
CÁC PHI HÀNH GIA KHI TRỞ VỀ TRÁI ĐẤT: “NGỒI CŨNG KHÓ”
Ba phi hành gia – những người đã phải nhập viện bất ngờ sau khi trở về từ Trạm Vũ trụ Quốc tế trên chuyến bay SpaceX Crew-8 vào cuối tháng Mười vừa qua – đã chia sẻ một vài mẩu chuyện về những thử thách khi tái thích nghi (readjusting to life) với cuộc sống trên Trái Đất sau hơn 230 ngày trong không gian.
Các phi hành gia đã nói về một số triệu chứng mà họ gặp phải trong quá trình thích nghi với môi trường có trọng lực.
“Tôi là người lần đầu bay vào không gian và bị cuốn hút bởi quá trình tái thích nghi này,” phi hành gia NASA Matthew Dominick, chỉ huy của chuyến bay, chia sẻ. “Có những chuyện lớn mà các bạn muốn nghe — như mất phương hướng, chóng mặt. Nhưng những điều nhỏ nhặt như việc chỉ đơn giản là ngồi lên một chiếc ghế cứng… Tôi đã không ngồi vào thứ gì cứng trong 235 ngày.”
Dominick kể lại rằng gần đây anh đã ngồi ngoài trời cùng gia đình ăn tối và buộc phải nằm xuống trên một chiếc khăn trong sân để tiếp tục trò chuyện vì ghế ngồi quá khó chịu.
Dominick cùng với các phi hành gia NASA khác là Michael Barratt và Jeanette Epps trả lời các câu hỏi vào thứ Sáu tuần trước, 8-11-2024.
“Trọng lượng và sức nặng của mọi thứ thật bất ngờ,” Epps chia sẻ về trải nghiệm khi trở về Trái Đất. “Tôi đã nằm bất cứ khi nào có cơ hội. Nhưng bạn phải di chuyển và phải tập thể dục mỗi ngày, nếu không bạn sẽ không phục hồi.”
Barratt, Dominick, Epps và Grebenkin đã trải qua 235 ngày trong không gian trước khi trở về Trái Đất bằng cách hạ cánh trên mặt nước ngoài khơi bờ biển Florida trên một khoang SpaceX Crew Dragon vào ngày 25-10.
NASA cho biết khoang SpaceX đã “thực hiện hồi quyển và hạ cánh trên mặt nước bình thường,” và cả bốn thành viên trong phi hành đoàn được nhìn thấy cười và vẫy tay khi rời khỏi khoang trên tàu cứu hộ.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, NASA tiết lộ rằng cả đoàn đã được đưa đến một bệnh viện gần đó “vì cẩn trọng.” Cơ quan vũ trụ sau đó tiết lộ rằng một trong các phi hành gia gặp vấn đề y tế và phải ở lại bệnh viện qua đêm.
“Vào thời điểm thích hợp, chúng tôi sẽ công khai và ghi chép lại những điều này, nhưng hiện tại, quyền riêng tư về y tế là rất quan trọng đối với chúng tôi,” Barratt, một bác sĩ và phi hành gia kỳ cựu đồng thời là phi công của nhiệm vụ Crew-8, chia sẻ.
Phi hành đoàn Crew-8 đã được phóng vào không gian vào ngày 3-3-2024 và ở lại lâu hơn dự kiến do những rủi ro kỹ thuật. Sự điều chỉnh lịch trình này đã làm trì hoãn việc trở về của Crew-8, vì Crew-9 cần phải đến phòng thí nghiệm quỹ đạo để chuyển giao nhiệm vụ trước khi Crew-8 có thể rời khỏi đó.
Trong khi nhiệm vụ kéo dài 235 ngày này lâu hơn một vài tuần so với các chuyến đi thường lệ đến trạm vũ trụ, thì đây không phải là thời gian kỷ lục lưu trú trong không gian của các phi hành gia.
Các phi hành gia đôi khi phải ở lại trên trạm vũ trụ thêm vài ngày, vài tuần, hoặc thậm chí vài tháng khi có những sự kiện bất ngờ xảy ra. Ví dụ, phi hành gia NASA Frank Rubio đã ghi nhận kỷ lục 371 ngày trong không gian trong một nhiệm vụ kết thúc vào tháng 9-2023. Thời gian ở lại của Rubio bị kéo dài sau khi phương tiện quay trở lại quỹ đạo Trái Đất thấp ban đầu của anh ấy — một tàu vũ trụ Soyuz của Nga — gặp sự cố rò rỉ chất làm mát khi đang đậu tại trạm vũ trụ.

Hội chứng thích nghi không gian
Trong khi việc tái hòa nhập với Trái đất là một trải nghiệm không mấy dễ chịu, thì việc thích ứng với điều kiện ngoài không gian cũng là một thách thức lớn.
Bốn thành viên phi hành đoàn trên sứ mệnh Polaris Dawn của SpaceX vào tháng 9-2024 đều báo cáo các cảm giác thể chất khác nhau trong chuyến đi lịch sử đưa các phi hành gia tư nhân lên quỹ đạo cao hơn quanh Trái Đất.
“Tầm nhìn của tôi bắt đầu suy giảm trong vài ngày đầu,” Scott “Kidd” Poteet, cựu phi công Không quân Mỹ, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Đồng đội của anh, Anna Menon, kỹ sư của SpaceX và là sĩ quan y tế của sứ mệnh Polaris Dawn, cho biết cô đã gặp phải cái gọi là hội chứng thích nghi không gian. Đây là một hiện tượng ảnh hưởng đến khoảng 60% đến 80% những người du hành lên quỹ đạo, mặc dù các phi hành gia hiếm khi công khai thảo luận về tình trạng này.
“Nó có thể là cả một loạt trải nghiệm từ chóng mặt (lightheadedness), buồn nôn, đến mức nôn mửa,” Menon nói. “Tôi đã thực sự trải qua toàn bộ các triệu chứng này.”
Du hành vào không gian — với lực gia tốc thay đổi mạnh mẽ và trạng thái không trọng lực gây rối loạn (disorienting weightlessness) — có thể tạo ra nhiều ảnh hưởng khác nhau đến cơ thể con người, từ khó chịu đến nguy hiểm nghiêm trọng. NASA đã từ lâu nghiên cứu các triệu chứng này, vì các phi hành gia của cơ quan này đã báo cáo các hiện tượng tương tự trong nhiều thập kỷ qua.
Nhưng sứ mệnh Polaris Dawn — chuyến hành trình kéo dài năm ngày lên quỹ đạo do khu vực tư nhân thực hiện thay vì NASA — đã tìm cách đưa nghiên cứu này đi xa hơn, với hy vọng giải đáp một số khía cạnh rắc rối nhất của việc bay vào không gian.
Trong suốt sứ mệnh, phi hành đoàn đã thực hiện nhiều thí nghiệm tập trung vào sức khỏe, bao gồm đeo kính áp tròng đặc biệt để đo áp lực trong mắt và thực hiện quét MRI để theo dõi sự thay đổi trong cấu trúc não của họ.
“Khoảng 600 người đã lên quỹ đạo trong 60 năm qua — hơn một nửa đã gặp phải hội chứng thích nghi không gian,” theo lời Jared Isaacman, nhà sáng lập công ty công nghệ thanh toán Shift4, và là người đã tài trợ và chỉ huy sứ mệnh chưa từng có này.
Mục tiêu sáng lập của SpaceX là đưa người lên sao Hỏa và cuối cùng thiết lập một căn cứ ở đó.
“Nếu bạn nghĩ về một tương lai nơi có hàng ngàn người sống trong không gian và cuối cùng — sau hành trình chín tháng — bạn đến bề mặt sao Hỏa, và một phần lớn (những người này) gặp phải thay đổi thị lực khiến họ không thể làm việc — thì đó là một vấn đề lớn,” Menon nói về lý do tại sao SpaceX hy vọng tìm ra câu trả lời cho các vấn đề y tế lớn trong không gian.
Thí nghiệm “cyborg”
Trong sứ mệnh vào tháng Chín, phi hành đoàn Polaris Dawn đã thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian thương mại đầu tiên cũng như mạo hiểm tiến vào dải bức xạ Van Allen của Trái Đất, nơi các tia bức xạ từ mặt trời bị giữ lại.
Những báo cáo ban đầu từ phi hành đoàn Polaris Dawn không tiết lộ các tác động sức khỏe cụ thể do phơi nhiễm bức xạ, mặc dù Isaacman nói rằng anh thấy “những tia sáng hoặc đốm sáng” khi nhắm mắt, tương tự như những gì mà các phi hành gia NASA khác đã trải qua khi đi qua các khu vực có bức xạ cao. Hiện tượng này vẫn chưa được hiểu rõ.
Tuy nhiên, Poteet cho biết tầm nhìn của anh giảm rõ rệt trong vài ngày đầu ở không gian. NASA ước tính có tới 70% phi hành gia gặp phải tình trạng này, có thể do dịch cơ thể thay đổi, dẫn đến áp lực thay đổi trong mắt.
Sự thay đổi thị lực của Poteet có thể đã xuất hiện trong dữ liệu được thu thập từ kính áp tròng đặc biệt mà phi hành đoàn đeo, mà họ đặt biệt danh là “thí nghiệm cyborg.” Menon giải thích rằng những kính áp tròng này được thiết kế để thu thập dữ liệu về áp suất giữa hai mắt (interocular pressure) trong suốt sứ mệnh của họ.
Tổng cộng, đội ngũ Polaris Dawn đã thực hiện 36 thí nghiệm thay mặt cho 31 tổ chức đối tác, bao gồm các trường đại học và NASA.
Trở lại Trái Đất, Poteet báo cáo rằng thị lực của anh nhanh chóng trở lại bình thường. Mặc dù gặp vấn đề về thị lực trong chuyến đi, Poteet cho biết anh hài lòng khi không gặp phải chứng buồn nôn thường liên quan đến hội chứng thích nghi với không gian.
Trước khi cất cánh, Isaacman – thành viên duy nhất của phi hành đoàn có kinh nghiệm bay vào không gian trước đó – đã nói với CNN rằng thuốc dùng để điều trị các triệu chứng của hội chứng thích nghi không gian có thể làm người ta ngủ đến khoảng tám tiếng (eight hours or so).
Một thí nghiệm khác mà phi hành đoàn Polaris Dawn thực hiện để hiểu các bệnh lý trong không gian bao gồm một loạt các lần quét MRI ngay trước khi cất cánh và ngay sau khi trở lại Trái Đất.
“Các kết quả MRI đó cũng cho thấy sự thay đổi trong cấu trúc não,” Menon nói.
Những thay đổi này bao gồm não dịch chuyển lên trong hộp sọ của các phi hành gia, cho dù các đánh giá ban đầu về dữ liệu MRI không cho thấy bất kỳ phát hiện nào đáng lo ngại về mặt lâm sàng. Du hành vào không gian cũng có thể làm giãn các khoang chứa dịch ở trung tâm não.
Sarah Gillis, người làm việc tại SpaceX và huấn luyện các phi hành gia NASA chuẩn bị cho các chuyến đi lên quỹ đạo, nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN trước khi cất cánh rằng “du hành vũ trụ không phải lúc nào cũng là điều hào nhoáng” vì tình trạng vi trọng lực có thể gây ra những khó chịu cho cơ thể con người.
