
Khả năng đứng thăng bằng một chân tiết lộ tuổi sinh học của bạn
Việc đứng thăng bằng trên một chân không chỉ là một động tác yoga khó nhằn. Nghiên cứu mới đây cho thấy nó có thể tiết lộ mức độ lão hóa của cơ thể bạn.
Đứng thăng bằng trên một chân có vẻ như là một nhiệm vụ đơn giản, đúng không? Nhưng đây là điều có thể làm bạn phải suy nghĩ lại: bất kỳ sự lắc lư hay nguy cơ ngã nào cũng có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang già đi nhanh hơn bạn tưởng.
Các nhà nghiên cứu tại Mayo Clinic ở Minnesota, Mỹ, đã phát hiện rằng thời gian bạn có thể đứng thăng bằng trên một chân có thể cho biết tốc độ mà hệ thống cảm nhận thần kinh cơ của bạn đang lão hóa, đặc biệt đối với người cao tuổi.
Hệ thống này là một tập hợp các dây thần kinh kết nối cơ bắp với não và tủy sống, cho phép cơ bắp hoạt động khi cần thiết. Sự suy giảm của hệ thống này diễn ra song song với quá trình lão hóa và có thể dẫn đến các cử động và phản xạ chậm hơn.
“Việc thăng bằng trên một chân đòi hỏi nhiều yếu tố về chức năng sinh lý, mỗi yếu tố thường suy giảm theo tuổi tác, bao gồm sức mạnh ở chân và cơ bắp duy trì tư thế, sự phối hợp thần kinh cơ và thông tin cảm nhận và phản xạ nguyên vẹn,” Giáo sư David Proctor, chuyên gia về lão hóa và vận động tại Đại học Pennsylvania State, Mỹ, người không tham gia nghiên cứu, cho biết.
“Nỗ lực ngăn chặn hoặc làm chậm sự mất đi sức mạnh cơ bắp và khả năng thăng bằng ở tuổi già có thể là yếu tố quyết định giữa việc duy trì sự độc lập trong sinh hoạt (remaining functionally independent) và việc phải nhập viện sớm!”
Nghiên cứu được công bố trên PLOS đã đánh giá khả năng thăng bằng của 40 người tham gia từ 50 đến 80 tuổi trên một chân. Tất cả người tham gia có chiều cao, cân nặng và mức độ hoạt động tương tự nhau — điểm khác biệt duy nhất là tuổi tác của họ.
Mỗi người được yêu cầu đứng thăng bằng trong 30 giây bốn lần: hai lần mỗi chân, lần đầu nhắm mắt và sau đó mở mắt. Để xem tuổi tác ảnh hưởng đến khả năng thăng bằng ra sao, nhóm nghiên cứu đã theo dõi số giây mà mỗi người có thể thực sự đứng thăng bằng trong khoảng thời gian quy định 30 giây.
Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng, cứ mỗi 10 năm tuổi tăng thêm, sự lắc lư (swaying) tăng 6,3% khi mở mắt và 10,5% khi nhắm mắt. Nghiên cứu cũng cho thấy thời gian thăng bằng giảm 2,2 giây mỗi thập kỷ trên chân không thuận (non-dominant leg) và 1,7 giây trên chân thuận.
Điều này cho thấy thời gian một người có thể thăng bằng là thước đo thuyết phục (va;id measure) về quá trình lão hóa và đối với người cao tuổi, đó cũng là dấu hiệu về nguy cơ té ngã.
Việc thăng bằng trong 30 giây không đòi hỏi quá nhiều sức mạnh cơ bắp, nhưng đòi hỏi sự kiểm soát thần kinh cơ (neuromuscular control) đầy đủ. Tuy nhiên, khi tuổi tăng lên, cả hai yếu tố này đều giảm, gây ra sự lắc lư nhiều hơn và thời gian thăng bằng ngắn hơn.
Vậy bạn có thể làm gì? Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bài tập thăng bằng và các hoạt động như bơi lội, chạy bộ hoặc đạp xe có thể ngăn chặn sự suy giảm này do tuổi tác.