Một thí nghiệm mới cho thấy bụi Mặt Trăng có thể không độc hại với con người như chúng ta từng nghĩ. Trên thực tế, không khí ô nhiễm tại một con phố đông đúc còn độc hại hơn hít phải bụi Mặt Trăng.

“Kết quả này giúp củng cố cơ sở an toàn cho việc đưa con người quay lại Mặt Trăng,” giáo sư Brian Oliver, chuyên gia Khoa học Sự sống tại Đại học Công nghệ Sydney, nhận định trong một tuyên bố.

Mối lo về độc tính của bụi Mặt Trăng được đặt ra từ thời các sứ mệnh Apollo. Bụi Mặt Trăng mang điện tích tĩnh, nên có thể bám chặt vào bộ đồ phi hành gia. Khi các phi hành gia quay trở lại khoang đổ bộ sau khi đi bộ trên bề mặt Mặt Trăng, bụi bay lơ lửng trong không khí bên trong cabin và bị họ hít vào, dẫn đến các triệu chứng về hô hấp kéo dài khoảng 24 tiếng.

Harrison Schmitt, phi hành gia của Apollo 17, mô tả cảm giác này giống như mắc “sốt mùa cỏ Mặt Trăng”, với triệu chứng như cay mắt, hắt hơi và đau họng.

Không chỉ phi hành gia gặp vấn đề. Khi trở về Trái Đất, bác sĩ phụ trách y tế các chuyến bay Apollo cũng ghi nhận các triệu chứng tương tự sau khi mở các bộ đồ vũ trụ đã qua sử dụng. Đáng chú ý, triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn sau mỗi sứ mệnh, cho thấy việc tiếp xúc lặp lại với bụi Mặt Trăng có thể làm tăng độc tính của nó.

Tuy nhiên, những ghi nhận mang tính giai thoại đó không đủ để đánh giá định lượng về mức độ nguy hại của bụi Mặt Trăng. Vì vậy, Michaela Smith — nghiên cứu sinh tiến sĩ thuộc Nhóm Nghiên cứu Hô hấp tại Đại học Công nghệ Sydney — đã bắt tay vào nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Smith đã sử dụng hai mẫu mô phỏng bụi Mặt Trăng — thay thế cho bụi thật do mẫu vật thật rất hạn chế — đại diện cho bụi ở đồng bằng núi lửa tối và vùng cao cổ xưa trên Mặt Trăng. Các hạt bụi này có kích thước dưới 2,5 micron (1 micron = 1 phần triệu mét), đủ nhỏ để đi sâu vào phổi. Để mô phỏng phổi người, Smith cho tiếp xúc bụi với hai loại tế bào phổi: tế bào phế quản (phổi trên) và tế bào phế nang (phổi dưới).

Sau đó, Smith lặp lại thí nghiệm với bụi mịn thu thập từ một con phố đông đúc ở Sydney để so sánh tác động của bụi Mặt Trăng với ô nhiễm không khí đô thị.

Kết quả cho thấy dù hình dạng gồ ghề và sắc cạnh của bụi Mặt Trăng vẫn gây kích ứng, mức độ ảnh hưởng đến phổi ít nghiêm trọng hơn nhiều so với bụi ô nhiễm ngoài đường phố.

“Điều quan trọng là phân biệt giữa chất gây kích ứng cơ học và chất cực độc,” Smith nói. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy bụi Mặt Trăng có thể gây kích ứng tức thời với đường hô hấp, nhưng không gây nguy cơ mắc các bệnh mãn tính lâu dài như bệnh bụi phổi silic (silicosis) — vốn do hít phải bụi silica tại các công trường xây dựng.”

Phát hiện này là tin tốt với NASA, khi cơ quan này vẫn đặc biệt quan tâm đến vấn đề sức khỏe liên quan đến bụi Mặt Trăng trong kế hoạch sứ mệnh Artemis 3 — chuyến trở lại Mặt Trăng đầu tiên của con người kể từ năm 1972. Nhờ nghiên cứu của Smith, vấn đề bụi Mặt Trăng có thể không còn đáng ngại như trước. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Life Sciences in Space Research.


Mô phỏng một phi hành gia làm việc trên bề mặt Mặt Trăng trong một sứ mệnh Artemis tương lai. Ảnh: NASA


Harrison Schmitt của Apollo 17 phủ đầy bụi Mặt Trăng, thứ khiến ông bị “sốt mùa cỏ Mặt Trăng.” Ảnh: NASA

 

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts