Warren Buffett tuyên bố vào 6-2024: hiến tặng toàn bộ tài sản gần 150 tỷ đô la cho xã hội

Cho đi tất cả khi còn sốnglà tâm nguyện của vị tỷ phú quá cố Chuck Feene

“Cho đi tất cả khi còn sống” là tâm nguyện của vị tỷ phú quá cố Chuck Feeney, và ông đã hoàn thành ước nguyện đó khi qua đời cách đây gần một năm, trở thành vị tỷ phú trắng tay sau khi đã hào phóng cho đi tất cả tài sản của mình với tổng giá trị hơn 8 tỷ USD. Con đường mà Chuck Feeney lựa chọn đã và đang được nhiều vị tỷ phú khác bước theo.

Trong một bài viết đầu tuần này, ngày 17-9, Associated Press đề cập đến gánh nặng đang đè lên ba người con của tỷ phú Warren Buffet – gồm Howard, Susie và Peter – khi họ được người cha 94 tuổi của mình giao trọng trách: cho đi toàn bộ tài sản lên đến 150 tỷ USD trong vòng 10 năm sau khi ông qua đời. Warren Buffet đã không thể tự mình hoàn thành trách nhiệm cho đi, sau khi đã đóng góp đến hơn 50 tỷ USD cho các mục đích thiện nguyện trong những năm qua. Thách thức là làm thế nào số tiền thiện nguyện khổng lồ đi đến đúng nơi cần phải đến.

Trong một bài viết của mình, Associated Press đã kể lại việc Warren Buffett thông báo vào tháng 6 vừa qua rằng ông sẽ chuyển toàn bộ tài sản của mình, hiện được định giá gần 144 tỷ đô la, cho một quỹ từ thiện do ba người con của ông quản lý sau khi ông qua đời, thay vì trao cho Quỹ Gates như ông đã đề cập 18 năm trước. Thế hệ tiếp theo của gia đình Buffett sẽ có 10 năm để phân phát số tiền này, Warren Buffett cho biết.

Howard Buffett, người con giữa của Buffett, nói với Associated Press rằng ông đã học được điều mà cha ông đã nói với ông và các anh chị em về từ thiện: “Không dễ để cho đi tiền bạc nếu bạn muốn làm điều đó một cách thông minh, nếu bạn muốn cân nhắc thấu đáo.”

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với truyền thông, Howard Buffett, 69 tuổi, cho biết ông chưa biết chính xác cách ông và các anh chị em sẽ phân phát tài sản của cha mình như thế nào. Tuy nhiên, ông nói rằng họ sẽ tiếp tục chấp nhận rủi ro và tìm cách tạo ra tác động lớn nhất như cha họ đã yêu cầu.

“Tôi có thể nói rằng, chúng tôi sẽ ngồi lại với nhau trong một căn phòng, và sẽ tìm ra cách khá nhanh chóng,” ông nói, thừa nhận rằng chỉ thị phải trao tặng hết số tiền trong vòng 10 năm là một thách thức.

Qua nhiều năm, Buffett đã trao những khoản tiền đóng góp hàng tỷ đô la cho các quỹ do ba người con của ông quản lý bên cạnh một quỹ gia đình.

Buffett cũng đã giao cho Bill Gates và Melinda French Gates những khoản đóng góp lớn hàng năm cho quỹ của họ kể từ năm 2006 — lên tới một con số đáng kinh ngạc là 43 tỷ đô la cho đến nay. Khung thời gian ngắn để phân phát hết tài sản sau khi ông qua đời là một trong những điều kiện lâu nay của Warren Buffett đối với việc nhận tài trợ từ thiện. Ông đã yêu cầu Quỹ Gates và các quỹ gia đình phải phân phát toàn bộ số tiền họ nhận được trong vòng một năm.

Những tỷ phú hào phóng nhất

Những người giàu nhất nước Mỹ nằm trong số những nhà từ thiện lớn nhất, quyên góp hàng tỷ đô la cho các hoạt động nghiên cứu chữa bệnh, tài trợ giáo dục, và các sáng kiến về khí hậu…

Một trong những lý do có nhiều tỷ phú Mỹ nằm trong danh sách các nhà từ thiện hàng đầu thế giới có thể là nhờ vào sự ra đời của Cam kết Cho đi. Được sáng lập vào năm 2010 bởi Warren Buffett, Bill Gates và Melinda Gates, cam kết này là “một lời hứa từ những cá nhân và gia đình giàu có nhất thế giới rằng sẽ dành phần lớn tài sản của họ cho các hoạt động từ thiện.” Khi mới ra mắt, 40 người giàu nhất nước Mỹ đã ký vào cam kết này, với mục tiêu đặt ra một “tiêu chuẩn mới về tính quảng đại trong số những người giàu có nhất.”

Hiện nay, Cam kết này đã có mặt các tỷ phú từ khắp nơi trên thế giới tham gia và họ tự chọn những lĩnh vực mà mình muốn tài trợ. Đây được xem là một nỗ lực “đa thế hệ” nhằm “thay đổi các chuẩn mực xã hội về từ thiện giữa những người giàu có nhất thế giới và truyền cảm hứng cho mọi người cống hiến nhiều hơn, lập kế hoạch từ thiện sớm hơn và cống hiến một cách thông minh hơn.”

Warren Buffett, CEO của Berkshire Hathaway, được coi là tỷ phú hào phóng nhất xét về số tiền quyên góp. Ông đã đóng góp khoảng 55 tỷ đô la, chủ yếu cho Quỹ Bill & Melinda Gates cũng như bốn tổ chức từ thiện được lập ra bởi ba người con của Buffett và người vợ quá cố của ông.

Tuy nhiên, Forbes trong một bài báo về hoạt động từ thiện của các tỷ phú vào tháng 11 năm 2023 đã cung cấp một góc nhìn khác, làm sáng tỏ tính hào phóng của họ bằng cách so sánh số tiền quyên góp với tổng giá trị tài sản của họ.

Theo nghiên cứu của Forbes, các thành viên trong danh sách Forbes 400 năm 2023 đã đóng góp tổng cộng hơn 250 tỷ đô la cho từ thiện từ trước đến nay, nhưng con số này chỉ chiếm chưa đầy 6% tổng giá trị tài sản của họ.

Tất nhiên, cũng có không ít người thật sự hào phóng hơn người khác. Trong danh sách Forbes 400, chỉ có 11 trong số 400 người giàu nhất nước Mỹ đã đóng góp hơn 20% tài sản của họ, gồm John Arnold, Edythe Broad, Warren Buffett, Bill Gates, Melinda French Gates, Amos Hostetter Jr., Pierre Omidyar, MacKenzie Scott, Lynn Schusterman, Jeff Skoll và George Soros.

Đây là năm thứ tư liên tiếp mà George Soros, ông trùm quỹ đầu cơ và người ủng hộ cánh tả nổi tiếng, là người đóng góp lớn nhất nếu đo lường bằng tỷ lệ phần trăm tài sản. Ông đã đóng góp hơn 19 tỷ đô la, gần gấp ba lần giá trị tài sản hiện tại của mình, trong hơn bốn thập kỷ qua, hầu hết thông qua các Quỹ Xã hội Mở (Open Society Foundations) của ông.

Các thành viên trong danh sách Cam kết Cho đi nói rằng họ sẽ cho đi hơn một nửa tài sản của mình trước khi qua đời, nhưng Soros – người không ký vào cam kết này – là nhà từ thiện duy nhất trong danh sách Forbes 400 đã đạt được mục tiêu đó cho đến nay, theo ước tính của Forbes.

Sinh ra tại Hungary vào năm 1930, George Soros đã sống qua thời kỳ chiếm đóng của Đức Quốc xã vào năm 1944–1945. Soros rời Budapest vào năm 1947 để đến London, làm nhân viên khuân vác đường sắt bán thời gian và phục vụ tại hộp đêm để kiếm tiền theo học tại Trường Kinh tế London. Năm 1956, ông di cư sang Hoa Kỳ, gia nhập thế giới tài chính và đầu tư, nơi ông tạo ra tài sản của mình.

George Soros đã dùng tài sản của mình để tạo ra Quỹ Xã hội Mở – một mạng lưới các quỹ, đối tác và dự án ở hơn 120 quốc gia. Soros bắt đầu hoạt động từ thiện vào năm 1979, trao học bổng cho người da đen Nam Phi trong thời kỳ phân biệt chủng tộc. Vào những năm 1980, ông đã tài trợ cho người Hungary tham dự các chuyến thăm học thuật tới phương Tây, và sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, ông đã thành lập Đại học Trung Âu như một không gian thúc đẩy tư duy phản biện – một khái niệm lạ lẫm đối với hầu hết các trường đại học trong khu vực này thời kỳ đó.

Sau đó, ông dần dần mở rộng hoạt động từ thiện của mình sang châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latinh và Hoa Kỳ. Các khoản đóng góp của ông không chỉ giới hạn trong các Quỹ Xã hội Mở, mà đã hỗ trợ các tổ chức độc lập như Global Witness, Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group), Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (European Council on Foreign Relations) và Viện Tư tưởng Kinh tế Mới (Institute for New Economic Thinking).

Một nhân vật mới nổi khác là MacKenzie Scott, người cũng đang trên đường đạt đến mức độ hào phóng đó. Kể từ sau cuộc ly hôn với Jeff Bezos vào năm 2019, bà đã nhanh chóng trao gần 15 tỷ đô la dưới hình thức các khoản tài trợ, chủ yếu là các khoản nhỏ hơn 10 triệu đô la mà không kèm theo điều kiện gì cho các tổ chức từ thiện địa phương. Năm 2023, bà bắt đầu nhận đơn xin tài trợ lần đầu tiên thông qua chương trình “Open Call”, trong đó sẽ trao 1 triệu đô la cho mỗi tổ chức trong số 250 tổ chức vào năm 2024.

Và không thể không nhắc tới tỷ phú công nghệ Bill Gates, người cùng với Warren Buffett lập ra Cam kết Cho đi, đồng thời thành lập quỹ thiện nguyện Bill & Melinda Gates Foundation, một trong những tổ chức tài trợ lớn nhất thế giới về y tế toàn cầu.

Quỹ này gần đây đã thông báo sẽ chi 8,6 tỷ USD vào năm 2024, ngân sách lớn nhất từ trước đến nay, được hỗ trợ bởi khoản đóng góp 20 tỷ USD của Gates vào năm 2022.

Bản thân Quỹ Gates có kế hoạch tăng ngân sách hàng năm lên 9 tỷ USD vào năm tới, và sau đó duy trì ở mức này, một tỷ lệ khá cao so với ngân quỹ 75,2 tỷ USD của tổ chức này.

Tỷ phú Bill Gates mới đây cũng đã trao 12,5 tỷ USD cho bà French Gates để sử dụng cho các mục đích từ thiện khi hai vợ chồng chia tay, và bà cũng thông báo sẽ từ chức khỏi vai trò đồng chủ tịch của quỹ mà hai người sáng lập. Vào tháng Sáu, bà French Gates cam kết sẽ đóng góp 1 tỷ USD trong hai năm tới cho các tổ chức làm việc vì phụ nữ và gia đình trên khắp thế giới.

Bill Gates mới đây cũng tìm cách vận động các chính phủ, nhất là những nước giàu, tham gia tích cực hơn vào công tác thiện nguyện để tạo ra những tác động tích cực mạnh mẽ hơn cho một thế giới tốt đẹp hơn.

Hôm thứ ba tuần này, Bill Gates nói với Associated Press trong một cuộc phỏng vấn rằng các chính phủ giàu nhất nên tăng cường hỗ trợ các quốc gia châu Phi, vì hiện nay “nguồn tiền đến châu Phi ít hơn vào thời điểm họ cần” cho dù là để giảm nợ, tiêm chủng hay giảm suy dinh dưỡng, Gates nói với Associated Press trong một cuộc phỏng vấn.

Và còn khá nhiều tên tuổi hào phóng khác, như đã liệt kê bên trên, chẳng hạn John Arnold, Edythe Broad, Bill Gates, Melinda French Gates, Amos Hostetter Jr., Pierre Omidyar, Lynn Schusterman, và Jeff Skoll.

Và vị tỷ phú truyền cảm hứng

Howard Buffett, chịu ảnh hưởng từ người cha của mình là Warren Buffett, nói rằng ông thích đối mặt với thách thức và cho rằng nói chung, những người giàu nên tặng hết tài sản của họ trong suốt cuộc đời, thay vì giữ lại trong các quỹ vĩnh viễn.

Cam kết tặng hết tài sản, như trong trường hợp của Warren Buffett và con trai ông, Howard, có thể bắt nguồn, hay được truyền cảm hứng, từ tỷ phú quá cố Chuck Feeney, người đã tặng hết tài sản của mình trong lúc còn sống và qua đời vào ngày 9-10-2023 khi ông đã hoàn toàn trắng tay.

Forbes viết rằng, vào mùa hè năm 2012, Bill Gates gửi một gợi ý cho tạp chí này. Nội dung đại khái là: “Các bạn nên tìm hiểu về Chuck Feeney; ông ấy đã ảnh hưởng rất lớn đến cách Warren và tôi suy nghĩ về từ thiện.”

Forbes chia sẻ rằng khi hai người giàu nhất thế giới dành thời gian để kể câu chuyện, bạn nên lắng nghe. Vì vậy, như Gates đã gợi ý, chúng tôi đã tìm hiểu về Chuck Feeney, nhà sáng lập tỷ phú của tổ chức thiện nguyện The Atlantic Philanthropies.

Chuck Feeney là một người khiêm tốn, tránh xa ánh đèn sân khấu, chọn giữ hoạt động của quỹ của mình trong bí mật trong những ngày đầu. Ông muốn có thể gặp gỡ mọi người, trò chuyện, học hỏi và hành động mà không thu hút sự chú ý hoặc sự công nhận.

Atlantic duy trì hoàn toàn sự ẩn danh cho đến năm 1997. Quyết định “ra mắt công chúng” vào năm đó là kết quả từ vụ kiện liên quan đến việc bán cổ phần của Atlantic trong Duty Free Shoppers, công ty mà Feeney đồng sáng lập và là nguồn tài sản để thành lập quỹ. Tờ New York Times đã tiết lộ tin tức trong một bài báo với tiêu đề “Ông đã tặng 600 triệu đô la mà không ai biết”, tiết lộ cách Feeney đã bắt đầu Atlantic vào năm 1982.

Năm 2002, khi Feeney và hội đồng Atlantic quyết định rằng quỹ sẽ kết thúc tất cả các hoạt động tài trợ vào năm 2016 và ngừng hoạt động vào năm 2020, họ cũng quyết định quỹ cần minh bạch hơn và thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức nhận tài trợ và các bên liên quan khác trong những năm cuối cùng của mình.

Vài năm sau, Feeney, người ngại công khai, đã đồng ý để câu chuyện cuộc đời mình được kể trong cuốn sách “Tỷ phú không tiền”. Được xuất bản năm 2007, cuốn sách của nhà báo Conor O’Clery là một bài tường thuật chi tiết về lịch sử gia đình của Feeney, sự nghiệp kinh doanh của ông và động lực thành lập Atlantic. Feeney đã tận dụng việc xuất bản cuốn sách để lan truyền thông điệp về việc Cho đi khi còn sống.

Trong một bài viết trên trang web Atlantic, Steve Bertoni đã nhấn mạnh tinh thần cho đi khi còn sống của Chuck Feeney, rằng đối với hầu hết các hoạt động kinh doanh và từ thiện, số không là kẻ thù, khi mà rất nhiều hoạt động của con người tập trung vào năng suất, tăng trưởng và hành động. Số không là kẻ thù về mặt toán học – điều cần phải bị đánh bại.

Tuy nhiên, tại The Atlantic Philanthropies, số không là anh hùng (zero is hero). Đó là ngôi sao, là tia sáng, là mục tiêu. Trong khi các tổ chức từ thiện khác tập trung vào tăng trưởng không ngừng và tăng cường nguồn vốn của họ để có đủ tiền tặng cho mãi mãi, Atlantic đã dành hơn ba thập kỷ để phấn đấu đạt đến con số không – ngân quỹ trống rỗng, đóng cửa, và tặng hết tài sản.

Kết quả của quá trình tìm kiếm con số không này là: hơn 8 tỷ đô la được cho đi cho gần 2.500 tổ chức nhận tài trợ, và cuối cùng là một tỷ phú đã hết tiền – theo đúng mục đích.

Sinh thời, Chuck Feeney hay trích một câu từ tục ngữ Ailen rằng “không có cái túi nào trong tấm vải liệm”. Ông đã cô đọng triết lý cho các nhà từ thiện tương lai: “Cho đi khi còn sống vui hơn nhiều so với khi bạn đã chết.”

Danh sách các tỷ phú đã đóng góp thiện nguyện nhiều nhất

Tạp chí kinh doanh Mỹ Forbes đã xếp hạng 25 nhà từ thiện giàu nhất với những khoản đóng góp lớn nhất trong suốt cuộc đời tính đến cuối năm 2023, được đo bằng số tiền quyên góp cho các tổ chức từ thiện.

Năm 2023, những nhà hảo tâm này đã cho đi gần 25 tỷ đô la. Forbes lưu ý rằng những cá nhân trong danh sách này có tổng tài sản ròng là 1,35 nghìn tỷ đô la. Dưới đây là một số tỷ phú trong danh sách năm nay đã quyên góp nhiều tiền nhất:

Warren Buffett

Warren Buffett đã quyên góp 56,7 tỷ đô la trong suốt cuộc đời, tập trung vào y tế và giảm nghèo. Ở tuổi 94, ông có tài sản ròng là 131 tỷ đô la.

Bill Gates và Melinda French Gates

Bill Gates và Melinda French Gates đã đóng góp 42,5 tỷ đô la trong suốt cuộc đời, tập trung vào y tế và giảm nghèo. Bill có tài sản ròng 125 tỷ đô la, còn tài sản ròng của Melinda là 10,6 tỷ đô la.

George Soros

Nhà sáng lập quỹ đầu cơ George Soros, 94 tuổi, đã đóng góp 21 tỷ đô la trong suốt cuộc đời, tập trung vào giáo dục, dân chủ và nhân quyền. Soros có tài sản ròng 6,7 tỷ đô la.

Michael Bloomberg

Nhà sáng lập công ty dữ liệu và truyền thông tài chính Bloomberg LP, 83 tuổi, đã đóng góp 3 tỷ đô la vào năm 2023. Bloomberg đã đóng góp 17,4 tỷ đô la trong suốt cuộc đời, tập trung vào biến đổi khí hậu, y tế và giáo dục. Ông có tài sản ròng 96,3 tỷ đô la.

MacKenzie Scott

MacKenzie Scott đã đóng góp 2,15 tỷ đô la vào năm 2023. Scott đã đóng góp 16,58 tỷ đô la trong suốt cuộc đời, tập trung vào bình đẳng kinh tế, chủng tộc và giới tính. Nhà từ thiện này có tài sản ròng 35,3 tỷ đô la.

Jim và Marilyn Simons

Năm 2023, Jim và Marilyn Simons cam kết 500 triệu đô la trong vòng bảy năm cho quỹ của Đại học Bang New York tại Stony Brook, Long Island, theo Forbes. Cặp đôi này đã đóng góp 6,03 tỷ đô la trong suốt cuộc đời, với số tiền tài trợ tập trung vào khoa học cơ bản và toán học. Họ có tài sản ròng 30,7 tỷ đô la.

Mark Zuckerberg và Priscilla Chan

Mark Zuckerberg và Priscilla Chan đã đóng góp 4,5 tỷ đô la trong suốt cuộc đời, tập trung vào khoa học và giáo dục. Cặp đôi này có tài sản ròng 165 tỷ đô la.

Steve và Connie Ballmer

Năm ngoái, Steve và Connie Ballmer đã công bố một khoản đóng góp 175 triệu đô la trong bảy năm cho Strive Together, một nhóm có trụ sở tại Ohio làm việc ở 29 bang nhằm hỗ trợ trẻ em nghèo. Cựu CEO Microsoft và vợ đã đóng góp 3,75 tỷ đô la trong suốt cuộc đời. Tài sản ròng của cặp đôi này là 123 tỷ đô la.

Phil và Penny Knight

Năm 2023, Phil và Penny Knight công bố cam kết 400 triệu đô la trong vòng năm đến mười năm cho một quỹ hỗ trợ cư dân da đen ở Portland, Oregon; quỹ này sẽ được dùng cho các dịch vụ giáo dục, nghệ thuật và các chương trình khác. Nhà sáng lập Nike và vợ đã đóng góp 3,6 tỷ đô la trong suốt cuộc đời, tập trung vào giáo dục. Phil và Penny có tài sản ròng 42,5 tỷ đô la.

Jeff Bezos

Jeff Bezos và vị hôn thê Lauren Sánchez đã công bố thành lập Quỹ Maui trị giá 100 triệu đô la vào năm 2023 sau khi hỏa hoạn phá hủy một phần của đảo Hawaii. Nhà sáng lập Amazon đã đóng góp 3,33 tỷ đô la trong suốt cuộc đời, tập trung vào môi trường và giáo dục. Bezos có tài sản ròng 196 tỷ đô la.

Bốn tỷ phú mới cũng được thêm vào danh sách năm 2024, bao gồm Barbara Picower, xếp thứ 12 với tổng số đóng góp suốt đời là 3,15 tỷ đô la; Bernie và Billi Marcus, xếp thứ 23 với tổng số đóng góp 1,75 tỷ đô la; Amos và Barbara Hostetter, xếp thứ 24 với tổng số đóng góp 1,61 tỷ đô la; và Eric Wendy Schmidt, xếp thứ 25 với tổng số đóng góp 1,44 tỷ đô la.

 

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts