Các nhà nghiên cứu sử dụng mô hình trí tuệ nhân tạo xác định rằng mục tiêu giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp hiện gần như không thể đạt được, đồng nghĩa với mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ nêu ra tại Hội nghị Khí hậu Paris rất có thể sẽ thất bại.

Một nghiên cứu được công bố ngày 10-12 trên tạp chí Geophysical Research Letters chỉ ra rằng những năm tới có khả năng thiết lập kỷ lục nhiệt chưa từng có. Các nhà nghiên cứu ước tính có 50% khả năng nhiệt độ toàn cầu sẽ vượt quá 2 độ C, ngay cả khi các mục tiêu hiện tại nhằm đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào thập niên 2050 được thực hiện.

Mặc dù các nghiên cứu trước đây, bao gồm các báo cáo từ Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), cho rằng việc giảm phát thải (decarbonization) với tốc độ này có thể giữ mức tăng nhiệt dưới 2 độ C, nhưng những phát hiện mới đi ngược lại sự lạc quan này, nhấn mạnh khó khăn trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu.

“Chúng ta đã chứng kiến những tác động ngày càng tăng trên toàn thế giới trong những năm gần đây, từ các đợt nắng nóng, mưa lớn đến các hiện tượng cực đoan khác. Nghiên cứu này cho thấy rằng, ngay cả trong kịch bản tốt nhất, chúng ta rất có khả năng vẫn sẽ đối mặt với điều kiện khắc nghiệt hơn so với những gì đã trải qua gần đây,” nhà khoa học khí hậu Noah Diffenbaugh từ Trường Bền vững Doerr của Stanford, đồng tác giả nghiên cứu cùng với Elizabeth Barnes, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Bang Colorado, cho biết.

Năm nay dự kiến sẽ vượt qua năm 2023 để trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận (on record), với nhiệt độ trung bình toàn cầu dự kiến tăng vượt ngưỡng 1,5 độ C so với mức nền thời kỳ tiền công nghiệp, khi con người chưa bắt đầu đốt nhiên liệu hóa thạch trên diện rộng để phục vụ công nghiệp. Theo nghiên cứu mới, có đến 90% khả năng năm nóng nhất thế kỷ này sẽ nóng hơn ít nhất nửa độ C ngay cả khi giảm phát thải nhanh chóng.

Ứng dụng AI trong dự báo khí hậu

Trong nghiên cứu mới, Diffenbaugh và Barnes đã huấn luyện một hệ thống AI để dự đoán nhiệt độ toàn cầu có thể tăng cao đến đâu tùy thuộc vào tốc độ giảm phát thải.

Khi huấn luyện AI, các nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu nhiệt độ và khí nhà kính từ các kho lưu trữ lớn mô phỏng khí hậu. Tuy nhiên, để dự đoán sự nóng lên trong tương lai, họ cung cấp cho AI dữ liệu nhiệt độ lịch sử thực tế, cùng với một số kịch bản phát thải khí nhà kính được sử dụng rộng rãi.

“AI đang nổi lên như một công cụ cực kỳ mạnh mẽ để giảm bớt sai sót trong các dự báo tương lai. Nó học hỏi từ nhiều mô phỏng khí hậu đã tồn tại, nhưng dự đoán của nó được tinh chỉnh hơn nhờ các quan sát thực tế,” Barnes, giáo sư khoa học khí quyển tại Đại học Bang Colorado, cho biết.

Nghiên cứu này bổ sung vào cơ sở nghiên cứu ngày càng tăng, cho thấy thế giới gần như chắc chắn đã không còn cơ hội đạt được mục tiêu tham vọng hơn của Hiệp định Khí hậu Paris năm 2015, trong đó gần 200 quốc gia cam kết giữ sự nóng lên lâu dài “dưới mức 2 độ” và nỗ lực tránh vượt 1,5 độ.

Một nghiên cứu thứ hai, cũng từ Barnes và Diffenbaugh, được công bố ngày 10 tháng 12 trên tạp chí Environmental Research Letters cùng đồng tác giả Sonia Seneviratne từ ETH-Zurich, cho thấy rằng nhiều khu vực như Nam Á, Địa Trung Hải, Trung Âu và một số nơi ở châu Phi hạ Sahara có thể vượt quá mức tăng 3 độ C vào năm 2060 trong kịch bản phát thải tiếp tục tăng – sớm hơn so với các nghiên cứu trước đây.

Trong kịch bản phát thải đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào thập niên 2050 – kịch bản lạc quan nhất được sử dụng rộng rãi trong mô hình khí hậu – các nhà nghiên cứu nhận thấy có 90% khả năng năm nóng nhất thế kỷ này sẽ nóng hơn ít nhất 1,8 độ C so với mức nền thời kỳ tiền công nghiệp, và 66% khả năng tăng ít nhất 2,1 độ C.

Trong kịch bản phát thải giảm quá chậm để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2100, Diffenbaugh và Barnes nhận thấy có 90% khả năng năm nóng nhất sẽ nóng hơn 3 độ C so với mức nền thời kỳ tiền công nghiệp. Trong kịch bản này, nhiều khu vực có thể trải qua các hiện tượng nhiệt độ bất thường gấp ba lần những gì đã xảy ra vào năm 2023.

Cần đầu tư vào thích ứng với biến đổi khí hậu

Dự đoán mới nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư không chỉ vào giảm phát thải mà còn vào các biện pháp làm cho con người và hệ thống tự nhiên chống chịu tốt hơn trước nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán gia tăng, mưa lớn và các hậu quả khác của sự nóng lên tiếp diễn.

Lâu nay, những nỗ lực này thường bị đặt ở vị trí thứ yếu (take a back seat) so với việc giảm phát thải carbon, khi các khoản đầu tư vào giảm phát thải vượt xa chi tiêu cho thích ứng trong tài chính khí hậu toàn cầu và các chính sách liên quan.

“Các kết quả của chúng tôi cho thấy rằng, ngay cả khi tất cả nỗ lực và đầu tư vào giảm phát thải thành công, vẫn có nguy cơ thực sự rằng nếu không có các khoản đầu tư tương ứng vào thích ứng, con người và hệ sinh thái sẽ phải đối mặt với điều kiện khí hậu cực đoan hơn nhiều so với những gì họ đã chuẩn bị,” Diffenbaugh cho biết.


Nhiệt độ toàn cầu có khả năng vượt ngưỡng 1,5°C, và các hiện tượng thời tiết cực đoan dự kiến sẽ trầm trọng hơn ngay cả khi giảm phát thải nhanh chóng. Đầu tư vào thích ứng là cần thiết để quản lý rủi ro hiệu quả trong tương lai. Ảnh: SciTechDaily.com

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts