TAKEMITSU TAKIZAKI: TỪ TÊN TUỔI GẮN LIỀN VỚI ĐỔI MỚI TRONG CÔNG NGHIỆP… ĐẾN NHÀ THIỆN NGUYỆN KHIÊM CUNG

Tên tuổi của ông Takemitsu Takizaki gắn liền với sự đổi mới trong công nghiệp, nhưng di sản của ông không chỉ giới hạn trong các nhà máy.
Là người sáng lập Keyence, công ty hàng đầu thế giới về cảm biến quang điện và linh kiện điện tử dùng cho tự động hóa (có nhà máy ở Việt Nam), ông Takizaki đã xây dựng một đế chế kinh doanh đã làm thay đổi ngành sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh khối tài sản trị giá 21,8 tỷ USD , tính đến tháng 9 năm 2024, theo tạp chí Forbes, những đóng góp từ thiện của ông như muốn tiết lộ một cam kết sâu sắc đối vì tiến bộ xã hội và phúc lợi dành cho một số người.
𝗧𝗵𝗶𝗲̣̂𝗻 𝗻𝗴𝘂𝘆𝗲̣̂𝗻 𝗮̂𝗺 𝘁𝗵𝗮̂̀𝗺 𝗻𝗵𝘂̛𝗻𝗴 𝗺𝗮̣𝗻𝗵 𝗺𝗲̃
Mặc dù những thành tựu kinh doanh của ông Takizaki được ca ngợi rộng rãi, nhưng thật ra hoạt động thiện nguyện của ông mới là nền tảng chính trong di sản của ông. Năm 2022, ông đã đóng góp một khoản lịch sử trị giá gần 3 tỷ USD bằng cổ phiếu cho quỹ từ thiện mang tên mình.
Hành động hào phóng này đánh dấu một trong những khoản đóng góp thiện nguyện lớn nhất của một doanh nhân Nhật Bản trong lịch sử gần đây, theo báo Japan Times.
Cách tiếp cận của ông Takizaki đối với hoạt động thiện nguyện nổi bật lên bởi sự khiêm nhường. Ông tránh ánh đèn sân khấu, để cho hành động của mình tự lên tiếng. Khoản đóng góp 3 tỷ USD cho quỹ của ông đã được thực hiện một cách lặng lẽ, không có bất kỳ sự phô trương nào. Cách tiếp cận khiêm tốn này phản ánh giá trị cá nhân của ông. Đối với ông, sự giàu có đi kèm trách nhiệm cải thiện thế giới, chứ không phải để thể hiện thành công, vẫn theo Japan Times.
Quỹ của ông Takizaki, mặc dù ít công khai thông tin, được cho là tập trung vào các lĩnh vực như giáo dục, nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ. Dường như, ông muốn nhấn mạnh đến việc hỗ trợ thế hệ tiếp theo của những nhà tư duy và sáng tạo phù hợp với hành trình cá nhân của ông.
“Thành công không chỉ là tích lũy, mà còn là những gì bạn đóng góp được,” ông từng chia sẻ như thế trong các cuộc phỏng vấn, tóm tắt triết lý thiện nguyện của mình.
Việc quỹ Takemisu Takizaki tập trung vào giáo dục và tiến bộ công nghệ cho thấy tầm nhìn dài hạn của ông, vượt qua những hỗ trợ từ thiện tức thời và hướng tới việc trao quyền cho cá nhân và cộng đồng trong tương lai. Niềm tin của ông Takizaki vào các giải pháp bền vững phản ánh triết lý kinh doanh của ông: đổi mới và thúc đẩy cải tiến liên tục.
𝗗𝗶 𝘀𝗮̉𝗻 𝗰𝘂̉𝗮 𝘁𝗿𝗮́𝗰𝗵 𝗻𝗵𝗶𝗲̣̂𝗺
Tầm ảnh hưởng ông Takizaki không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thiện nguyện hay doanh nghiệp, mà nó còn lan tỏa, đến cuộc sống của hàng triệu người hưởng lợi từ những đóng góp của ông. Các sản phẩm do Keyence phát triển đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất hàng hóa của nhiều ngành công nghiệp. Từ các linh kiện xe hơi đến đồ điện tử tiêu dùng, các cảm biến của Keyence là trọng tâm của việc sản xuất chính xác, cho ra hàng hóa chất lượng, hiệu quả. Hiện nay, hơn 60% doanh thu của công ty đến từ thị trường quốc tế.
Vào tháng 3 năm 2015, ông Takizaki đã từ chức chủ tịch của Keyence. Dù vậy, tầm ảnh hưởng của ông trong công ty vẫn rất lớn. Ông tiếp tục ngồi trong hội đồng quản trị và là Chủ tịch danh dự của công ty.
Hành trình của ông Takemitsu Takizaki từ kỹ sư trở thành doanh nhân tỷ phú là minh chứng cho sức mạnh của sự đổi mới, tầm nhìn chiến lược và cam kết cải tiến liên tục. Tuy nhiên, di sản thiện nguyện của ông có thể đã vượt qua cả những thành tựu kinh doanh.
Trong thời đại mà sự giàu có thường định nghĩa sự thành công, ông Takizaki đem đến một câu chuyện khác: thành tựu thực sự không được đo bằng những gì tích lũy được, mà bằng những gì mình cống hiến.
Sự khiêm tốn trong hoạt động từ thiện của ông và sự tận tâm trong việc trao quyền cho người khác là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng thành công, khi gắn liền với trách nhiệm, có thể tạo ra tác động lâu dài cho thế giới.
Chuyện của ông Takizaki dường như vẫn đang được viết tiếp.
Đầu cảm biến quang điện công suất lớn tại một nhà máy Keyence ở Việt Nam.
(Ảnh: trang web nhà máy)

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts