
Tiểu hành tinh từng gây báo động Trái Đất có thể lao vào Mặt Trăng
Một tiểu hành tinh mang tên 2024 YR4 từng làm dấy lên cảnh báo toàn cầu do nguy cơ va chạm với Trái Đất, nhưng hiện nay đã xuất hiện khả năng nhỏ tiểu hành tinh này có thể va chạm với Mặt Trăng, và có thể tạo ra các mảnh vỡ gây nguy hiểm cho vệ tinh và các hoạt động không gian của con người.
Ban đầu, Mạng Cảnh Báo Tiểu Hành Tinh Quốc Tế (IAWN), sau khi thực hiện các quan sát, đã lần đầu tiên trong lịch sử đưa ra khả năng nhỏ nhưng có thật về việc tiểu hành tinh này sẽ va chạm với Trái Đất vào năm 2032. Các nhà thiên văn học Phần Lan cùng một nhóm nghiên cứu quốc tế đã nhanh chóng vào cuộc, sử dụng các kính thiên văn từ Quần đảo Canary cho đến Kính viễn vọng không gian James Webb của NASA để theo dõi tiểu hành tinh, xác định rõ kích thước, quỹ đạo và mức độ rủi ro va chạm của nó.
Cảnh báo toàn cầu đầu tiên từ IAWN
Tiểu hành tinh 2024 YR4 được phát hiện vào tháng 12 năm 2024 và chỉ vài tuần sau đó đã thu hút sự chú ý quốc tế. Vào ngày 29-1-2025, nó đã kích hoạt cảnh báo đầu tiên trong lịch sử từ IAWN, sau khi các phép tính sơ bộ cho thấy có 1,3% khả năng va chạm với Trái Đất vào ngày 22-12-2032. Dựa trên ước tính kích thước từ 40 đến 90 mét, tiểu hành tinh được xếp mức 3/10 trên thang Torino, nghĩa là đủ để cần theo dõi chặt chẽ.
Đáp lại, cộng đồng thiên văn toàn cầu đã triển khai một chiến dịch quan sát phối hợp. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Helsinki, bao gồm tiến sĩ Zuri Gray và Grigori Fedorets, đã đóng vai trò dẫn đầu, theo dõi liên tục tiểu hành tinh từ ngày 30-1.
Họ sử dụng kính viễn vọng quang học Bắc Âu (NOT) có đường kính 2,5 mét đặt tại La Palma, Quần đảo Canary – công cụ lâu đời của các nhà thiên văn Phần Lan chuyên nghiên cứu các vật thể gần Trái Đất – để đo chính xác vị trí và chuyển động của tiểu hành tinh.
“Chúng tôi tập trung vào việc đo đạc chính xác vị trí và chuyển động của tiểu hành tinh, cũng như phân tích vòng quay, kích thước và hình dạng của nó. Những dữ liệu này rất quan trọng để dự đoán tốt hơn quỹ đạo trong tương lai và xác định lại khả năng va chạm,” Gray cho biết.
Nguy cơ va chạm với Mặt Trăng xuất hiện
Giữa tháng 2, xác suất va chạm với Trái Đất đạt đỉnh là 3% – mức cao nhất từ trước đến nay đối với một tiểu hành tinh có kích thước này từng được ghi nhận. Tuy nhiên, việc quan sát bị gián đoạn tạm thời do trăng tròn che mất tín hiệu mờ của tiểu hành tinh. Ngay sau đó, các nhà nghiên cứu Phần Lan là những người đầu tiên thu được dữ liệu mới, giúp giảm đáng kể khả năng va chạm xuống còn dưới 0,001%.
Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất cũng cho thấy một nguy cơ mới: hiện có 4% khả năng tiểu hành tinh va chạm với Mặt Trăng.
“Nếu tiểu hành tinh va vào Mặt Trăng, hệ Trái Đất – Mặt Trăng có thể bị bao phủ bởi các hạt bụi và mảnh vỡ bắn ra từ Mặt Trăng và tiểu hành tinh, điều này có thể đe dọa đến hạ tầng và hoạt động không gian của con người,” Giáo sư Viện Hàn lâm Karri Muinonen giải thích.
Kính viễn vọng James Webb cung cấp dữ liệu hồng ngoại quan trọng
Kính James Webb đã quan sát tiểu hành tinh vào ngày 26-3. Nhà nghiên cứu sau tiến sĩ Eric MacLennan là thành viên chủ chốt phân tích dữ liệu hồng ngoại của tiểu hành tinh, cho biết: “Ước tính ban đầu về đường kính của tiểu hành tinh chỉ dựa vào ánh sáng khả kiến, vốn phụ thuộc vào kích thước và độ phản chiếu của bề mặt.”
Sau nhiều giờ làm việc, nhóm nghiên cứu xác định: có 95% khả năng tiểu hành tinh có đường kính từ 46 đến 74 mét. Việc xác định kích thước này sẽ giúp giới thiên văn đánh giá hậu quả nếu va chạm với Mặt Trăng xảy ra.
Dù rủi ro đã giảm, các đài quan sát trên Trái Đất và trong không gian sẽ tiếp tục theo dõi tiểu hành tinh này cho đến tháng 4 hoặc 5 năm 2025, trước khi nó trở nên không thể quan sát từ Trái Đất cho đến lần tiếp cận gần tiếp theo vào năm 2028.
Tiểu hành tinh từng được cho là có khả năng va chạm với Trái Đất vào năm 2032 đã nhanh chóng được kiểm soát nhờ nỗ lực của các nhà thiên văn học toàn cầu. Quỹ đạo của nó đã được làm rõ, tuy nhiên vẫn còn một rủi ro nhỏ đối với Mặt Trăng. Ảnh: SciTechDaily.com