Tưởng nhớ nhà khoa học Ấn Độ từng thách thức thuyết Big Bang

Trong một truyện khoa học viễn tưởng năm 1983, nhà vật lý thiên văn người Ấn Độ Jayant Narlikar đã dự đoán viễn cảnh các trường học vào năm 2050.

Ông hình dung ra một cảnh tượng nơi một sinh vật ngoài hành tinh sống giữa loài người ngồi trước màn hình và tham gia lớp học trực tuyến. Dù sinh vật ngoài hành tinh vẫn chưa xuất hiện, nhưng các lớp học trực tuyến đã trở thành hiện thực sớm hơn nhiều, vào năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Narlikar cũng nổi tiếng khi đưa ra một lý thuyết thay thế cho Thuyết Vụ Nổ Lớn (Big Bang) – ý tưởng phổ biến cho rằng vũ trụ được tạo ra từ một điểm duy nhất trong một khoảnh khắc duy nhất. Ông tin rằng vũ trụ đã luôn tồn tại và liên tục mở rộng đến vô tận.

Với sự ra đi của ông hôm thứ Ba, Ấn Độ đã mất đi một trong những nhà vật lý thiên văn được kính trọng nhất. Narlikar hưởng thọ 86 tuổi – một con người đi trước thời đại, người đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nhà nghiên cứu trẻ tại Ấn Độ bằng sự cống hiến trọn đời cho giáo dục khoa học.

Tang lễ của ông có sự tham dự của hàng trăm người, từ học sinh, các nhà khoa học nổi tiếng cho đến nhân viên phục vụ trong nhà – cho thấy ảnh hưởng sâu sắc của ông đối với xã hội.

Sinh ngày 19 tháng 7 năm 1938 tại thị trấn Kolhapur, bang Maharashtra phía tây Ấn Độ, Narlikar lớn lên trong một gia đình có truyền thống học thuật. Cha ông, Vishnu Narlikar, là một giáo sư toán học, còn mẹ ông, bà Sumati, là học giả về ngôn ngữ Sanskrit.

Tiếp bước cha mẹ, Narlikar đến Đại học Cambridge để học cao hơn và tốt nghiệp thủ khoa một chương trình toán học danh giá. Tại đây, ông bắt đầu say mê thiên văn học và vũ trụ học.

Tuy nhiên, bước ngoặt quan trọng nhất của ông tại Cambridge là khi ông trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của nhà vật lý Sir Fred Hoyle. Cùng nhau, Narlikar và Hoyle đã xây dựng nền tảng cho một lý thuyết cách mạng nhằm thay thế thuyết Big Bang.

Hai nhà vật lý này bác bỏ Thuyết Vụ Nổ Lớn – vốn cho rằng toàn bộ vật chất và năng lượng trong vũ trụ được tạo ra trong một khoảnh khắc cách đây khoảng 13,8 tỷ năm. Họ đưa ra lý thuyết Hoyle–Narlikar, đề xuất rằng vật chất mới liên tục được tạo ra trong một vũ trụ vô hạn, theo mô hình gọi là “trạng thái gần như ổn định” (quasi-steady state).

Trong cuốn hồi ký My Tale of Four Cities (Câu chuyện bốn thành phố của tôi), Narlikar đã dùng hình ảnh ngân hàng để giải thích lý thuyết này: “Để hiểu rõ hơn khái niệm này, hãy tưởng tượng số vốn gửi vào ngân hàng có lãi suất kép cố định. Lãi sẽ liên tục cộng dồn vào vốn, khiến vốn cũng tăng dần theo thời gian, cùng với lãi.”

Ông giải thích rằng vũ trụ cũng mở rộng như khoản tiền có lãi kép. Tuy nhiên, như tên gọi “trạng thái ổn định” ngụ ý, vũ trụ luôn có vẻ như không thay đổi đối với người quan sát.

Nhà thiên văn học Somak Raychaudhury nhận xét rằng dù lý thuyết của Narlikar không phổ biến bằng Thuyết Big Bang, nhưng vẫn hữu ích.

“Ông đã đề xuất các cơ chế để vật chất có thể được tạo ra và hủy diệt liên tục trong một vũ trụ vô hạn. Dù mô hình Big Bang được chấp nhận rộng rãi hơn, nhưng nhiều công cụ được phát triển cho mô hình trạng thái ổn định vẫn còn giá trị cho đến nay,” Raychaudhury nói.

Raychaudhury nhớ rằng ngay cả khi Hoyle bắt đầu chấp nhận một số yếu tố của thuyết Big Bang, Narlikar vẫn trung thành với lý thuyết của mình. Một tấm biển trước văn phòng của ông ghi dòng chữ đậm chất châm biếm: “Big Bang là một chuyện thần thoại bùng nổ.”

Narlikar ở lại Vương quốc Anh đến năm 1971 với tư cách là thành viên của King’s College và là một trong những người sáng lập Viện Thiên văn Lý thuyết. Khi danh tiếng ông lan rộng trong giới thiên văn học quốc tế, cộng đồng khoa học Ấn Độ bắt đầu chú ý.

Năm 1972, ông trở về Ấn Độ và nhanh chóng tiếp quản Nhóm Thiên văn học Lý thuyết tại Viện Nghiên cứu Cơ bản Tata danh tiếng, nơi ông lãnh đạo đến năm 1989.

Nhưng đóng góp lớn nhất của ông cho Ấn Độ là việc sáng lập một viện nghiên cứu hiện đại và phổ cập khoa học cho công chúng. Giấc mơ đó thành hiện thực năm 1988, khi Narlikar và các nhà khoa học khác thành lập Trung tâm Liên đại học về Thiên văn học và Vật lý thiên văn (IUCAA) tại thành phố Pune, miền tây Ấn Độ.

Từ một căn phòng nhỏ chưa tới 10 mét vuông, IUCAA đã trở thành một tổ chức có uy tín quốc tế. Narlikar là giám đốc sáng lập cho đến năm 2003 và sau đó tiếp tục làm giáo sư danh dự.

Ông kiên quyết yêu cầu IUCAA tổ chức các chương trình dành cho học sinh và công chúng – với các buổi thuyết trình hằng tháng, trại hè khoa học và hội thảo trở thành hoạt động thường xuyên.

Nhà giáo dục khoa học Arvind Gupta nhớ lại tầm nhìn của ông: “Ông từng nói rằng các nghiên cứu sinh tiến sĩ không rơi từ trên trời xuống – phải phát hiện và nuôi dưỡng các em từ sớm. Ông cho tôi một chỗ ở, bảo tôi thử điều hành trung tâm khoa học thiếu nhi trong 6 tháng, và tôi ở lại đến 11 năm. Ông đã cho tôi đôi cánh để bay.”

Dù là một học giả có hơn 300 công trình nghiên cứu, Narlikar không gò bó mình trong giới khoa học hàn lâm. Ông còn viết nhiều truyện khoa học viễn tưởng, được dịch ra nhiều ngôn ngữ. Những câu chuyện này thường dựa trên nguyên lý khoa học thực tế.

Trong truyện ngắn Virus xuất bản năm 2015, ông dự đoán một đại dịch toàn cầu; còn cuốn sách Waman Parat Na Ala (Vaman quay lại) xuất bản năm 1986 khai thác các vấn đề đạo đức của trí tuệ nhân tạo.

Sanjeev Dhurandhar – thành viên nhóm Ấn Độ góp phần vào việc phát hiện sóng hấp dẫn năm 2015 – kể rằng chính Narlikar đã truyền cảm hứng cho ông dám theo đuổi điều tưởng như không thể. “Ông giao cho tôi một bài toán phức tạp khi tôi còn là sinh viên. Sau một tuần tôi vẫn loay hoay thì ông giải nó trên bảng chỉ trong 15 phút – không phải để thể hiện, mà để hướng dẫn và truyền cảm hứng. Chính sự cởi mở của ông đối với sóng hấp dẫn đã cho tôi dũng khí để theo đuổi nó,” Dhurandhar kể lại.

Là một nhà duy lý nổi tiếng, Narlikar cũng không ngại lên tiếng phản đối các thuyết ngụy khoa học. Năm 2008, ông đồng tác giả một nghiên cứu dùng phương pháp thống kê để phản bác chiêm tinh học.

Raychaudhury cho biết động lực của ông đến từ niềm tin rằng phải chất vấn mọi điều không có cơ sở khoa học. Nhưng khi nói đến khoa học, Narlikar luôn tin vào việc khám phá cả những khả năng mong manh nhất.

Trong những ngày cuối đời, ông vẫn miệt mài làm điều ông yêu thích nhất – trả lời thư của trẻ em và viết bài khoa học trên blog cá nhân.

Narlikar nổi tiếng khi đưa ra lý thuyết thay thế cho thuyết Big Bang. Ảnh:Getty Images

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts