
Tinh thần “Phúc âm của sự giàu có” trong máu doanh nhân Mỹ
Truyền thống thiện nguyện trong giới doanh nhân Mỹ là một phần không thể tách rời của nền kinh tế – xã hội nước này, bắt nguồn từ những nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Thiện nguyện trong máu doanh nhân Mỹ từ thế kỷ 19
Hạt giống của thiện nguyện trong giới doanh nhân Mỹ đã được gieo trong giai đoạn cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Đó là thời điểm các nhà tài phiệt công nghiệp như Andrew Carnegie, John D. Rockefeller hay Henry Ford đã tích lũy được những khối tài sản khổng lồ. Nhưng cùng với sự giàu có, ý thức về bất bình đẳng trong xã hội của họ cũng tăng lên. Đối với các doanh nhân này, thiện nguyện hẳn đã trở thành một cách để cân bằng thành công trong kinh doanh với trách nhiệm đạo đức.
Andrew Carnegie, ông vua thép và nhà thiện nguyện nổi tiếng, đã vươn lên từ con nhà nghèo ở Scotland, trở thành một trong những người giàu nhất nước Mỹ vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Ông đã thành lập Công ty Thép Carnegie, cách mạng hóa ngành công nghiệp này. Tin tưởng vào trách nhiệm của người giàu trong việc cho đi, ông đã quyên góp phần lớn tài sản cho các tổ chức giáo dục, văn hóa, ủng hộ việc làm thiện nguyện và viết rõ ra trong tác phẩm “The Gospel of Wealth” (Phúc âm của sự giàu có). Ông Carnegie lập luận rằng những người Mỹ giàu có phải mang trách nhiệm dùng tài sản tích lũy được vì lợi ích chung, ủng hộ thiện nguyện để mang lại lợi ích cho xã hội thay vì chỉ chăm chăm tích trữ của cải.
Hành động của ông phù hợp với triết lý đó. Trước khi qua đời, Carnegie đã quyên góp gần 350 triệu đô la Mỹ – một số tiền khổng lồ vào thời điểm đó -, tài trợ cho một số thư viện, cơ sở giáo dục và nghiên cứu khoa học trên khắp nước Mỹ và cả quốc tế.
Tương tự, Rockefeller đã quyên góp hàng trăm triệu đô la lập ra Quỹ Rockefeller vẫn tồn tại cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm giáo dục và nghiên cứu y tế. Một số chương trình giáo dục ở Việt Nam cũng đã được Quỹ Rockefeller tài trợ.
Còn Henry Ford, dù không trực tiếp điều hành Quỹ Ford, nhưng ông đã đóng góp đáng kể cho nó, tập trung vào giáo dục, nghiên cứu khoa học và phát triển cộng đồng, nhưng sau này đã mở rộng phạm vi hoạt động (scope of activities) ra nhiều nơi trên thế giới.
Làn sóng thiện nguyện mới
Ngày nay, truyền thống trên được tiếp nối với một thế hệ doanh nhân mới, đặc biệt là doanh nhân lĩnh vực công nghệ (tech entrepreneur). Những nhân vật như Bill Gates, Warren Buffett, và gần đây hơn là Jeff Bezos và Elon Musk, đã chuyển sang làm thiện nguyện; mỗi người theo cách riêng nhưng nhờ đó mà tái định hình (reshape) công việc thiện nguyện.
Quỹ Bill & Melinda Gates, với trọng tâm là sức khỏe toàn cầu và giáo dục, đã đặt ra một tiêu chuẩn mới cho việc từ thiện quy mô lớn, trong khi cam kết của Buffett với Giving Pledge (Cam kết cho đi) đã khuyến khích các tỷ phú toàn cầu cam kết ít nhất một nửa tài sản cho các mục đích thiện nguyện.
Tuy nhiên, làn sóng thiện nguyện mới không chỉ đơn thuần là việc viết séc. Những doanh nhân nói trên đang tận dụng chuyên môn về công nghệ, đổi mới công nghệ, kinh doanh, để giải quyết một số thách thức cấp bách nhất của thế giới, từ biến đổi khí hậu đến đói nghèo và bệnh tật.
Thông qua cách làm như vậy, họ tái định nghĩa (redefine) vai trò của nhà giàu, vượt xa công tác thiện nguyện truyền thống, tạo ra những hệ thống nhằm hướng đến sự bền vững.
Tương lai thiện nguyện- hòa hợp với AI
Khi hướng tới tương lai thiện nguyện, doanh nhân Mỹ đang trải qua một sự chuyển đổi. Do được tiến bộ công nghệ thúc đẩy và cũng vì kỳ vọng của xã hội và những thách thức toàn cầu, các nỗ lực thiện nguyện của thế hệ kế tiếp ở Mỹ, theo dự kiến, sẽ tham vọng hơn, dựa trên dữ liệu và sẽ bao quát hơn.
Tuy nhiên, cùng với những thay đổi này là những câu hỏi quan trọng về ảnh hưởng của tài sản cá nhân và hiệu quả của các mô hình cho đi mới.
Một thay đổi đáng kể nhất là việc sử dụng ngày càng nhiều dữ liệu và công nghệ để đưa ra các quyết định thiện nguyện. Thiện nguyện, bây giờ, không chỉ đơn thuần là phân bổ tiền bạc nữa, mà ngày càng trở nên chính xác và có thể đo lường được. Các doanh nhân, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, đang áp dụng các phương pháp tiếp cận dựa trên dữ liệu từng giúp họ thành công trên thương trường vào thiện nguyện.
Bill Gates và Mark Zuckerberg là những người đi đầu trong việc phân tích dữ liệu để giải quyết các thách thức về sức khỏe và giáo dục toàn cầu.
Quỹ Bill & Melinda Gates nổi tiếng với việc theo dõi kết quả của các sáng kiến của quỹ với độ chính xác nghiêm ngặt. Quỹ này biết rõ các khoản tiền có phân bổ đến đúng nơi và hiệu quả nhất hay không.
Trong tương lai, trí tuệ nhân tạo sẽ đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong thiện nguyện.
Andrew Carnegie, ông vua thép và nhà thiện nguyện nổi tiếng vào cuối thế kỷ 19
John Davison Rockefeller, người thành lập công ty Standard Oil, nền móng cho ngành dầu mỏ vào cuối thế kỷ 19 và trở thành tỷ phú đầu tiên của Mỹ. Hiện nay gia tộc này đang bước sang đời thứ bảy, với hơn 200 người thừa kế, với khối tài sản hơn 11 tỷ USD.
Henry Ford là người sáng lập Công ty Ford Motor. Ông là một trong những người tiên phong áp dụng sản xuất dây chuyền lắp ráp trong ngành công nghiệp ô tô.