
10 nhà thiện nguyện đáng kính
Cho đi là còn mãi
Thành công và giàu có thường đi đôi với nhau. Đối với một số người sở hữu cả hai thứ, có một phẩm chất khá quan trọng: Lòng hảo tâm.
10 nhà thiện nguyện đáng kính
(𝘵𝘩𝘦𝘰 𝘵𝘳𝘢𝘯𝘨 𝘸𝘦𝘣 𝘚𝘰𝘵𝘩𝘦𝘣𝘺’𝘴 𝘐𝘯𝘵𝘦𝘳𝘯𝘢𝘵𝘪𝘰𝘯𝘢𝘭 𝘙𝘦𝘢𝘭𝘵𝘺)
Nhiều cá nhân và gia đình giàu có trên thế giới hiểu rằng sự thịnh vượng của họ có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực sâu sắc khi nó được sử dụng để cải thiện cuộc sống của người khác.
Khi tài khoản ngân hàng của một số người đạt đến một mức cao nào đó, việc tìm kiếm cơ hội “đền đáp” và hỗ trợ các sáng kiến hoặc chương trình giúp đỡ những người kém may mắn trở thành điều bình thường. Ngay cả với việc chỉ cho đi một phần nhỏ tài sản, họ cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn lao.
Góp phần cho tương lai tươi sáng
Việc đóng góp hoặc quyên góp cho các tổ chức từ thiện, chương trình nghiên cứu, quỹ giáo dục hay các sáng kiến chống biến đổi khí hậu có thể cung cấp những sự hỗ trợ thiết yếu. Đó là phát triển công nghệ cứu người, tìm ra phương pháp chữa trị những căn bệnh hiểm nghèo hoặc mãn tính; chống lại cả sự suy thoái của hành tinh. Những hành động như thế đều góp phần bảo vệ một tương lai tươi sáng hơn cho các thế hệ mai sau.
Bạn có đang tìm kiếm nguồn cảm hứng để làm từ thiện? Hãy đọc những hàng dưới đây về những nhà từ thiện hàng đầu thế giới cùng những lĩnh vực họ đặc biệt quan tâm.
Jamsetji Tata
Jamsetji Tata qua đời vào năm 1904. Nhưng cho tới nay, chưa ai chiếm được “ngôi vương từ thiện” của ông. Là nhà công nghiệp tiên phong Ấn Độ, ông đã thành lập tập đoàn Tata mà hiện nay vẫn hoạt động. Jamsetji Tata đã dành cả cuộc đời cho việc tạo ra những tác động tích cực trong xã hội thông qua tài sản doanh nghiệp và tài sản cá nhân.
• Số tiền cho đi: 102,4 tỷ đô la Mỹ.
• Vào các lĩnh vực: Giáo dục, y tế.
Bill và Melinda Gates
Cùng với vợ cũ Melinda Ann French, Bill Gates đang điều hành Quỹ Bill và Melinda Gates, một tổ chức mà tầm ảnh hưởng là khá lớn. Quỹ này hoạt động từ năm 2000. Công việc của Bill và Melinda là tài trợ học bổng, cải thiện vệ sinh ở các quốc gia đang phát triển. Họ hỗ trợ cả việc nghiên cứu y tế, trong đó bao gồm cả việc phát triển vắc xin phòng chống COVID-19.
• Số tiền cho đi: 75,8 tỷ đô la Mỹ.
• Vào các lĩnh vực: Y tế, nghèo đói cùng cực, giáo dục, tiếp cận công nghệ thông tin.
Warren Buffet
Warren Buffet là một trong những nhà hảo tâm nổi bật nhất thế giới vì được giới truyền thông săn đón kỹ. Ông đã cam kết cho đi hơn 99% tài sản của mình. Hiện nay, nhà đầu tư hào phóng này quyên góp hàng tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho Quỹ Bill và Melinda Gates. Ông đồng sáng lập với Bill Gates “The Giving Pledge” – “Cam kết Cho đi”.
• Số tiền cho đi: 46,1 tỷ đô la Mỹ.
• Vào các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, phòng ngừa AIDS, vệ sinh.
George Soros
George Soros đã cam kết sử dụng tiền của dồi dào để chống lại những bất công trong xã hội hiện đại, bao gồm vi phạm nhân quyền, bất bình đẳng kinh tế, bất công trong hệ thống tư pháp hình sự. Quỹ Open Society của ông hoạt động ở nhiều nơi, nhắm đến việc góp phần giải quyết những “vấn đề thời đại.”
• Số tiền cho đi: 32 tỷ đô la Mỹ.
• Vào các lĩnh vực: Y tế, xuất bản chống phát xít, nhân quyền, cải cách kinh tế, pháp lý và xã hội.
Azim Premji
Là một trong những người ký tên tham gia “The Giving Pledge”, Azim Premji là chủ tịch sáng lập của Wipro Limited. Vào năm 2019, ông đã rớt 15 bậc trên danh sách người giàu Forbes Ấn Độ vì đã “cho đi” quá nhiều!
• Số tiền cho đi: 21 tỷ đô la Mỹ
• Vào các lĩnh vực: Giáo dục, y tế.
MacKenzie Scott
MacKenzie Scott là một trong những nhà từ thiện ít tiếng tăm hơn trong số những người giàu có nhất thế giới. Bà đã dùng tiền được chia từ cuộc ly hôn với Jeff Bezos để tài trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận. Đây là những tổ chức đấu tranh chống lại bất công chủng tộc, thúc đẩy bình đẳng giới và hỗ trợ các sáng kiến y tế cộng đồng.
• Số tiền cho đi: 14 tỷ đô la Mỹ.
• Vào các lĩnh vực: Bình đẳng chủng tộc, bình đẳng giới, dân chủ chức năng, và biến đổi khí hậu.
Michael Bloomberg
Cựu thị trưởng New York, từng là ứng viên tổng thống này đặc biệt quan tâm đến biến đổi khí hậu, bất bình đẳng, sức khỏe cộng đồng và an toàn vũ khí. Quỹ Bloomberg Philanthropies của ông nhắm đến việc góp phần giải quyết những vấn đề này và đã quyên góp hàng tỷ đô la Mỹ cho những lĩnh vực nói trên cùng một số lĩnh vực khác nữa.
• Số tiền cho đi: 12,7 tỷ đô la Mỹ.
• Vào các lĩnh vực: Môi trường, sức khỏe cộng đồng, nghệ thuật, đổi mới chính phủ, và giáo dục.
Li Ka-shing
Nhà tỷ phú Hong Kong này nổi tiếng với các khoản đầu tư khôn ngoan và cả nỗ lực từ thiện. Với giá trị tài sản ước tính hơn 37 tỷ đô la Mỹ, ông sở hữu một quỹ lớn hàng thứ hai chỉ sau quỹ của Bill và Melinda Gates. Ông sống giản dị, thường xuyên được ghi nhận vì những đóng góp từ thiện đáng kể.
• Số tiền cho đi: 10,7 tỷ đô la Mỹ.
• Vào các lĩnh vực: Giáo dục, y tế.
Andrew Carnegie
Andrew Carnegie qua đời vào năm 1919. Ông là một nhà công nghiệp Mỹ nổi tiếng gốc Scotland. Trước khi qua đời, ông đã kịp trở thành một trong những nhà từ thiện hào phóng nhất thế giới. Trong 18 năm cuối đời mình, ông đã quyên góp hết gần 90% tài sản cho các tổ chức từ thiện, quỹ và đại học. Năm 1889, ông viết bài báo mang tên “Tin Lành của sự giàu có”, kêu gọi những người có tài sản dùng tiền của để cải thiện xã hội. Sau này, bài báo đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều phong trào từ thiện hiện đại.
• Số tiền cho đi: 9,5 tỷ đô la Mỹ.
• Vào các lĩnh vực: Thư viện, giáo dục, hòa bình.
* Nhiều tỷ phú là người Mỹ
Một lý do khiến nhiều tỷ phú ở Mỹ nằm trong số những nhà hảo tâm hàng đầu thế giới có thể, một phần, là nhờ vào sự ra đời của “The Giving Pledge”. Do Warren Buffet, Bill Gates và Melinda Gates thành lập vào năm 2010, cam kết cho đi này được coi như là “cam kết của những cá nhân và gia đình giàu có nhất thế giới dành phần lớn tài sản của họ cho các mục đích từ thiện.”
Buổi đầu ra mắt, đã có 40 người giàu nhất nước Mỹ tham gia cam kết. Mục tiêu của họ có thể là nhằm thiết lập một “chuẩn mực mới về lòng hảo tâm trong giới siêu giàu.” Ngày nay, đã có thêm các tỷ phú từ nhiều nơi trên thế giới tham gia cam kết.
Những người ký cam kết có thể góp phần tài trợ cho nhiều vấn đề khác nhau theo lựa chọn của họ. Điều này nhằm tạo ra một nỗ lực nhắm đến việc “thay đổi các chuẩn mực xã hội về từ thiện trong giới siêu giàu, khuyến khích mọi người quyên góp nhiều hơn, lập kế hoạch quyên góp sớm hơn và quyên góp một cách thông minh hơn.”
Dù ở đâu, dù tài sản được tạo ra như thế nào, những tỷ phú làm từ thiện cũng đều đang tạo ra sự khác biệt đáng kể trong cộng đồng, xã hội và đất nước. Hành động của họ chính là nguồn lực quan trọng cho các tổ chức giúp đỡ những người cần được giúp đỡ và tham gia vào những nỗ lực nhằm làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Họ là tấm gương cần được ca ngợi và noi theo. Bất cứ ai có đóng góp – ít hay nhiều – và tạo ra được sự khác biệt thì thế giới cũng trở nên tươi sáng hơn.