Và nếu Europa không thể hỗ trợ sự sống thì sao? “Điều đó cũng mở ra một loạt câu hỏi khác (whole wealth of questions): Tại sao chúng ta lại nghĩ điều này? Và tại sao nó lại không có ở đó?” bà Nikki Fox, quản trị viên liên kết tại NASA, nói.
“Bỏ qua câu hỏi ‘Liệu có sự sống?’ trên Europa, chỉ riêng câu hỏi về khả năng hỗ trợ sự sống đã mở ra một mô hình mới to lớn trong việc tìm kiếm sự sống trong thiên hà,” ông Niebur, nhà khoa học của chương trình Europa Clipper, cho biết.
Khoảng 4.000 người đã làm việc cho sứ mệnh trị giá 5,2 tỷ USD này trong khoảng một thập kỷ. NASA cho biết khoản đầu tư này là xứng đáng với tầm quan trọng của các dữ liệu sẽ được thu thập.
𝘛𝘦̂𝘯 𝘭𝘶̛̉𝘢 𝘍𝘢𝘭𝘤𝘰𝘯 𝘏𝘦𝘢𝘷𝘺 đ𝘶̛𝘢 𝘌𝘶𝘳𝘰𝘱𝘢 𝘊𝘭𝘪𝘱𝘱𝘦𝘳 𝘷𝘢̀𝘰 𝘬𝘩𝘰̂𝘯𝘨 𝘨𝘪𝘢𝘯. 𝘈̉𝘯𝘩: 𝘢𝘳𝘴𝘵𝘦𝘤𝘩𝘯𝘪𝘤𝘢