
Đưa thiên nhiên trở lại sân trường
Đâu là khác biệt giữa một sân trường lát bê-tông hay trải nhựa với một sân trường rợp bóng cây và líu lo chim hót? Đâu là khác biệt giữa một không gian khô cháy, đầy trở ngại đối với trẻ em giờ ra chơi và một môi trường râm mát đầy mời mọc?
Câu trả lời là hiển nhiên nơi các hành động, các sáng kiến, các dự án mà nhiều tổ chức trên thế giới đang mạnh mẽ xúc tiến, đặc biệt trong vài năm qua. Đưa thiên nhiên trở lại sân trường đã dấy lên thành một phong trào rộng khắp. Và bài viết này, trong khuôn khổ giới hạn nhất định, chỉ xin đề cập đến các sáng kiến và nỗ lực xanh hóa sân trường tại Mỹ do tính chất tiên phong ở nước này.
Nhiều khuôn viên trường học tại Mỹ được lát bằng bề mặt nhựa nóng và thiếu tán cây ở những nơi trẻ em thường xuyên lui tới, vì vậy hàng triệu học sinh từ mầm non đến lớp 12 phải chịu đựng nóng bức. Khi nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu, các sân trường này gây ra rủi ro ngày càng tăng cho sức khỏe trẻ em khi chúng ở ngoài trời, đồng thời làm tăng nhiệt độ trong lớp học.
Biến sân trường thành những ốc đảo xanh
Phong trào làm xanh sân trường và kết nối học sinh với thiên nhiên đang ngày càng lan rộng ở Hoa Kỳ, dựa trên các ý tưởng về tính bền vững đô thị và thiết kế sinh thái, giúp nâng cao thành tích học tập, sức khỏe cộng đồng, và phúc lợi của trẻ em.
Tại Hoa Kỳ, nhiều tổ chức, bao gồm Green Schoolyards America, Children & Nature Network, Trust for Public Land, v.v., đã thúc đẩy các sáng kiến nhằm phục hồi thiên nhiên tại các trường học để mang lại nhiều lợi ích cho giáo dục và cộng đồng.
Green Schoolyards America đã khởi xướng Hệ thống Rừng Sân trường, với mục tiêu biến các khuôn viên trường học phủ nhựa thành những không gian xanh giống như công viên, cải thiện phúc lợi, học tập và vui chơi của trẻ em, đồng thời góp phần vào sức khỏe sinh thái và khả năng chống chịu khí hậu của cộng đồng. Hệ thống Rừng Sân trường là một sáng kiến quốc gia nhằm tăng cường “tán cây dễ tiếp cận cho trẻ em” trên các khuôn viên trường công lập trên toàn nước Mỹ để che chắn và bảo vệ học sinh từ lớp mầm non đến lớp 12 khỏi nhiệt độ cực đoan và sự gia tăng nhiệt độ do biến đổi khí hậu.
Rừng sân trường là những ốc đảo khí hậu trên các khuôn viên trường học, được thiết kế để nuôi dưỡng và bảo vệ học sinh khỏi nhiệt độ cực đoan và xây dựng khả năng chống chịu cho tương lai.
Rừng sân trường bao gồm những cụm cây lớn, nơi học sinh có thể tìm nơi trú ẩn khi thời tiết nóng; được thiết kế để khuyến khích học sinh tiếp cận bóng râm trong các hoạt động học tập ngoài trời, các hoạt động thể chất, các buổi họp tổ, nhóm và vui chơi; và khuyến khích học sinh tham gia vào thiết kế, trồng và chăm sóc cây cối.
Green Schoolyards America kỳ vọng tất cả trẻ em đều có quyền tiếp cận hàng ngày với thiên nhiên ngay tại khuôn viên trường của mình. Theo tổ chức này, các khuôn viên trường có tác dụng như cơ sở hạ tầng xanh cho các thành phố, giúp phát triển các đô thị khỏe mạnh, cải thiện khả năng giảm thiểu biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng không khí.
Trong khi đó, Children & Nature Network (C&NN) cũng đã áp dụng một chương trình tương tự được gọi là Phong Trào Sân Trường Xanh. Theo mạng lưới này, việc làm xanh sân trường tạo ra những môi trường phong phú kết nối thiên nhiên mang tính bền vững.
Sân trường xanh là một phần cốt lõi của tầm nhìn rộng hơn nhằm phục hồi mối tương quan giữa con người và thế giới tự nhiên. Phong trào sân trường xanh có khả năng đưa thiên nhiên đến với mọi trẻ em mỗi ngày, đồng thời cải thiện hệ sinh thái địa phương, môi trường học tập và sức khỏe của mọi người.
Vào năm 2023, C&NN đã khởi xướng một tầm nhìn chiến lược mới mang tên Nature Everywhere (Thiên nhiên Khắp nơi) nhằm tăng cường quyền tiếp cận công bằng với thiên nhiên ở mọi nơi trẻ em sống, học tập và chơi đùa. C&NN đặt chỉ tiêu thực hiện sáng kiến Nature Everywhere ở 100 cộng đồng vào năm 2025, sau khi đã triển khai tại 69 cộng đồng cho đến nay.
Trong khi đó, một tổ chức phi lợi nhuận khác, Trust for Public Land (TPL), đã khẩn trương khởi xướng việc cải tạo các sân trường trên toàn nước Mỹ, xây dựng một phong trào đầu tư vào sân trường để đối phó với các mối đe dọa của biến đổi khí hậu, và đến nay đã giúp hơn 300 trường học đạt được điều này.
Việc cải tạo sân trường không chỉ đạt được khả năng chống chịu khí hậu mà còn mang lại nhiều lợi ích hơn. Các sân trường được xanh hóa nhằm cung cấp cho trẻ em một không gian sống động để chơi đùa trong giờ nghỉ. Các dự án Community Schoolyards (Sân trường cộng đồng) khuyến khích học tập ngoài trời nơi các khu vực có bóng râm và vườn. Chúng tạo cơ hội cho trẻ em tham gia vào việc học và thực hành STEM, khai thác và phân tích sức mạnh của các giải pháp dựa trên thiên nhiên để đối phó với biến đổi khí hậu.
“Chúng tôi tập trung vào các cộng đồng mà trẻ em dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu,” Danielle Denk, giám đốc sáng kiến Community Schoolyards của TPL, cho biết. “Vì vậy, chúng tôi đã mở rộng các chương trình của mình ở Los Angeles và Oakland, California, nơi có các hiện tượng đảo nhiệt bề mặt đáng kể, và ở New York và Philadelphia, nơi tình trạng ngập lụt ngày càng nghiêm trọng.”
Brendan Shane, giám đốc khí hậu của TPL, chỉ ra rằng ở nhiều thị trấn và thành phố, sân trường và các tòa nhà trường học (chủ yếu bằng nhựa đường, bê tông, đá và gạch) tạo thành các đảo nhiệt mini rất có hại. Sử dụng hình ảnh vệ tinh và mô hình máy tính, các nhà khoa học dữ liệu tại TPL phát hiện rằng trên toàn nước Mỹ, 36% trong số 50.8 triệu học sinh công lập phải học tập ở các đảo nhiệt, được định nghĩa là có nhiệt độ trung bình cao hơn ít nhất từ 0,7 độ C so với khu vực xung quanh
Lợi ích từ việc xanh hóa sân trường
C&NN, trích dẫn nhà quy hoạch môi trường Sharon Gamson Dank, liệt kê nhiều lợi ích từ sân trường xanh đối với học sinh. Theo mạng lưới này, sân trường xanh cung cấp cơ hội cho học sinh kết nối với môi trường xung quanh và có trải nghiệm thực tế với thiên nhiên gần kề, đồng thời hiểu rõ hơn về khu vực sống của chính mình. Chúng giúp trẻ em nhận biết mùa với sự thay đổi trong di cư của động vật hoang dã, lá cây màu sắc vào mùa thu và chiều dài của bóng trên mặt đất. Nhiều tài nguyên giáo dục tuyệt vời với chi phí thấp có sẵn ngay bên ngoài cửa lớp học, sẵn sàng được khai thác.
Sân trường xanh thúc đẩy sự phát triển xã hội, thể chất và trí tuệ của trẻ em bằng cách cung cấp môi trường cho trí tưởng tượng, khám phá, phiêu lưu và thưởng thức sự kỳ diệu của thiên nhiên. Khu vực sân trường là nơi thúc đẩy vận động, giúp giải quyết tình trạng béo phì, khuyến khích lối sống lành mạnh hơn thông qua hoạt động thể chất tăng cường.
Sân trường xanh giải quyết các vấn đề môi trường quan trọng theo cách thức đơn giản mà ngay cả trẻ nhỏ cũng có thể tham gia và hiểu biết. Học sinh có thể nhận diện một số vấn đề môi trường ngay tại sân trường của mình, và sau đó học cách giải quyết chúng, làm phong phú góc nhỏ của thế giới của mình bằng sự sáng tạo riêng.
Mặc dù các hành động cá nhân này có thể nhỏ, nhưng cùng nhau, các dự án này có thể cải thiện cơ bản môi trường địa phương và thay đổi sâu sắc cách mà học sinh hiểu về vị trí của họ trong thế giới. Đây là một cách tiếp cận rất tích cực trong lĩnh vực giáo dục môi trường, và là một điểm nhấn lạc quan, đầy cảm hứng, đối lập với sự sợ hãi môi trường và hội chứng thiếu hụt thiên nhiên nơi rất nhiều người, đặc biệt là trẻ em và cư dân nơi đô thị.